Trà mạn, thức uống dân dã trong đời sống người Việt
(Dân trí) - Trà mạn là loại trà làm từ lá đã qua chế biến, sao khô, có mùi thơm tự nhiên, mộc mạc, không ướp thêm hương hoa.
Trà Việt thường được chia thành 3 nhóm chính là trà tươi, trà mạn và trà hương. Trong đó các loại trà hương như trà sen, trà lài thường được ướp thêm hương hoa để dậy mùi… Riêng trà tươi được pha trực tiếp từ lá trà tươi, phần lá này không trải qua quá trình chế biến, sao khô. Còn trà mạn là loại trà làm từ lá đã qua chế biến, sao khô, có mùi thơm tự nhiên, mộc mạc, không ướp thêm hương hoa.
Trà mạn rất phổ biến trong văn hóa trà Việt Nam, đó chính là loại trà xanh cánh đen xám, hình móc câu mà hầu hết các gia đình đều có. Người ta thường pha trà mạn thưởng thức hàng ngày hoặc để mời khách đến chơi. Mỗi dịp thờ cúng, chén trà mạn cũng thường xuất hiện cùng nhiều đồ lễ khác trên ban thờ.
Các nông trường trồng chè tại nước ta ngày càng phát triển, mang đến những sản phẩm trà mạn đa dạng cho thị trường. Đặc trưng của trà mạn vẫn là màu nước xanh vàng sóng sánh, vị chát ấn tượng mà dịu êm, để lại hậu ngọt khó quên sau mỗi ngụm trà.
Lá trà tốt sẽ quyết định phần lớn đến việc chúng ta có thể pha được một tách trà ngon hay không. Ngoài ra những yếu tố tác động đến vị trà còn nhiều yếu tố khác như ấm pha trà, nhiệt độ nước, thời gian hãm trà,…
Để bảo đảm chất lượng loại trà sử dụng có chất lượng tốt, đến từ vùng trà ngon. Từ xa xưa đến nay, pha một ấm trà mạn vào sáng sớm hay sau mỗi bữa ăn để nhâm nhi thưởng thức đã trở thành thói quen dân dã của người Việt. Vị trà mộc mạc, giản dị gắn liền với đời sống của người Việt bấy lâu nay.