Thói quen kỳ quái của các nhà văn nổi tiếng
(Dân trí) - Những nhà văn nổi tiếng đều có hàng loạt thói quen kỳ quái. Có ý kiến còn cho rằng, chính sự kỳ quái đã giúp các nhà văn viết nên những tác phẩm để đời.
Trong cuốn “Daily Rituals: How Artists Work” (Những thói quen hàng ngày: Nghệ sĩ làm việc như thế nào) của tác giả Mason Currey, thói quen làm việc của 161 nghệ sĩ được đề cập rất chi tiết. Họ là những nhà văn, nhà soạn nhạc, họa sĩ, nhà biên kịch, triết gia, nhà làm phim...
Trong số những nghề nghiệp trên, nhà văn là những người trung thành nhất với thói quen làm việc. Mỗi nhà văn đều có một nhật trình của riêng mình để đến “cữ” đó là cảm xúc sẽ tuôn ra. Vì vậy, nhật trình hay cụ thể hơn là những thói quen bất biến thường được nhà văn tôn thờ bởi nó chính là suối nguồn giúp tuôn ra cảm hứng.
Nhà văn hiện thực Pháp - Honoré de Balzac (1799-1850)
Bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực Pháp nửa đầu thế kỷ 19, tác giả của bộ tiểu thuyết “Tấn trò đời”.
Thói quen sáng tác của Balzac khá lạ lùng. Ông ăn tối lúc 6 giờ và đi ngủ từ rất sớm. Lúc 1 giờ sáng, ông thức dậy, ngồi vào bàn viết làm việc liên tiếp 7 tiếng đồng hồ.
Đến 8 giờ sáng, ông sẽ ngủ khoảng một tiếng rưỡi. Từ 9h30 sáng tới 4h chiều, ông lại tiếp tục ngồi vào bàn làm việc, nhưng lúc này sẽ cần cà phê để giữ đầu óc tỉnh táo.
Sau 4h chiều, ông bắt đầu nghỉ ngơi, thả bộ, đi tắm hoặc tiếp khách… Mọi việc chấm dứt vào đúng 6 giờ chiều khi ông chuẩn bị ăn tối và đi ngủ.
Tiểu thuyết gia Mỹ - William Faulkner (1897-1962)
Faulkner sáng tác tốt nhất vào buổi sáng, dù vậy, khi hoàn cảnh thay đổi, ông vẫn có thể dịch chuyển thời gian biểu để đảm bảo cả công việc sáng tác và công việc kiếm sống.
Khi phải đảm nhiệm vai trò giám sát tại một nhà máy điện vào buổi đêm, ông nhận thấy việc viết lách vào ban đêm cũng khá thú vị và chuyển sang ngủ ngày. Trước khi tới nơi làm việc, ông thường ghé qua nhà mẹ ngồi uống cà phê và chợp mắt thêm một lúc trước khi vào ca trực.
Faulkner không chờ cảm xúc đến mới đặt bút viết. “Tôi viết, cứ viết và rồi cảm hứng sẽ bất ngờ đến. Vì tôi chăm chỉ làm việc mỗi ngày, cảm hứng cũng ghé thăm tôi mỗi ngày.”
Nhà văn Mỹ - Maya Angelou (1928)
Angelou là một trong những nhà văn nữ nổi bật nhất trong văn học Mỹ đương đại, bà đã nhận được vô số giải thưởng trong suốt sự nghiệp văn chương của mình.
Trong nhiều năm, nữ nhà văn luôn tìm tới những phòng khách sạn hoặc phòng trọ rẻ tiền để làm việc bởi theo bà đối với một nhà văn, càng ít được nhiều người quan tâm càng tốt.
“Tôi thường thuê một phòng trọ hạng xoàng để làm việc, một căn phòng chật chội, nghèo nàn nào đó, chỉ có một chiếc giường nhỏ và đôi khi may mắn thì có thêm một bồn rửa tay.
