Tiễn biệt nhạc sĩ Hoàng Lương về nơi an nghỉ cuối cùng

(Dân trí) - Trong ngày diễn ra lễ tiễn đưa nhạc sĩ Hoàng Lương về nơi an nghỉ cuối cũng, đọc lại những dòng trong tập hồi ký của thân phụ anh: Nhạc sĩ Hoàng Hà viết về người con trai đầu lòng Hoàng Lương cảm nhận được tình yêu vô bờ bến của cha.

Nhạc sĩ Hoàng Lương sinh ngày 15/4/1959, quê ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Ông tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và về Đài TNVN công tác từ năm 1983.

Ông là đạo diễn âm nhạc, từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, Phó Giám đốc Hệ Âm nhạc - Thông tin - Giải trí (VOV3) Đài TNVN và hiện đang giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Đài TNVN.

Lễ viếng nhạc sĩ Hoàng Lương từ 7h30 đến 8h30 ngày thứ Hai 25/9/2017 tại Nhà Tang Lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang từ 8h30, an táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.

Nhạc sĩ Hoàng Lương.
Nhạc sĩ Hoàng Lương.

Bố con mình sẽ dắt tay nhau mà đi con ạ (Trích hồi ký của nhạc sĩ Hoàng Hà)

Trong ngày chuẩn bị lễ tiễn đưa nhạc sĩ Hoàng Lương về nơi an nghỉ cuối cũng, đọc lại những dòng trong tập hồi ký của thân phụ anh: Nhạc sĩ Hoàng Hà viết về người con trai đầu lòng Hoàng Lương cảm nhận được tình yêu vô bờ bến của cha, ông chăm chút từng ly từng tý và hướng con vào con đường âm nhạc mà ông đam mê, rèn cho con trở nên người có ích cho xã hội.

“Tất cả, chỉ vì tôi nghĩ đến các con tôi. Tôi muốn chúng sẽ sống cuộc đời nghệ thuật sớm, vợ chồng tôi muốn dâng cho Tổ Quốc những đứa trẻ thông minh biết sáng tạo từ thời niên thiếu, cái thời căng sức sống đầy ước mơ của chúng.

15/4/1959 (08 tháng 3 năm Kỷ Hợi): Tiếng khóc chào đời đầu tiên của con cất lên là lúc 13 giờ hôm nay (giờ Ngọ [tháng 3 Ngọ 11.30-13.30]). Tiếng khóc của con, tôi nghe như tiếng nhạc cất lên vừa rắn rỏi, khỏe mạnh, như lới chào tự tin của một con người vừa đến với cuộc đời.

Nhìn đứa con đỏ hỏn trong tay bà đỡ, tôi vui vui thầm nghĩ: "Chào con. Thế là từ nay, bố đã có thêm một người bạn thân thiết nhất. Ồ, đừng la hét như thế, hãy tin vào cuộc đời.

“Rồi bố con mình sẽ dắt tay nhau mà đi, con ạ". Nụ cười của vợ lúc này tôi chưa từng thấy bao giờ: cái nụ cười hạnh phúc, nụ cười rộng lượng. Khi mọi việc đã yên ổn, tôi viết thư ngay cho anh Hảo (Nguyễn Lương Hoàng), xin anh cho phép chúng tôi lấy bí danh Hoàng Lương của anh hồi anh ở Phúc Yên đặt tên cho con để ghi nhớ người đã đưa tôi đến với Cách mạng.

Tiếng khóc của thằng bé nhỏ xíu đã thay đổi cuộc sống trong căn nhà này, đã ghi thêm một mục mới trong cái Chương trình sống của tôi và của tất cả nhà, kể từ hôm nay.

31/7/59: Bé Lương đã sõi hơn. Đôi mắt sáng và nhanh. Cái miệng xinh đùn bọt cua, hay chuyện, cười toe toét. Lương thích xem tranh, và bắt đầu thích nghe đàn của bố. Tôi đem guitare đến cạnh gảy, các ngón tay Lương ngọ ngậy, cười rụt cả cổ, sều cả dãi, thích trí thì chân đạp cuống quít.

02/9/59: Bé Lương vừa lật được mấy cái đầu tiên.

05/9: Lương lẫy được.

17/9 (trung thu): Lương được đem ra phố xem trống, đèn, và được 4 quả cam bác Chu Lâm mua ở Hà Nội về cho. Những ngày nay, tôi và gia đình đang sống những ngày đầy thương yêu.

