Tràng An chính thức trở thành di sản thế giới kép đầu tiên Đông Nam Á
(Dân trí) - Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã diễn ra trong không khí trang trọng, nhiều cảm xúc.
Ngày 23/6/2014, quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam. Đây là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Ủy viên Bộ Chính trị- Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang… cùng đại diện các bộ, vụ, viện và lãnh đạo các sở ban ngành địa phương và bạn bè quốc tế…
Đúng 19h45 tối ngày 23/1, lễ đón bằng ghi danh quần thể danh thắng Tràng An chính thức diễn ra tại Trung tâm hội nghị chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.
Chùa Bái Đính cũng đón hàng vạn người dân Ninh Bình, du khách từ khắp mọi nơi đã trở về đây để được chứng kiến giây phút trang trọng và chiêm ngưỡng tận mắt quần thể danh thắng độc đáo này.
Mở đầu là phần nghi lễ, trao bằng cùng với những ý kiến khái quát và đánh giá về những giá trị nổi bật của quần thể danh thắng Tràng An và tiếp đó là chương trình nghệ thuật đặc sắc nhằm nêu bật những giá trị của quần thể danh thắng Tràng An.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Katherine Muller - Marine - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, trước khi được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới thì Tràng An là điểm đến di lịch nổi tiếng của Việt Nam không những về văn hóa cổ mà còn là cảnh sắc thiên nhiên đẹp, hùng vĩ. Qua nhiều lần nghiên cứu, tham khảo, UNESCO đã công nhận quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đồng thời bà Katherine Muller - Marine cũng đã chúc mừng Việt Nam và tỉnh Ninh Bình. Bà hi vọng Quần thể danh thắng Tràng An sẽ tiếp tục thu hút lượng khách du lịch lớn trong những năm tới.
Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ghi nhận và cảm ơn những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, các nhà khoa học, các cơ quan Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp... đã tích cực nghiên cứu, bảo vệ, tôn tạo danh thắng Tràng An vô giá, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Từ ngày hôm nay, những đóng góp ấy chắc chắn sẽ được gìn giữ và ngày một phát triển. Đồng thời thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tổ chức UNESCO, Cộng đồng di sản thế giới, cùng bạn bè quốc tế đã ủng hộ quần thể danh thắng Tràng An.
Quần thể danh thắng Tràng An với nhiều di tích danh thắng đã được Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt quan trọng như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư…
Tràng An là một trong những nơi có cảnh quan đẹp và quyến rũ nhất trên thế giới. Nơi đây hội tụ vẻ đẹp hài hòa của đá, sông nước, rừng cây…tạo nên một một cảnh quan thiên nhiên sống động và quyến rũ.
Bên cảnh vẻ đẹp thiên nhiên, quần thể danh thắng Tràng An còn có giá trị nổi bật toàn cầu của một di sản văn hóa thế giới. Trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử đã được phát hiện trong quần thể danh thắng Tràng An.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ít nhất là từ khoảng 23.000 năm đến nay, một số nền văn hóa tiền sử đã tiến hóa liên tục ở khu vực này, từ thời đồ Đá cũ qua thời đại Đá mới đến thời đại đồ Sắt và đồ Đồng.
Tại Hội thảo quốc tế về "Phát triển bền vững trong Công ước Di sản Thế giới” diễn ra mới đây tại Ninh Bình, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về sự phát triển bền vững trong Công ước Di sản Thế giới, bao gồm: Phát triển kinh tế toàn diện, bền vững môi trường, phát triển xã hội hoà nhập, hòa bình và an ninh, quyền con người...
Các đại biểu cho rằng, cần quảng bá sự bền vững về môi trường nói chung, tránh khai thác cạn kiệt hoặc tàn phá các nguồn lực tự nhiên và đảm bảo chất lượng về môi trường lâu dài, phòng tránh và giảm nhẹ các tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam sau khi được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới ngày càng được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết tới, góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt đã góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch, dịch vụ và sự tăng trưởng kinh tế của các địa phương nơi có Di sản, tạo thu nhập và thúc đẩy nền kinh tế cộng đồng phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng vạn lao động địa phương…
Đức Văn