Thúy Nga nhớ về thời cát-sê chỉ đủ ăn một bát phở, suýt về quê bán ốc

(Dân trí) - Thúy Nga bộc bạch, thời đi học, có người vẽ ra cho chị viễn cảnh ra trường về quê bán ốc luộc. Những ngày đầu đi diễn, cát-sê chỉ đủ ăn một bát phở.

Tâm sự về chuyện đời - chuyện nghề trong chương trình “Chuyện cuối tuần” chủ đề “Trở thành diễn viên hài, dễ hay khó”, Thúy Nga cho biết, chị tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, cùng lứa với Việt Hương, Tiết Cương, Cao Minh Đạt, Trọng Hiếu, Hạnh Thúy.

Thúy Nga nhớ về thời cát-sê chỉ đủ ăn một bát phở, suýt về quê bán ốc - 1

Thuý Nga trải lòng về chuyện đời - chuyện nghề trong "Chuyện cuối tuần".

Thời đó, có rất ít sân khấu, tụ điểm biểu diễn vì thế, có những lúc chị cảm thấy không biết sẽ đi đâu về đâu. Thậm chí, có người còn vẽ ra cho chị viễn cảnh ra trường sẽ về Nha Trang… bán ốc. Tuy nhiên, cũng nhờ theo học nghệ sĩ Minh Nhí mà Thúy Nga dần được phát hiện có năng khiếu diễn hài.

Do cuộc sống khó khăn, Thúy Nga phải nhận lời mời diễn phụ của một số nhóm. Từ đó, chị chuyển dần sang diễn hài, gia nhập nhóm Thanh Long trẻ. Tiểu phẩm đầu tiên chị diễn là đóng vai một bà nhà quê đi thi hoa hậu.

“Dù khi đó không có tên tuổi, không phải là cái tên để bán vé nhưng đi đâu tôi cũng được vỗ tay, điều này khiến tôi cảm thấy rất vui”, Thúy Nga cho biết.

Nói về kỷ niệm ấn tượng nhất trong thời gian đi diễn, Thúy Nga tâm sự, đó là lần ra đảo Phú Quý. Khi đó, tàu đi vào đúng thời kỳ mưa bão, phải mất 8 tiếng đồng hồ mới ra tới nơi. Trên đường đi, sóng biển đánh ầm ầm, người lái tàu say sóng bị nôn 7-8 lần, bản thân chị cũng không ăn uống được gì. Điều bất ngờ, đến nơi có hàng nghìn người ra đón chị cùng các nghệ sĩ. Mọi người được đưa vào một phòng có rất nhiều đồ ăn ngon nhưng không ai ăn uống nổi.

Thúy Nga từng được người dân đảo Phú Quý “bắt” diễn hài khi mất điện.

Theo lời người dân, người dân trên đảo sống bằng nghề đánh cá. Những ngày có bão không ra biển được, mọi người rất muốn xem nghệ thuật, vì họ mời các nghệ sĩ ra biểu diễn. Buổi tối mất điện, chỉ có “đèn hột vịt” nhưng người dân vẫn đến rất đông xem diễn.

Diễn xong mấy ngày, Thúy Nga không về được thành phố vì bão. Tuy nhiên, bù lại, chị được người dân đối xử rất tận tình. Lãnh đạo xã còn hứa nếu không có tàu, sẽ tìm mọi cách đưa Thúy Nga về Sài Gòn khiến chị rất xúc động.

Nói về công việc diễn hài, Thúy Nga tâm sự, chị có thể “ăn hài, ngủ hài, sống hài”. Hài mang lại niềm vui, sự hạnh phúc cho chị. Với Thúy Nga, hạnh phúc nhất là được nhiều người biết đến, yêu thương.

“Đi đến đâu cũng được khán giả yêu quý, họ thậm chí còn tặng cho rất nhiều thứ, nhưng tôi sợ mang nợ nên không dám nhận”, Thuý Nga tâm sự.

Nữ diễn viên sinh năm 1976 cho biết, thời xưa, sân khấu không nở rộ. Vì thế, để trở thành một diễn viên hài nổi tiếng rất khó khăn. Bản thân chị, những ngày mới vào nghề, được diễn trên sân khấu lớn với các nghệ sĩ nổi tiếng thời đó là một vinh dự lớn.

Thúy Nga bỗng nổi tiếng chỉ sau một đêm vì lí do khó tin.

Thúy Nga nhớ mãi một lần diễn cho sân khấu của NSND Hồng Vân, chương trình được truyền hình trực tiếp, khi đó chị nói tiếng Phú Yên diễn hài. Điều bất ngờ, sau đêm diễn, vở kịch thành công, chị được khán giả nhiều tỉnh thành trong nước biết đến vì truyền hình thời đó phủ sóng rộng khắp, ai có vở diễn tốt trên truyền hình thì có thể nổi tiếng sau một đêm.

Thúy Nga nhận xét, các diễn viên bây giờ có nhiều cơ hội để nổi tiếng bằng cách đăng tải các clip lên mạng xã hội. Theo Thúy Nga, đó là một cơ hội để tiếp cận với khán giả. Tuy nhiên, nếu làm không tốt thì sẽ phản tác dụng và bị “ném đá”.

Thúy Nga cũng nói thêm, con đường đến với thành công của chị quá gian nan. Hồi ở trường đại học, chị thường xuyên bị chê là “người nhỏ như con chuột mà cũng đòi làm nghệ sĩ”. Rồi khi mới đi diễn, cát-sê thấp, có lần nhận cát-sê chỉ đủ ăn một bát phở nhưng chị vẫn vui vẻ, không nề hà và càng coi đó là động lực để cố gắng.

Thúy Nga từng bị gia đình cấm theo nghệ thuật vì “người nhỏ như con chuột”.

“Rất may sau đó tôi được Tổ nghiệp thương, cho nổi tiếng, đi diễn được đông đảo khán giả hâm mộ. Có thời, tôi đi đâu cũng phải in mấy ngàn tấm hình để sau đêm diễn tặng cho người hâm mộ.

Còn giờ đây, công nghệ phát triển, khán giả xem xong vây lấy nghệ sĩ chụp hình, họ còn tag thẳng mình trên facebook. Nói chung, khi được khán giả hâm mộ là đang có phước thì phải chịu khó gìn giữ chứ không thì tổn phước lắm”, Thúy Nga nói.

Trả lời câu hỏi những nghệ sĩ hài thường cười trên sân khấu, còn ngoài đời thì khóc, Thúy Nga trải lòng, nghệ sĩ vốn rất nhạy cảm. Vì thế, dù chỉ một câu chuyện nhỏ là họ cũng dễ xúc động.

“Nghệ sĩ là người nhạy cảm với mọi vui buồn, họ yêu cuồng loạn hơn và vì thế cũng khổ hơn”.

Hà Tùng Long