07/8/61: Hôm nay, tôi chuyển chiếc đàn Piano của tôi từ Hà Nội về cơ quan (Vĩnh Yên). Bạn Phan Lượng đã giới thiệu cho tôi mua chiếc đàn này. Hiệu Boisselot, của một nhà ở 24 Quán Thánh, Hà Nội. Là chiếc đàn piano duy nhất của một cá nhân có, ở Thị xã Vĩnh Yên. Mua được đàn, mà tôi còn bàng hoàng đến hàng tháng. Bởi vì, nó là kết quả một quyết tâm vô cùng, một cố gắng vô cùng.

Tôi đã bán đi nhiều thứ: chiếc xe đạp Praha tôi đang đi, chiếc khung xe Tour de France (em Hùng để mất chiếc xe này, sau công an tìm lại được chỉ còn cái khung), chiếc máy ảnh Liên Xô vẫn dùng, chiếc radio vừa mua được, và một số tiền vay sẽ trả dần. Tất cả, chỉ vì tôi nghĩ đến các con tôi. Tôi muốn chúng sẽ sống cuộc đời nghệ thuật sớm, dâng cho Tổ quốc những đứa trẻ thông minh biết sáng tạo từ thời niên thiếu, cái thời căng sức sống đầy ước mơ của chúng.

Tháng 10 năm 1962, tôi rời Vĩnh Phúc, về Hà Nội. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đề xuất “Hoàng Hà vào học Trường Âm nhạc Việt Nam, hiện anh Tạ Phước làm Hiệu trưởng". Không phải suy nghĩ gì, tôi nói ngay : "Vậy thì xin anh cho em đi học". Tôi đến trường, xin thi. Anh Tạ Phước trực tiếp sát hạch tôi các môn Ký âm, Xướng âm, Hòa thanh, Phức điệu, Khúc thức, Phát triển Chủ đề cho sẵn. Kết quả được biết ngay: Tôi không phải học lại Trung cấp, đủ sức học hệ Đại Học, qua một thời gian Dự bị có tính chất ôn tập.

24/1062: Tối nay, con Lương bắt đầu "học". Cho Lương tập tô 4 giòng chữ BO, BA, TO, TE. Đây là những trang học đầu tiên trong đời Lương, bằng cách tập tô lên mẫu chữ chì mờ của bố. Tô xong 4 dòng, Lương đòi học nữa, nhưng tôi bảo để tối mai tiếp tục.

05/11/62: con Lương bắt đầu đi Mẫu giáo từ mai. Mình cho nó tập tô chữ cái, nó rất ham. Về nhạc, mình đang cho nó tập nghe, bằng cách bắt giọng với đàn. Đánh đàn một câu ngắn cho nó lặp lại. Rồi vẫn câu ấy, đánh lên bậc cao hơn, cho nó bắt giọng. Chỉ thỉnh thoảng mới sai.

23/5/63: Mỗi buổi đi chơi bây giờ đối với Lương là mở ra cả một thế giới mới. Nó ham biết quá, mỗi buổi đưa nó đi chơi nghĩ và giảng giải cho nó là một buổi lao động thực sự.

Cha con nhạc sĩ Hoàng Hà - Hoàng Lương.
Cha con nhạc sĩ Hoàng Hà - Hoàng Lương.

28/5/63: Có lần thấy mình vừa chơi vừa dạy con cả nhạc lẫn hội họa, một bạn bảo mình: "Cậu định đào tạo thần đồng hay sao đấy ?". Không, không phải mình muốn có một thần đồng. Mình chỉ muốn thực hiện điều mơ ước của mình cho các con. Mình mơ ước tất cả những người làm cha mẹ hãy biết tận tình dắt các con lên cao, đi xa hơn bản thân, hãy biết làm cho chúng lớn hơn mình nhiều lần, để làm tròn trách nhiệm góp phần sáng tạo trong việc nối tiếp các thế hệ. Dạy con là việc tưởng như nhỏ, nhưng thực ra nó vô cùng lớn. Nó chính là công việc đẩy lịch sử tiến tới.

30/12/63: Minh Toàn cho mượn chiếc máy quay đĩa. Có một không khí âm nhạc. Tôi cân nhắc, quyết định dạy Lương sử dụng máy. Con rất thông minh. Tôi giải thích kỹ lưỡng từng động tác. Ví dụ: tôi chỉ cho Lương những vết bẩn do tay cầm lên đĩa, và bảo Lương phải lót khăn tay khi cầm đĩa; cho Lương xem mấy đĩa cũ bị xước, giảng giải tại thiếu thận trọng,... Từng động tác, nhanh chóng Lương làm thuần thục, bảo đảm. Dần dần, Lương hoàn toàn thành thạo.

