“Tôi thương và chạnh lòng trước sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý”
(Dân trí) - “Tôi nhớ hình ảnh ông thời trẻ: đẹp tướng, oai phong, ăn nói giỏi, viết ca khúc quá giỏi. Rồi một ngày, tuổi già ập đến, ông ngồi một góc trong căn nhà, nhiều khi cũng cô đơn, trông ngóng…”, ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ. Không riêng Ánh Tuyết, nhiều nghệ sĩ cũng buồn thương trước sự ra đi của cây đại thụ nền âm nhạc nước nhà.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trút hơi thở cuối cùng lúc 17h ngày 26/12, tại nhà riêng ở Quận 1, TPHCM, hưởng thọ 94 tuổi. Nghe tin ông mất, nhiều nghệ sĩ bày tỏ sự thương tiếc sâu sắc.
Ca sĩ Ánh Tuyết: “Tôi khâm phục về tài sản lớn về âm nhạc của ông”
Nghe tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời, không riêng gì tôi mà những ai yêu mến ông đều tiếc thương cả. Dù biết ông tuổi cao, mang nhiều bệnh, có thể sự ra đi lại là… nhẹ nhàng hơn, nhưng tôi vẫn chạnh lòng về quãng thời gian cuối đời ông không được sống gần con cháu.
Tôi thương ông. Tôi nhớ hình ảnh ông thời trẻ, ông đẹp tướng, oai phong, lẫm liệt, ăn nói giỏi, viết ca khúc quá giỏi. Ông nói một tiếng, người ta nghe răm rắp. Nghe ông nói chuyện về âm nhạc, ai cũng nuốt từng lời. Ông nói rất hay, rất lôi cuốn.
Rồi một ngày, tuổi già ập đến, ông ngồi một góc trong căn nhà. Cuộc sống của người già, nhiều khi cũng cô đơn, buồn tẻ, trông ngóng… Chỉ nhận một cuộc điện thoại thôi, ông cười sung sướng…
Tôi vẫn thường đến thăm ông, cảm nhận ông mừng như trẻ con mỗi lần khách đến. Đến đầu ngõ, tôi đã nhìn thấy ông bắc ghế trông qua cửa sổ. Vài năm nay, tôi chuyển về Hội An nên không còn qua chào hỏi ông thường xuyên như trước.
Tôi khâm phục về tài sản lớn về âm nhạc của ông. Ông viết nhiều, hầu như ca khúc nào cũng hay
Người ta còn ví Nguyễn Văn Tý là nhạc sĩ "tỉnh ca". Đây là một lời khen, sự khâm phục. Ông viết về các tỉnh thành rất giỏi. Mỗi tỉnh thành đều có ca khúc hay. Ngay cả công việc của người chăn nuôi lợn, đàn lợn béo, ông cũng đưa vào ca khúc, nghe rất hay.
Tôi nghĩ rằng, ông để lại một kho âm nhạc, một tài sản tinh thần quá lớn. Những ca khúc ông viết ra được rất nhiều khán giả yêu thích, sử dụng…
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: “Nguyễn Văn Tý có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc”
Ông là một tên tuổi của nền âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ XX, cha đẻ của nhiều ca khúc bất hủ: “Mẹ yêu con”, “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”, “Dư âm”...
Chỉ cần nhìn tên những ca khúc ấy, những giai điệu và lời ca đã bay nhảy và vang lên trong trái tim mỗi chúng ta. Đó là những giai điệu bất tận về tình yêu quê hương đất nước, về những vùng đất, con người, tình yêu của mẹ cha dành cho con cái và tình yêu lứa đôi.
Nguyễn Văn Tý có biệt tài kể chuyện bằng âm nhạc và truyền cảm hứng khiến ta yêu lây những vùng đất mà ông đã đến, cảm nhận và kể lại trong tác phẩm của mình. Khiến ta dù có thể chưa đến mảnh đất ông kể cũng cảm thấy gần gũi và yêu nó đến nhường nào.
Giống như tôi, đã yêu Hà Tĩnh, Bến Tre từ khi tôi mới tuổi thiếu niên vẫn đang ở cùng gia đình tại Thị xã Bắc Giang (nay là thành phố), trung tâm của tỉnh Hà Bắc (nay là hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh). Cũng là địa phương được ông kể lại bằng âm nhạc trong ca khúc “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”
Năm 2015, giới âm nhạc liên tiếp đón nhận tin không vui khi nhiều bậc nhạc sĩ lão thành qua đời, như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân. Đồng thời, nhiều nhạc sĩ lão thành ốm yếu hoặc sống trong cô đơn như nhà soạn nhạc Nguyễn Văn Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Cũng vì lý do đó, nhóm chúng tôi, Giáng Son, Mai Tuyết Hoa, nhà báo Đỗ Huyền và tôi đã quyết định từ Hà Nội bay vào TP Hồ Chí Minh tới tư gia các nhạc sĩ mới qua đời thắp nén nhang vĩnh biệt những bậc tiền bối tài ba. Đồng thời tranh thủ ghé qua nhà thăm các nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Nam. Và tất nhiên, không thể bỏ qua việc tới thăm “bố” Chín (cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9).
Tấm hình trong bài viết này chúng tôi chụp kỷ niệm với cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tại nhà ông trong chuyến đi đó. Nhớ lại lúc chia tay nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, cả nhóm hứa hẹn với lão nhạc sĩ lần tới vào TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục ghé qua thăm ông. Sau đó cũng nhiều lần vào nhưng không đủ nhóm, rồi thì bận rộn những việc riêng chưa kịp ghé lại thăm ông.
Vậy mà hôm nay! Không kịp thăm lão nhạc sĩ một lần nữa rồi…
Phạm Phương Thảo: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc nước nhà”
Dù biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tuổi cao, đau ốm đã lâu nhưng nghe tin bác đi, tôi cũng như các nghệ khác đều thương tiếc.
Tôi chưa được gặp bác ngoài đời, nhưng từ đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn bác vì đã sáng tác ca khúc “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”. Nhờ ca khúc đó, tôi được giải Sao Mai năm 2003 và từ đó tên Phạm Phương Thảo mới thực sự đến với khán giả.
Một ca khúc nữa của bác khi tôi thể hiện rất được mọi người yêu thích đó là ca khúc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ”. Đấy là hai ca khúc của bác gắn với tên tuổi ca hát của tôi, là dấu ấn để khán giả biết đến Phạm Phương Thảo.
Về lĩnh vực sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc nước nhà. Đối với cá nhân tôi, tôi ngưỡng mộ và học tập bác về kỹ thuật sáng tác cũng như ca từ. Những ca khúc bác viết rất mộc mạc, đời thường nhưng lại có sự bác học.
Nếu để đánh giá về chuyên môn thì bác là một trong những nhạc sĩ hàng đầu. Nếu nói về ca khúc đi sâu vào đời sống, dễ thấm, dễ nhớ thì cũng ít người vượt qua được bác. Nguyễn Văn Tý là tên tuổi lớn để nhiều người sáng tác nhìn vào học tập.
Đến hôm nay, tôi rất mong được bay vào viếng bác. Nhưng do chưa sắp xếp được thời gian, nên tôi hi vọng vào dịp gần nhất có thể bay vào thắp cho bác nén hương. Xin vĩnh biệt bác…
Nguyễn Hằng