Tìm “cành hoa sen” mà chi!

Lại có người bảo “cành hoa sen” trong “Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen” chính là cành “cây sen đất” ở chùa Bối Khê (Hà Nội) nhưng lập luận không thuyết phục. Thực ra, cành hoa sen chỉ là cái cớ…

Đã một thời từng rộ lên tranh cãi về “cành hoa sen” trong câu ca dao nêu trên. Nhiều người cho rằng đã có sự nhầm lẫn gì đó chứ hoa sen làm gì có “cành”? Cuống sen yếu ớt, làm sao vắt được chiếc áo? Câu chuyện về sau đã khép lại với cách hiểu: Cành hoa sen chỉ là thủ pháp tượng trưng, ước lệ của dân gian mà thôi.

Ba điều mâu thuẫn

Thế nhưng, mới đây, Báo Dân Trí, Gia đình và Xã hội có bài tiêu đề “Đã tìm thấy “cành hoa sen” gây tranh cãi trong ca dao?”, dẫn ý kiến nhà nghiên cứu âm nhạc - nghệ sĩ Nguyễn Quang Long cho rằng “cành hoa sen” trong câu ca dao: “Đêm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”; “Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...” chính là cành của “cây sen đất” ở chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội). Đây là loại cây thân gỗ, hoa gần giống sen đầm và “khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ chỉ duy nhất ở chùa Bối Khê có cây hoa sen đất lâu đời”. Từ đó, nhà nghiên cứu cho rằng đã “giải quyết được hết những vốn lý trong câu ca dao kia” và “chúng ta có thể nhận định là bài ca dao được ra đời ở vùng này”.

Theo chúng tôi, cách tiếp cận vấn đề này sẽ nảy sinh hàng loạt mâu thuẫn:

Một là, nếu vùng đồng bằng Bắc Bộ “chỉ duy nhất ở chùa Bối Khê có cây sen đất lâu đời” nên bài ca dao “Tát nước đầu đình” được xác định “ra đời ở vùng này” thì đồng nghĩa phải sửa lại “lý lịch” bài dân ca Đông Anh, Thanh Hóa: “Lên chùa bẻ một cành sen/Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...” chăng? Hẳn nhà nghiên cứu sẽ trả lời: Có thể một ngôi chùa nào đó ở Thanh Hóa cũng đã từng trồng cây “sen đất” giống Bối Khê? Nếu vậy, lý do nào để khẳng định bài ca dao “Tát nước đầu đình” chỉ có thể ra đời ở đồng bằng Bắc Bộ, cụ thể là vùng “chùa Bối Khê” mà không phải Thanh Hóa?


Người đẹp và hoa sen Ảnh: PHẠM ĐỨC

Người đẹp và hoa sen Ảnh: PHẠM ĐỨC

Hai là, trong không gian kiến trúc làng Việt, nếu đình làng không nằm giữa trung tâm dân cư thì cũng ở vị trí phong quang, cao đẹp nhất. Vậy ruộng lúa, nương ngô đâu ở “đầu đình” mà ra tát nước? Giả sử không gian ước lệ “đầu đình” được mở rộng ra ngoài đồng thì liệu chàng trai có cất công đem chiếc áo vào tận khuôn viên đình chùa hay khu vực cổng tam quan mà vắt “trên cành hoa sen”?

Ba là, đình làng là chốn tôn nghiêm, linh thiêng. Ngày xưa, đàn bà con gái qua lại phải cúi mặt mà đi hoặc lấy nón che nghiêng. Thế nên, trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính”, Thị Mầu mới ghẹo Tiểu Kính Tâm: “Chàng như táo rụng sân đình. Em như gái rở đi rình của chua” (vì thuộc chốn tôn nghiêm nên dù thấy “của chua vô chủ”, đang cơn “thèm” mà “gái rở” cũng đành đứng xa mà “rình”). Bởi thế, nếu có chuyện mất áo thật, thay vì hỏi dò cô gái, hẳn chàng trai phải đi tìm ông thủ từ mà truy mới đúng. Bằng không, với kiểu “ấm ớ” như vậy, chắc chàng trai sẽ bị mắng té tát vì cái tội ăn nói hàm hồ: Tôi phận đàn bà con gái, đêm hôm đâu dám qua lại, nhòm ngó gì ở “đầu đình” mà bắt được áo của nhà anh? Dĩ nhiên, chàng trai cũng đâu còn cơ hội để tiếp tục ngỏ ý “mượn cô ấy về khâu cho cùng”, rồi “trả công” những “lợn béo”, “xôi vò”, “rượu tăm”...?