Trong các đĩa hát, tôi chọn những đĩa con nên nghe, đánh dấu vào các mặt đĩa ấy. Lương rất tự giác, chỉ nghe những mặt đĩa có đánh dấu. Trong việc chọn, tôi chú ý chọn những đĩa dân ca, Chèo để đánh dấu. Hiệu quả thật thích thú : ngoài việc say mê làm chính xác các động tác, việc cho xử dụng máy đã làm cho Lương mê nghe đĩa, do đó thuộc khá nhiều bài: "Cầu Việt Trì", "Ngày thứ bảy Công sản", "Làng tôi" (Văn Cao), "Cấy chiêm", "Quê tôi giải phóng", "Cây trúc xinh",... Ngoài việc nghe ca khúc, Lương cũng thích nghe khí nhạc, ngồi nghe cứ gật gù.

Trong các đĩa khí nhạc, Lương thích nhất bản Giao hưởng số 5 của Beethoven. Tôi không hiểu tại sao như vậy, chưa phân tích được. Lương hỏi tất cả mọi thứ, mọi lúc. Bao giờ Lương cũng được tôi tìm cách trả lời cho thỏa mãn. Tôi yêu thương con, làm tất cả vì nó…

31/12/63: Sáng. Vừa đánh con một roi. Trong khoảng hơn nửa năm nay, Lương bị roi này là roi thứ hai. Vẫn chỉ có một bệnh là sáng ngủ dậy bao giờ cũng mè nheo, tạ sự đau bụng, không muốn đi học. Tôi vẫn chủ trương không đánh con, loại trừ roi vọt ra khỏi đường lối giáo dục.

Vì thế, tôi nói với nó : "Bố không thích đánh đòn, vì đánh đòn đau đít Lương, mà đau cả tay bố". Phải đánh con sáng nay, tôi mệt mỏi hơn cả những ngày lao động căng thẳng nhất. Cô Duyên vào đón. Lương không chịu đi. Tôi hỏi : "Lương vẫn không muốn đi học phải không ?" Nó nói : "Không". - "Thế thì đi đi". Nó vẫn chưa đi. Tôi hỏi "Thế con muốn gì nữa ?" Nó nói : "Cái roi của bố, đau quá". Rồi mới chịu đi. Cuộc phấn đấu để rèn luyện sự sống đẹp cho một con người, thật là gian lao và đầy nước mắt. Khi tôi giận, Lương nói với Bà : "Bố giận cháu, cháu sợ lắm". Thương con vô cùng.

12/01/64: Cái thật đáng quý ở Lương là ý thức tự giác. Bà nói: "Chỉ được mỗi cái tính kỷ luật là tốt thôi".

02/6/64: Lương bắt đầu được học đánh trên đàn piano, những bài đơn giản dùng cả hai tay.

03/6/64: Những buổi học nhạc và vẽ ngày càng trở thành nhu cầu của Lương. Hôm nay, nó tự động lên tập đàn. Tôi bảo: "Từ mai, ngày nào Lương cũng tập một lúc nhé". Nó đồng ý. Về vẽ, Lương được tập trang trí theo hình tròn, hình vuông, tự nghĩ lấy. Sau bữa cơm chiều, Lương khoe: "Sáng bố chưa về, Lương tự động tập đàn đấy. Tập đúng bài bố dạy, Lương không đánh lung tung đâu".

05/6/64: Bài tập cho Lương hôm nay gồm các nốt diatonique từ Do1 đến Do2, Lương đọc tốt, đúng cao độ. Mấy hôm nay Lương vui, ăn khỏe, ham học. Lắng nghe từng tiếng ho bất thường, ngạt mũi, ánh mắt hoặc tiếng nói lạ lạ, từng miếng ăn tăng thêm hay sút đi, kịp thời nắm vững cán cân sức khỏe của con.

Mặt khác lớn hơn là cái sức khỏe của tinh thần, của tính cách, tư tưởng đứa con. Cho đến nay, Lương vẫn là đứa trẻ thật thà tuyệt đối. Những cái xấu của nó, khi hỏi đến, nó vẫn nói ra hết, tuy lúc nói có vẻ dụt dè xấu hổ. Nếu căn cứ vào tự bộc lộ của nó mà nóng nảy phê bình ngay, thì sẽ cắt cụt mất tính tốt ấy. Trong tất cả những trường hợp như thế, tôi đều để Lương tự nhận xét hành động ấy không tốt như thế nào, và cần sửa chữa ra sao. Thực ra, có thể xây dựng cho Lương tính ngay thẳng và kỷ luật như thế, là do những đức tính ấy đã là nếp sống có sẵn của mọi người trong gia đình.

