Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên: “King Kong 2” ra mắt sẽ tạo hiệu ứng “du lịch Việt”

“Tôi sẽ có mặt trong buổi ghi hình đầu tiên của đoàn làm phim Kong: Skull Island khi họ thực hiện những cảnh quay tại Việt Nam. Tôi cũng đang rất hồi hộp, chờ đợi ngày phim ra mắt và hy vọng đây là sẽ là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam”


Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên.

Ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ VHTTDL chia sẻ với Lao Động, xung quanh câu chuyện đoàn làm phim nổi tiếng của Hollywood sang Việt Nam ghi hình cho bộ phim đang được cả thế giới chờ đợi – “Kong: Skull Island” như vậy.

Tạo điều kiện nhưng không được ảnh hưởng đến di sản

Đoàn làm phim Kong- Skull Island đã đáp phi cơ riêng tới Việt Nam vào chiều 18.2 để thực hiện những cảnh quay đầu tiên cho bộ phim này. Ông có những ấn tượng gì về đoàn làm phim khi làm việc với họ?

Ấn tượng đầu tiên là sự chuyên nghiệp và tôi cảm nhận được ở họ sự hứng khởi khi đặt chân đến đất nước chúng ta. Khi họ sang khảo sát địa điểm và tìm bối cảnh cho phim, tôi cũng có cơ hội đi cùng đoàn. Thấy họ say mê lắm, như thể khám phá được ở Việt Nam điều khiến họ rất hài lòng.

Tôi có nói vui với đạo diễn Jordan Vogt- Roberts, “các anh sang đây làm phim, ít nhất tôi phải được xem trường quay thế nào, hay có vai phụ nào đó trong phim, vai quần chúng cũng được thì nhớ ới tôi”. Ông ấy cũng hài hước trêu lại rồi mọi người cười phá lên vui vẻ.

Nói thế để thấy các bạn rất hòa đồng và thoải mái khi tiếp xúc với quan chức của chúng ta, thì chúng ta cũng phải niềm nở và tạo điều kiện để họ làm việc.

Đoàn làm phim có chia sẻ lý do họ chọn Việt Nam để quay những trường đoạn quan trọng nhất trong phim không, thưa ông?

Họ yêu và chọn Việt Nam vì chúng ta còn nhiều cảnh đẹp hoang sơ. Nhưng tôi nghĩ dù cảnh có đẹp thế nào mà không phù hợp với bối cảnh, nội dung của phim thì cũng không được chọn. Nên họ phải tính toán rất kỹ, phải phù hợp với ý tưởng của đạo diễn thì họ mới đến Việt Nam và đặt vấn đề muốn hợp tác.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên: “King Kong 2” ra mắt sẽ tạo hiệu ứng “du lịch Việt” - 2

Hình ảnh đầu tiên của đoàn làm phim Kong- Skull Island” khi đến Việt Nam.

Trong quá trình đoàn làm phim sang khảo sát tại Việt Nam, Bộ có những định hướng gì không, khi tôi thấy địa danh được lựa chọn đều là những di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận?

Tất cả đều do họ lựa chọn và chúng tôi tôn trọng hoàn toàn vào sự lựa chọn đó. Khi sang xin phép để làm phim, họ đã nói ngay là muốn đến Ninh Bình, Quảng Bình hay Quảng Ninh để quay. Nếu có vướng mắc về mặt thủ tục, quan hệ với địa phương hay các bộ ngành thì chúng tôi sẽ tháo gỡ, giúp đỡ.

Bộ có đưa ra quy định với đoàn làm phim trong quá trình họ tiến hành ghi hình tại Việt Nam?

Đương nhiên phải tuân thủ những quy định của phía Việt Nam rồi. Nhất là đoàn phim đều chọn bối cảnh là các khu du lịch, thắng cảnh của Việt Nam. Về mặt tác nghiệp, chúng tôi có đề nghị đoàn phim phải đặc biệt chú ý không tác động, ảnh hưởng đến các di sản thiên nhiên. Một đoàn vài trăm người làm không khéo sẽ ảnh hưởng đến thắng cảnh, nhất là ở nhiều địa phương đang trong cao điểm của mùa lễ hội. May mắn là họ vui vẻ thực hiện và có ý muốn hợp tác với chúng ta.

Tổng thời gian đoàn phim sang làm thủ tục đến lúc được cấp phép chính thức là bao lâu, gặp khó khăn gì, thưa ông?

Tôi không nhớ thời gian cụ thể, nhưng phải nói là rất nhanh. Còn khó khăn thì nhiều chứ, nhất là khi họ đến Việt Nam lần đầu. Phương tiện họ mang theo để quay lại có cả máy bay, súng ống nên phải có sự cho phép của Bộ Quốc phòng. Khi chúng tôi hỗ trợ đi xin phép Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành đều được ủng hộ và tạo mọi điều kiện.

Với cảnh đẹp thiên nhiên như vậy, sự niềm nở tiếp đón và tạo mọi điều kiện, biết đâu trong tương lai chúng ta sẽ là một trường quay rất lớn của điện ảnh thế giới.