Nghệ thuật khác xa hiện thực

Cách tiếp cận theo kiểu “thực nghiệm hiện trường vụ án” của nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long còn nảy sinh hàng loạt vấn đề cần giải quyết trong nhiều bài ca dao khác:

- “Trên trời có đám mây xanh/ Ở giữa mây trắng, chung quanh mây vàng/ Ước gì anh lấy được nàng...”. Thực tế có đám mây nào màu sắc, hình thù như vậy không?

- “Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng”. Đang bận bịu như vậy, sao phải chạy lên chùa “bẻ một cành sen” rồi mới về ăn cơm, đi cấy?

- “Hoa sen mọc bãi cát lầm/ Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen”. Hoa sen “mọc bãi cát” là loại sen gì?

- “Nụ tầm xuân nở ra biêng biếc/ Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!”. Tìm đâu ra hoa tầm xuân màu xanh bây giờ?

- “Ăn chanh ngồi gốc cây chanh/ Thầy mẹ gả bán cho anh thật thà”. Chanh thuộc loài cây bụi, cành nhánh gai góc mọc từ gốc mọc lên. Vậy, giống chanh nào cao lớn tới mức có thể “ngồi gốc cây chanh”?

- “Gần nhà mà chẳng sang chơi/ Để anh bắc ngọn mồng tơi làm cầu”. Có loại “mồng tơi” thân gỗ có thể bắc cầu không?

Trong ca dao - dân ca, có các “thể” như: phú, tỉ, hứng. Phần lớn những câu mở đầu chỉ mang tính chất đặt vấn đề, mở đầu cho việc thổ lộ tâm tình, đôi khi bỏ qua tính logic của hiện thực. Tính tượng trưng, ước lệ đến mức phi thực tế không chỉ thấy trong văn học dân gian mà còn có cả trong văn học nghệ thuật thành văn.

Bài hát “Có một đàn chim”, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sáng tác những năm đầu thế kỷ XX, có lời: “Đàn chim tung bay khi mùa thu mơ giăng tơ. Từng tiếng quốc quốc...”. Nếu cứ theo đây thì cả một sự vô lý bởi chim cuốc kêu “quốc quốc” chỉ biết chạy, nhảy tà tà, đâu có biết bay, nói gì đến “bay xa qua đồng bao la nắng, qua đồng xa tuyết trắng, phương trời Đông hay trời Tây”...? Tuy nhiên, với nghệ thuật thì người ta có quyền sáng tạo để đàn chim kia cất lên tiếng gọi Tổ quốc, quê hương... Bởi vậy, không nên đồng nghĩa thủ pháp nghệ thuật với hiện thực cuộc sống.

Chỉ là cái cớ

Trở lại bài ca dao. Đâu có ai yêu đương, tỏ tình mà lại phải chờ đúng đến dịp (sơ ý) làm mất chiếc áo rồi nhân việc đi tìm mới tiện thể ngỏ lời yêu? Không tìm được áo thì may ra tìm được người yêu, như vậy còn gì là ca dao trữ tình nữa?

Có thể nói 2 câu “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen” chỉ là cái cớ để chàng trai bắt chuyện, thổ lộ tình cảm với cô thôn nữ mà mình đã thầm yêu trộm nhớ; đồng thời, nhân đó tự giới thiệu “lý lịch bản thân” một cách hết sức tự nhiên: anh đây người yêu lao động; cần cù một nắng hai sương; hãy còn chưa vợ; nhà có mẹ già... Cái khôn khéo của chàng trai là mở đầu bằng chuyện đi tìm áo nhưng đã không khiến cô gái phải chú ý, bận lòng vào “chiếc áo” giả tưởng kia, để rồi chàng tiếp tục ướm hỏi, “đi xa” hơn nữa...

Một khi chuyện “bỏ quên chiếc áo” không có thật thì cớ gì phải băn khoăn đi tìm loại “cành hoa sen” có đủ độ cứng để có thể vắt được chiếc áo?

Đừng hoài công

Là “nhà nghiên cứu”, chuyện tiếp tục tìm tòi, lật lại vấn đề tưởng như đã đúng của người đi trước là điều cần thiết và đáng quý. Tuy nhiên, với trường hợp cụ thể bài ca dao “Tát nước đầu đình”, theo chúng tôi, nếu cứ “quyết chí” đi tìm “cành hoa sen”, “thực nghiệm hiện trường” cho thật trùng khớp với ngôn từ, sự vật là điều vô vọng, nếu không nói là sai phương pháp luận khi nghiên cứu văn học dân gian nói riêng và hình tượng nghệ thuật nói chung.

Theo Hoàng Tuấn Công
Người Lao Động