08/6/64: Thấy Lương đã ham học, tôi quyết định bắt đầu dạy Lương học vỡ lòng. Đồng thời, vẫn học nhạc, học vẽ đều đặn. Tôi đã soạn một giáo trình riêng cho nó. Từ 15-4 đến nay, tôi chỉnh lý dần giáo trình này cho thật thích hợp. Đến nay, tôi đã tìm được phương pháp kết hợp cả đọc, tập viết, xướng âm, và nghe (như ghi âm nhưng không phải viết). Tập piano, tập đánh cả các bản nhạc đã học, lên đàn. Tất cả những việc ấy, Lương đều làm tốt và rất ham thích. Càng ngày, Lương nghe "ghi âm" (gọi là Chính tả đúng hơn) càng chính xác. nói chung, nó nghe ít khi sai. Hôm nay đúng hoàn toàn. Thật đáng yêu”.

Từ chăm chút dạy con từ tấm bé từ cả thể chất lẫn tinh thần, nhạc sĩ Hoàng Hà đã rèn rũa cho xã hội một Hoàng Lương “một nhạc sĩ nói ít làm nhiều không tranh đoạt với ai bao giờ ,anh đam mê những nốt nhạc anh viết ra đẹp như bản in, như vẽ nốt”. Lời nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh - Chủ tịch hội Âm nhạc Hà Nội.

Những bản phối khí cuối cùng

Nhân dịp Nhà xuất bản Kim Đồng chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (17-6-1957/17-6-2017), Giám đốc Phạm Quang Vinh đến nhà gặp nhạc sĩ Hoàng Lương bàn việc nhờ anh viết phần phối khí những bài hát trong chương trình. Lúc đó Kim Đồng mới biết anh bị bệnh hiểm nghèo đang ở giai đoạn hỏi có khó khăn gì không. Anh bình thản trả lời: “Dù bệnh tôi vẫn làm việc, làm việc để quên cái đau đơn về thẻ xác, và chạy đua với…thần chết”.

Anh đã hoàn thành những bản phối khí đúng hạn, và ngày 16/6/2017 trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm Kim Đồng các khách mời được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc thú vị do các em Trung tâm Nghệ thuật Sol Art đã trình bày. Ngày hôm ấy nhạc sĩ Hoàng Lương âm thầm xem trên truyền hình vì anh không thể đến Cung Hữu Nghị dự…

Ca khúc đầu tay “Em vui chiến thắng Đường 9 - Nam Lào” được Hoàng Lương sáng tác khi 12 tuổi, khi tham gia nhóm nhạc Tuổi Xanh- Đài TNVN. Và trước khi từ giã cõi đời này anh đã dành cho các em nhỏ món quà là những bản phối khí đầy ắp sắc mầu trẻ thơ. Mãi nhớ hình dáng một con người đam mê âm nhạc đến hơi thở cuối cùng.

Nhạc sĩ Hoàng Lương được phong Nghệ sĩ Ưu tú năm 2001, Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1995, Giải Nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1996, Giải Đặc biệt Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1999 với đồng tác giả - cố nhạc sĩ Hoàng Hà (thân phụ của NSƯT Hoàng Lương), Giải Vàng cuộc thi hợp xướng quốc tế Johannes Brahms tổ chức tại Wernigerode, Đức lần thứ 7 vào năm 2011. Và nhiều giải thưởng danh giá khác.

“Với nhiều người thuộc lứa đàn em như chúng tôi, nhạc sĩ Hoàng Lương dù không phải là thầy giáo trực tiếp giảng dạy trong trường nhạc nhưng chúng tôi vẫn coi như người thầy dẫn dắt vào con đường sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp. Nhạc sĩ Hoàng Lương rất có tầm nhìn trong việc phát hiện ra khả năng sáng tác của những người đang là nhạc công. Từ đó, anh có định hướng giúp họ tiến xa hơn. Đã có nhiều nhạc công được anh khuyến khích đi học và trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp như: nhạc sĩ Phan Kiên, nhạc sĩ Trần Đức Minh… và tôi”, nhạc sĩ Vũ Mạnh Cường.

Nguyễn Phú Cương