Thomas Edison từng “dính” đến một vụ đánh cắp bản quyền phim?
(Dân trí) - Bộ phim câm nổi tiếng “Du hành lên mặt trăng” của nhà làm phim Pháp Georges Méliès đã trở thành nạn nhân của việc đánh cắp bản quyền phát hành tại thị trường Mỹ. Một trong những người tham gia vào hành vi này chính là nhà bác học Thomas Edison?
Vào năm 1902, nhà làm phim người Pháp Georges Méliès có lẽ đang ở đỉnh cao của điện ảnh thế giới. Sau khi khởi nghiệp năm 1896, từ một ảo thuật gia, ông đã trở thành một trong những nhà làm phim nổi tiếng nhất thời đó. Ông đã làm nên nhiều bộ phim đi đầu trong các thể loại mới, với số lượng lên tới hàng trăm phim. Với thành công này, Melies bắt đầu quá trình làm bộ phim tham vọng nhất thời bấy giờ, một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết "Từ Trái đất tới Mặt trăng" của Jules Verne.
"Chuyến du hành tới Mặt trăng" là bộ phim khoa học giả tưởng dài 14 phút. Hình ảnh nổi tiếng nhất khi đó của bộ phim này chính là chiếc tàu vũ trụ đâm vào con mắt của Mặt trăng. Ngoài ra, còn có rất nhiều cảnh đáng nhớ và đầy thú vị. Tuy nhiên, bộ phim này cũng là một cuộc đầu tư cực kỳ tốn kém của Melies, người thường quay phim trên một cảnh nền duy nhất và chỉ có một lần quay. Các hiệu ứng đặc biệt khi đó cũng rất sơ khai.
Vấn đề là khi Melies làm nên bộ phim này, ông có một đối thủ rất nguy hiểm ở bên kia Đại Tây Dương, đó là Thomas Edison. "Chuyến du hành tới Mặt trăng" đạt được thành công lớn ở châu Âu, nhưng Melies đã cực kỳ xui xẻo khi một bản phim ở London bị đánh cắp và chuyển tới tay của Edison. Ông đã sao chép bộ phim với số lượng rất lớn, tới mức các rạp chiếu phim đều sử dụng bản sao của Edison và không còn chút doanh thu nào cho Melies. Không chỉ Edison làm như vậy. Ngay tại châu Âu, việc đánh cắp bản quyền nghiêm trọng tới mức một người đã cố gắng bán cho Melies chính bản sao phim của ông. Đây chính là một đòn giáng mạnh vào doanh thu của bộ phim, điều mà Melies cực kỳ trông đợi khi đó.
Bị thiếu hụt tiền nghiêm trọng, sự nghiệp của Melies bắt đầu xuống dốc. Năm 1914, ông ngừng làm phim do thiếu kinh phí, nhưng đây chưa phải điểm thấp nhất trong sự nghiệp của Melies. Các bộ phim của ông bị đe dọa tịch thu bởi các chủ nợ, do vậy ông đã làm điều điên rồ nhất có thể. Đó là đốt hàng trăm bộ phim do mình sản xuất. Đáng ra toàn bộ số phim đã bị đốt sạch, nhưng anh trai của Melies đã bí mật bán một phần lớn bộ sưu tập này cho công ty Vitagraph của Mỹ. Quốc gia từng phá hủy đế chế phim ảnh của Melies giờ đây lại chính là nơi lưu giữ những tác phẩm để đời của ông.
Phan Hạnh
Theo Knowledgenut