Thời gian khó đáng nhớ nhất trong cuộc đời đạo diễn “Tây Du Ký”
(Dân trí) - Nữ đạo diễn của “Tây Du Ký 1986” - bà Dương Khiết - đã vừa qua đời ở tuổi 88. Nhắc đến bà, người ta nhớ ngay tới bộ phim đã trở thành huyền thoại của màn ảnh nhỏ Trung Quốc. Thời kỳ làm phim “Tây Du Ký” cũng là thời gian khó đáng nhớ nhất trong cuộc đời bà.
Phim truyền hình “Tây Du Ký” do Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) sản xuất. Phim khởi quay từ năm 1982, đến năm 1988 thì hoàn thành. Năm 1986, CCTV công chiếu 11 tập đã thực hiện xong, vì thế, phiên bản này thường lấy tên là “Tây Du Ký 1986” với tổng cộng 25 tập phim.
Quá trình sản xuất “Tây Du Ký” gặp muôn vàn gian khó, nhưng khó khăn mang tính quyết định nhất chính là vấn đề kinh phí. Trong quá trình thực hiện, đã có lúc đoàn phim phải đối diện với việc kinh phí sản xuất đã cạn, đơn vị đầu tư không muốn rót thêm tiền.
Khi đối diện với những khó khăn như vậy, nữ đạo diễn Dương Khiết lại chính là người chạy đi khắp các nơi để tác động, xin thêm kinh phí cho đoàn. Sự kiên trì nỗ lực đó của bà đã giúp tạo nên một “Tây Du Ký” gây tiếng vang, kể từ khi ra mắt đến nay, tại Trung Quốc, loạt phim đã lên sóng truyền hình hơn 2.000 lần và vẫn sẽ còn tiếp tục lên sóng.
Ở thời điểm năm 1986, khi 11 tập phim “Tây Du Ký” được chiếu trên màn ảnh nhỏ, phản hồi của người xem rất tích cực. Sau 4 năm vất vả với 11 tập phim đã được hoàn thành, ê-kíp coi như đã đi được một nửa chặng đường. Đây là một dấu mốc quan trọng với đoàn. 14 tập phim còn lại được thực hiện trong vòng 3 năm, từ 1986-1988.
Năm 1987, khảo sát của CCTV cho thấy bộ phim ăn khách “khủng khiếp”, đạt tỷ suất khán giả 89,4%. Lúc này, để đánh dấu một chặng đường dài mà ê-kíp đã đi qua, một cuộc gặp gỡ đông đủ đã được tổ chức cho đoàn phim với sự tham gia của đại diện phía đài CCTV.
Tại sự kiện này, khi đoàn phim đang hết sức vui mừng vì thành công đạt được, thì đại diện đài CCTV đã bắt buộc phải đưa ra một tin gây bàng hoàng cho cả ê-kíp, rằng để sản xuất được 11 tập phim lên sóng, đoàn đã tiêu hết 3 triệu tệ (gần 10 tỷ đồng). Ở thời điểm năm 1987, đó là một số tiền rất lớn, đài lại đang gặp khó khăn về vốn, không thể đầu tư thêm cho dự án.
Lúc này, chính đạo diễn Dương Khiết lại là người chạy vạy khắp nơi tác động, để được rót thêm kinh phí thực hiện nốt những tập phim còn lại, kỳ thực, ban đầu, bà dự định làm 30 tập nhưng do kinh phí sau khi xin thêm được nâng lên 6 triệu tệ, cũng chỉ vừa đủ cho 25 tập phim, nên bà đành bỏ dở 5 tập phim còn lại.
Sau này, bà quyết định dựng lại 5 tập phim còn thiếu, nhưng do 5 tập ngắn quá mà những tập hay nhất đều đã làm hết ở phần một nên bà đã cải biên, biến 5 tập phim thành 16 tập, tạo nên “Tây Du Ký 2000”. Ở phần hai, nhiều diễn viên từng đóng ở phần một vẫn tham gia đóng tiếp dù tuổi tác đã cao.
Trong suốt quá trình thực hiện “Tây Du Ký 1986”, nỗi lo về kinh phí sản xuất luôn thường trực trong đầu óc vị đạo diễn. Vốn đầu tư 6 triệu tệ tuy là một khoản tiền rất lớn so với thời đó, nhưng để trang trải suốt một chặng hành trình làm phim kéo dài 6 năm với thành viên trong đoàn có lúc lên tới vài trăm người, lại cùng nhau đi khắp nơi ghi hình, là không hề dư dả.
