Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Những bài ca đẹp
(Dân trí) - Nhạc sĩ của “Ai xây chiến luỹ”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Mẹ yêu con”… nay đã già, yếu đau, nhiều bệnh, cuộc sống riêng rất khó khăn, nhưng trao đổi về chuyện nghề, ông vẫn luôn nói về cái đẹp. Đối với ông, phải đẹp từ lý tưởng bên trong đến ngoại hình bên ngoài.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đến với cách mạng từ rất sớm. Ông sinh ra ở Vinh, Nghệ An, quê gốc ở Vĩnh Phú. Trưởng thành lên từ vùng đất ví dặm nhưng từ trong sâu thẳm, ông lại thấm đẫm vào máu thịt những làn điệu hát xoan, thế nên ông rất thành công với các ca khúc thấm đượm chất dân ca. Và những ca khúc của ông bao giờ cũng để lại một ấn tượng đẹp tuyệt vời.
Gia tài một thuở
Xuất thân trong một gia đình truyền thống âm nhạc, cha là "trùm một phường bát âm của miền quê Vĩnh Phú thạo cả hát văn , hát chèo và hát ả đào ", sau vào làm thợ máy nhà máy xe lửa Trường Thi ở Nghệ An; thuở bé, Nguyễn Văn Tý học ở trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy hát những bài đang thịnh hành thời đó. Trong thời gian tham gia hoạt động hướng đạo , ông được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca . Ở đó ông được học nhạc lý cơ bản và nhất là nâng cao trình độ hát bè . Nguyễn Văn Tý còn được một thầy giáo nhạc sĩ người Hoa tên Mạnh Hinh dạy chơi đàn guitar Hawaii . Ông kể, đêm nào ông cũng ngồi ở cửa nhà thầy Mạnh Hinh, vì quá yêu nhạc, sáng sớm thầy tỉnh giấc đã thấy ông ngồi đó bèn mời vào nhà, cho tham gia ban nhạc, đi hát trong các phòng trà ở Vinh kiếm sống.
Năm 1945 , Nguyễn Văn Tý sớm tham gia phong trào Việt Minh , sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể, ông bắt đầu sáng tác vào năm 1947 khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương , nhưng ông luôn coi tác phẩm đầu tay của mình là bài Ai xây chiến lũy được viết 1949 . “Ai xây chiến luỹ, ai vạch biên thuỳ/Sang chi bến nớ, không ở bên ni/Người người đã bước chân đi…” - Bài hát vạch rõ ranh giới giữa địch và ta, giữa lý tưởng cao đẹp hướng về Tổ quốc của người thanh niên chiến đấu chống lại những ì trệ, hưởng thụ, xa hoa.
Nguyễn Văn Tý rất tự hào vì bố ông thuộc giai cấp công nhân, lại là nhà nho nên dậy lễ giáo cho các con rất chặt chẽ. Đối với ông, bạn bè cũng phải chọn những người bạn chân chính, kết nối và sẻ chia, đẹp từ lý tưởng bên trong đến hình thức bên ngoài.
Năm 1948 , Nguyễn Văn Tý ở đoàn văn hóa tiền tuyến thuộc Quân huấn cục. Sau đó, từ năm 1950 , ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm trưởng đoàn. Bản Dư âm nổi tiếng được ông sáng tác khoảng 1950 sau một lần về chơi nhà bạn ở Quỳnh Lưu , Nghệ An. Ngoài ra ông còn sáng tác bài Mùa hoa nở, Pha màu luống cày... Đến 1951 , Nguyễn Văn Tý giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Năm 1952 , ông quen biết với bà Nguyễn Thị Bạch Lệ, em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và sau đó hai người thành hôn. Thời gian này ông sáng tác những bài như Vượt trùng dương (1952), Tiếng hát Dôi-a (1953) và đặc biệt là ca khúc nổi tiếng Mẹ yêu con (1956)…
Những ca khúc vượt thời gian
Nguyễn Văn Tý là một trong những nhạc sĩ gạo cội thuộc thế hệ đầu tiên cùng thời với Nguyễn Xuân Khoát , Đỗ Nhuận , Lưu Hữu Phước , Văn Cao . Thế nhưng ông luôn coi Văn Cao như người thầy về mặt âm nhạc. Ông tự sự đã học từng chút trong từng cách gieo vần cho lời thơ, nắn nót từng nốt nhạc, để rồi tự mình chiêm nghiệm những khúc thức, triết lý trong nghệ thuật, đưa vào ca khúc.
“Hồi đó, giặc Pháp sắp thua rồi nên đánh dữ lắm – Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể - Gia đình tôi phải làm sẵn cái bè chuối giăng mùng, buộc ở bờ sông để sẵn sàng tản cư chứ không thể ở trong nhà được. Mỗi lần ghé qua thăm con, nhìn cảnh vợ chăm chút con nhỏ quá vất vả, nâng niu con bé giữa cảnh đạn bom loạn lạc ấy, tôi xúc động lắm, viết bài Mẹ yêu con chính là những tình cảm chân thật nhất từ trong sâu thẳm đáy tim”.
Các bài Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đặc sệt chất miền Trung. Còn “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” lại ra màu đất Bắc. “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” được Nguyễn Văn Tý viết trong những chuyến đi công tác về vùng đất Kinh Bắc. Ông bảo sông Thương mềm mại và gia tài dân ca quan họ đã quyến rũ, hút hồn ông. “Quan họ là một ngôn ngữ kiệt xuất - nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khẳng định – Đó chính là tiếng nói của nhân dân, chuyển tải tâm hồn dân tộc”.
Đi đến đâu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đều cố gắng sống như người bản địa, học thổ dân từng điệu ăn lối nói, cách hành xử, giao lưu. Dáng đứng Bến Tre là kết quả của mấy tháng đi điền dã cùng hai vợ chồng nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Lư Nhất Vũ – Lê Giang về với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. “Tôi đến vùng đất nào cũng vậy, đều cố gắng học làm người trước đã, và chỉ khi dân ca vùng đó đã ngấm vào máu thịt của mình, tôi mới sáng tác ” – Nhạc sĩ tự sự.
Tôn vinh sáng tạo
Nguyễn Văn Tý đoạt rất nhiều giải thưởng. Năm 2000 , ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Mẹ yêu con, Vượt trùng dương, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Dáng đứng Bến Tre.
Bài và ảnh: Hòa Bình