Tiết lộ “động trời” của một đại gia sưu tập tranh quý
(Dân trí) - Trong suốt hàng thập kỷ, có một “Mạnh Thường Quân” đã quyên tặng những tác phẩm nghệ thuật quý giá cho các viện bảo tàng trên khắp nước Mỹ. Ông được biết đến như một nhà sưu tập nghệ thuật giàu có và hảo tâm, cho tới khi sự thật “động trời” được tiết lộ…
“Nhà sưu tầm nghệ thuật hảo tâm” Mark Landis
Người ta đã sửng sốt khi biết rằng tất cả số tranh mà trước nay “nhà sưu tầm nghệ thuật hảo tâm” Mark Landis đem tặng đều là giả, rằng chính ông ta đã tự vẽ nên những bức tranh này.
Tất cả những gì trước nay người ta biết về Mark Landis chỉ là một trò bịp bợm “đại tài”, nhưng Landis không bị khởi tố, đơn giản bởi ông ta không hề nhận một đồng nào từ việc tặng tranh, vì vậy, ông không vi phạm pháp luật.
Landis vô tư bình luận: “Hiển nhiên là chẳng có tội ác nào trong việc tặng một bức tranh cho viện bảo tàng, việc họ đối xử với tôi như ông hoàng là việc của họ. Một lần làm ông hoàng rồi thành nghiện, vụ này dẫn tới vụ khác, phải mất tới 30 năm tôi mới bị lộ tẩy. Anh đã bao giờ được đối xử như một ông hoàng chưa? Để tôi bảo cho anh biết nhé, tuyệt vời lắm đấy”.
Landis bắt đầu tặng tranh giả kể từ giữa thập niên 1980, khi đó ông ta đã đưa một số bức tranh cho một viện bảo tàng ở bang California, nói rằng đó là tác phẩm của họa sĩ Maynard Dixon.
Động lực để Landis thực hiện “phi vụ” đầu tiên này là để… gây ấn tượng với mẹ. Trước đó, Landis đã luôn ngưỡng mộ những nhà sưu tầm nghệ thuật giàu có, hảo tâm, họ được mời xuất hiện trên TV vì đã đem tặng cho các bảo tàng những tác phẩm quý.
Một bức tranh chép của Mark Landis.
Bức tranh màu nước bản gốc của họa sĩ Paul Signac.
Ở tuổi thiếu niên, Landis đã từng bị một cơn chấn động tâm lý sau khi người cha qua đời, ông cũng bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt. Những liệu pháp chữa trị bằng hội họa đã cho thấy Landis có tài chép tranh và chép với tốc độ nhanh đáng kinh ngạc.
“Những người chép tranh siêu đẳng thực hiện tác phẩm rất cầu kỳ, nhưng tôi không có được sự kiên nhẫn đó. Tôi chế ra một bức tranh chép chỉ trong vòng 1-2 tiếng là cùng. Nếu tôi không thể hoàn tất một bức tranh trước khi một bộ phim hết giờ phát sóng trên truyền hình, ngay lập tức tôi sẽ bỏ dở bức tranh đó” - Landis cho biết.
Vào vai nhà hảo tâm giàu có, Landis đã “quyên tặng” những bức tranh giả cho hàng chục viện bảo tàng danh tiếng trên khắp nước Mỹ. Mãi cho tới năm 2008, khi Landis tặng tranh cho Viện bảo tàng thành phố Oklahoma, ông này mới bị lộ tẩy, khi đó, anh Matt Leininger đang là chuyên viên tại đây.
Leininger nhớ lại: “Ban đầu chúng tôi chỉ nghĩ rằng Landis là một nhà sưu tầm nghệ thuật lập dị. Tác phẩm đầu tiên ông tặng chúng tôi là một bức tranh màu nước của Louis Valtat, ông tự tay mang đến tận nơi để tặng. Chúng tôi liền lắp khung tranh và trưng bày bên cạnh những tác phẩm lớn, dĩ nhiên, không hề biết đó là tranh giả”.