Cơ hội “vàng” cho điện ảnh và du lịch Việt

Ông đang kỳ vọng rất lớn về việc quảng bá du lịch Việt Nam bằng điện ảnh, nhất là trong những dự án phim “bom tấn”?

Kỳ vọng nhiều chứ. Tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn. Tôi nhớ thời gian Pháp sang Việt Nam làm phim Người Tình, Đông Dương, hay Điện Biên Phủ đều có hiệu ứng rất mạnh. Sau đó tôi có sang Pháp công tác, tôi rất tự hào khi đi đâu người ta cũng hỏi về du lịch Việt, cách thức đến đó như thế nào. Đã từng xuất hiện những hội chứng mang tên “du lịch Việt Nam” sau đợt công chiếu 3 bộ phim này.

Phim Hoa vàng trên cỏ xanh đã tạo được hiệu ứng du lịch.
Phim "Hoa vàng trên cỏ xanh" đã tạo được hiệu ứng du lịch.

Ở Việt Nam vừa qua bộ phim “Hoa vàng trên cỏ xanh” cũng có hiệu ứng tương tự, dù chỉ là hiệu ứng trong nước. Nhưng đợt này là đoàn làm phim quốc tế, với tài năng, công nghệ hiện đại, tôi nghĩ hình ảnh của Việt Nam sẽ rất đẹp. Mà phim của Hollywood hầu như cả thế giới xem, đây là cơ hội lớn để quảng bá du lịch và con người Việt Nam còn gì.

Một góc nào đó, điện ảnh có lợi thế hơn mỹ thuật, âm nhạc, điêu khắc, hơn cả kịch và sân khấu vì có tác động lớn đến cảm xúc người xem bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy việc quảng bá du lịch bằng điện ảnh rất quan trọng. Tôi nghĩ khi “Kong- Skull Island” ra mắt chắc chắn sẽ tạo có hiệu ứng “du lịch Việt”.

Vậy để tạo được những "hội chứng du lịch" như ông vừa nói chúng ta cần phải làm gì?

Tôi nghĩ du lịch Việt Nam là chuyện của cả nước, tất cả cùng làm. Tôi cứ suy từ mình mà ra thôi. Khi tôi muốn đi du lịch ở đâu đó, đầu tiên là liên hệ với đại sứ quán, làm visa, đặt vé. Lên máy bay thì xem thái độ phục vụ của tiếp viên như thế nào. Xuống máy bay thì đi xem phượng tiện, khách sạn, ẩm thực có ngon không, cảnh có đẹp không. Như vậy nó liên quan đến rất nhiều ngành từ công an, tài chính, giao thông, đến văn hóa, rồi từng cá nhân nữa.

Câu chuyện mượn điện ảnh để quảng bá du lịch không phải mới, nhưng có vẻ chúng ta chưa quyết tâm làm?

Quyết tâm lắm đấy, nhưng chắc chúng ta chưa có tài năng nên làm chưa hiệu quả. Các tác phẩm điện ảnh của chúng ta khi mang đi thi thế giới rất ít phim giành được giải quan trọng. Mình phải khiêm tốn thừa nhận điện ảnh của nước mình còn non trẻ lắm, còn phải học hỏi nhiều. Nên khi tiếp đoàn làm phim từ Hollywood, tôi có nói, các bạn sẽ là bài học lớn cho chúng tôi về cách làm phim, cách đầu tư cho điện ảnh.

Cũng phải nói đầu tư cho điện ảnh của mình còn rất hạn chế. Chẳng hạn như phim “Hoa vàng trên cỏ xanh”, nhà nước bỏ ra hơn 7 tỉ đồng, tư nhân bỏ thêm hơn chục tỉ nữa để làm, tổng cộng vẫn chưa đến triệu đô. Trong khi đó những phim như của đoàn làm phim Kong- Skull Island thì đều từ 100- 150 triệu đô/tác phẩm.

Tôi không nói tiền là quyết định, nhưng tiền là điều kiện rất quan trọng, hỗ trợ tạo ra một tác phẩm điện ảnh tốt. Còn chúng ta, tiền ít, tài lại chưa nhiều nên hiếm hoi tác phẩm có thể “đem chuông đi đánh xứ người”.

Nói như ông thì chẳng lẽ những bộ phim có kinh phí không lớn sẽ khó hay và ít thúc đẩy được quảng bá du lịch?

Kinh tế của mình còn khó khăn thì mình phải đầu tư theo kiểu vừa học vừa làm. Tôi nghĩ trong trường hợp chúng ta có ít kinh phí, kỹ xảo, công nghệ chưa được tiên tiến như các nền điện ảnh khác thì chúng ta phải đầu tư vào nội dung. Tức là phải có một câu chuyện hay, gắn với một địa điểm đẹp. Chúng ta cũng nên mời những nhà làm phim giỏi, đạo diễn giỏi người Việt từng học tập và làm việc ở nước ngoài về Việt Nam làm phim.

Chúng tôi rất hoan nghênh người trẻ tài năng trở về cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà. Và người làm du lịch phải nhìn vào tiềm năng của điện ảnh để nắm bắt cơ hội quảng bá, phát triển ngành của mình.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Theo Đặng Chung

Lao Động