Tôi mang theo từ điển, Kinh thánh, một bộ bài và một chai rượu. Tôi thường có mặt ở phòng lúc 7h sáng và làm việc tới 2h chiều. Làm việc trong những căn phòng như thế thường có chút cô đơn nhưng cũng vô cùng kỳ diệu.”
Nhà văn trào phúng Mỹ - Joseph Heller (1923-1999)
Heller viết tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình - “Catch-22” vào ban đêm, sau một ngày làm việc. Ngồi trong bàn bếp của căn hộ nhỏ, ông say sưa viết lách.
“Tôi đều đặn dành ra 2-3 tiếng mỗi đêm trong suốt 8 năm để viết nên cuốn sách. Có một buổi tối tôi phá vỡ quy tắc và ngồi xem TV với vợ, đó là lần duy nhất. Mà lần đó, chính chương trình TV lại làm tôi nhớ tới cuốn sách đang dang dở và nhanh chóng quay trở lại bàn bếp để viết”.
Nhà văn Đức - Thomas Mann (1875-1955)
Thomas Mann đoạt giải Nobel Văn học năm 1929 và giải Goethe (giải thưởng văn học cao quý nhất của Đức) năm 1949. Ông được coi là nhà văn lớn nhất của Đức trong thế kỷ 20.
Mann luôn thức dậy trước 8h sáng. Ông khởi đầu ngày mới với một tách cà phê, đi tắm rồi dùng bữa sáng với vợ. Kể từ 9h sáng, ông đóng cửa phòng làm việc và bắt đầu ngồi trong đó say sưa theo đuổi những con chữ.
Lúc này, ông không tiếp bất cứ ai, không nghe điện thoại, ngay cả người nhà cũng không được vào làm phiền. Lũ trẻ trong nhà không được gây ồn trong khoảng thời gian từ 9h sáng tới đầu giờ chiều bởi đó là thời điểm làm việc sung sức nhất của Mann.
Ông cũng luôn đặt ra yêu cầu trong công việc để gây áp lực cho bản thân, buộc mình phải thực hiện được một khối lượng công việc trong một khoảng thời gian nhất định.
Nhà thơ Anh - John Milton (1608-1674)
John Milton nổi tiếng với bài thơ "Thiên đường đã mất" (Paradise Lost) và "Thiên đường trở lại" (Paradise Regained).
Milton bị mù trong suốt 20 năm cuối đời, tuy vậy, ông vẫn viết rất đều đặn và cho ra những tác phẩm lớn như thiên sử thi dài 10.000 dòng – “Thiên đường đã mất”. Buổi sáng, Milton thường dành 2-3 tiếng để nằm yên tĩnh trên giường ngẫm nghĩ và suy tưởng.
Ông thường thức dậy từ 4h sáng vào mùa hè và 5h sáng vào mùa đông. Đến 7h, một người thư ký sẽ tới để ghi chép lại những ý tưởng nảy ra trong đầu vị thi sĩ khiếm thị.
Tiểu thuyết gia Pháp - George Sand (1804-1876)
Nữ văn sĩ thiên tài đã sống một cuộc đời mãnh liệt và phóng túng. Bà là một ngoại lệ của văn học Pháp thế kỉ 19, dù lối sống của Sand bị định kiến xã hội lên án nhưng bà sở hữu một cá tính hấp dẫn và sáng tạo khiến ngưới đọc khó lòng cưỡng nổi sức hấp dẫn trong các tác phẩm của bà.
San viết ra ít nhất 20 trang bản thảo mỗi ngày. Khoảng thời gian làm việc tốt nhất của bà là vào ban đêm. Bà thường làm việc rất khuya, một thói quen mà Sand đã hình thành ngay từ khi còn là một cô bé vì thường xuyên phải chăm sóc người bà đau ốm. Vì vậy, ban đêm là thời gian yên tĩnh, rảnh rang duy nhất để bà được ngồi lại một mình và suy ngẫm.