Matt Leininger (trái) và Mark Landis (phải)
Sau đó, Leininger tiếp tục nhận được một kiện hàng do Landis gửi tới, trong đó có 5 bức tranh của những họa sĩ Pháp sống ở thế kỷ 19 như Paul Signac và Stanislas Lepine. Leininger liền tìm kiếm thông tin về tranh của Signac và đọc được thông tin rằng trước đây Landis đã từng đem tặng tranh Signac. Leininger lại tiếp tục tra cứu về tranh của Lepine và cũng thấy thông tin rằng Landis từng tặng tranh Lepine. Ngay lập tức sự nghi ngờ nảy sinh…
Leininger liền thử đưa những bức tranh lên mũi ngửi và nhận ra rằng các bức tranh đều có mùi cà phê, anh mơ hồ hiểu rằng Landis đã dùng cà phê để những bức tranh trông cũ xỉn đi. Leininger liền thử cạo một mảng màu.
Vì những bức tranh này đã hơn trăm tuổi nên nếu cạo một mảng màu, những mảng khác xung quanh cũng sẽ ngay lập tức rạn nứt, bong tróc, nhưng kỳ lạ thay, chúng vẫn bám chắc, kết dính chặt chẽ và phía bên dưới là vệt màu còn mới nguyên, màu vải còn rất trắng… Không còn nghi ngờ gì, đây đều là tranh giả.
Điều Leininger tự hỏi là tại sao việc xác nhận thật giả đơn giản như vậy mà có quá nhiều viện bảo tàng, triển lãm tranh lại để Landis lừa một cách quá dễ dàng suốt 3 thập kỷ. Leininger bắt đầu tìm hiểu sâu kỹ hơn và nhận ra rằng Landis luôn tặng những tác phẩm phù hợp với bộ sưu tập mà các viện bảo tàng đang nắm giữ. Vì vậy, khi được tặng bức tranh còn khuyết trong bộ sưu tập, họ ngay lập tức mừng rơn “như bắt được vàng” và chỉ muốn tin rằng đó là sự thật.
Mark Landis và một số tác phẩm của mình. Mới đây, ông đã trở thành nhân vật chính trong bộ phim tài liệu “Art and Craft” (Nghệ thuật và lừa đảo - 2014).
Trước khi thực hiện những “vố lừa” này, Landis đã làm quen với một cựu điệp viên FBI chuyên xử lý các tội phạm có liên quan tới tác phẩm nghệ thuật, Landis đã nắm được luật cơ bản rằng nếu ông không nhận tiền, trách nhiệm sẽ thuộc về phía các đơn vị nhận tranh.
Landis đã khiến hàng chục viện bảo tàng, triển lãm tranh bị “lừa đau”. Là người trong nghề, chuyên viên Leininger biết rằng có một số viện bảo tàng đã phát hiện ra sự thật về Landis trước khi anh phanh phui tất cả hồi năm 2008, nhưng họ quyết định giữ im lặng vì sợ mất mặt.
“Chẳng viện bảo tàng hay triển lãm tranh nào muốn thú nhận rằng họ đã đón nhận tranh giả về treo” - Leininger chia sẻ.
Bản thân Landis cho biết ông không hề thấy xấu hổ hay dằn vặt gì về những việc đã làm và tự liên tưởng mình như nhân vật cậu bé người gỗ hay nói dối Pinocchio.
Sau khi bị lộ tẩy, Landis vẫn tiếp tục làm tranh giả để tặng cho những triển lãm nhỏ, ở thời điểm mẹ ông qua đời năm 2010, số lượng tranh giả được thực hiện càng nhiều hơn.
Hai năm sau, trường Đại học Cincinnati tiến hành triển lãm những bức tranh giả của Landis và chính chuyên viên Leininger là người tổ chức. Triển lãm được mở ra vào đúng ngày Cá Tháng Tư (1/4) và Landis là khách mời danh dự.
“Đó là lần đầu tiên tôi thực sự lo lắng bởi tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình. Nhưng khi tôi có mặt ở triển lãm, mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp. Tôi thực sự ngạc nhiên và thích thú” - Landis nhớ lại.
Tại đây, Landis đã lần đầu tiên lên tiếng xin lỗi vì những chuyện mình đã gây ra. Khi đứng trong một căn phòng trưng bày những tác phẩm do mình tạo ra, Landis đã cảm thấy xấu hổ, nhưng lý do thì rất… hài hước: “Nhìn lại một số bức tôi không ngờ mình lại vẽ xấu đến thế. Xấu đến mức khiến tôi thấy xấu hổ và không muốn nhìn thấy chúng nữa”.
Bích Ngọc
Theo BBC