Tinh thần đồng cam cộng khổ chính là yếu tố mấu chốt gắn bó các thành viên trong đoàn lại với nhau. Các diễn viên chỉ nhận thù lao rất tượng trưng. Đó cũng là lý do tại sao mỗi khi nói về “Tây Du Ký 1986”, người ta đều không quên nhắc đến quá trình làm phim gian nan, đòi hỏi ý chí quyết tâm và tinh thần đoàn kết của các thành viên trong đoàn.
Do nguồn kinh phí eo hẹp, diễn viên và nhân viên hậu trường trong đoàn không có sự phân biệt, lúc đoàn di chuyển ngoại cảnh, diễn viên cũng phải khuân vác, lúc thiếu diễn viên đóng vai phụ, vai quần chúng, nhân viên hậu trường cũng tham gia “chữa cháy”, trở thành diễn viên.
Có thể kể tới thư ký trường quay Vu Hồng (vợ của Lục Tiểu Linh Đồng) đóng vai Hoàng hậu nước Thiên Trúc; huấn luyện viên võ thuật Lâm Chí Khiêm vừa chỉ đạo nghệ thuật vừa đóng vai Nhị Lang Thần… Kỷ lục phải kể đến phó chủ nhiệm kịch vụ Lý Hồng Dương từng đóng tới 7 vai phụ.
Đa phần các cảnh quay đều thực hiện thô sơ, với các cảnh bay lượn, đoàn thực hiện bằng dây cáp. Do không có diễn viên đóng thế, nên Lục Tiểu Linh Đồng là diễn viên phải mạo hiểm nhiều nhất, cũng là người bị tai nạn nhiều nhất do đứt cáp.
Bởi để tiết kiệm kinh phí tối đa, dây cáp thường được sử dụng lại nhiều lần, dẫn đến tình cảnh cáp đứt bất thình lình diễn ra khá thường xuyên trên phim trường. Một lần, “Sa Tăng” Diêm Hoài Lễ đang treo mình trên không thì dây cáp đứt, rơi trúng quay phim Vương Sùng Thu (chồng của nữ đạo diễn Dương Khiết), khiến ông bị ngất.
Mức kinh phí 6 triệu tệ dù là khoản đầu tư rất lớn thời bấy giờ, nhưng vẫn không giúp cho hoạt động sản xuất 25 tập phim được thoải mái. Thù lao trả cho các diễn viên rất thấp, trong đó, Lục Tiểu Linh Đồng là người được trả thù lao cao nhất, cũng chỉ 70 tệ/tập (230.000 đồng/tập).
Đầu thập niên 1980, khi hoạt động sản xuất phim truyền hình còn chưa phổ biến tại Trung Quốc, khi lãnh đạo đài CCTV đã tìm đến hỏi bà Dương Khiết xem bà có dám đảm nhận kế hoạch thực hiện “Tây Du Ký” hay không, dù rất choáng ngợp trước lời đề nghị, nhưng bà Dương Khiết đã mạnh bạo nhận lời.
Lời dặn dò ban đầu của lãnh đạo đài đối với bà Dương Khiết chỉ là hy vọng “Tây Du Ký” do bà làm ra sẽ hay hơn phiên bản truyền hình đã được một số nước Á Đông thực hiện trước đó, bà Dương Khiết cứng cỏi đáp rằng: “Yêu cầu như vậy là quá thấp”.
Nói về những phiên bản “Tây Du Ký” được thực hiện về sau, bà Dương Khiết chỉ chia sẻ rất chừng mực: “Tác giả Ngô Thừa Ân đã qua đời từ lâu, bản thân tôi cũng không có quyền dạy bảo ai. Mỗi đạo diễn có một cách chuyển thể khác nhau. Về phần mình, tôi luôn tâm niệm rằng danh tác là tinh hoa, khi chuyển thể, phải tôn trọng nguyên tác”.
Hiệu ứng mà “Tây Du Ký 1986” tạo ra cho tới giờ vẫn còn dư âm đậm nét đối với truyền thông và công chúng Trung Quốc. Dù vậy, trong những năm tháng cuối đời, bà Dương Khiết ít nhận trả lời phỏng vấn với lý do: “Điều đáng nói nhất là cả đoàn phim đã không nề hà gian khó, mọi người đều hừng hực cống hiến. Những chuyện khác thì đã nói nhiều rồi”.
“Tây Du Ký” là bộ phim truyền hình đầu tiên được chuyển thể từ “tứ đại danh tác” của Trung Quốc, sự thành công của loạt phim này đã giúp bà Dương Khiết trở thành nữ đạo diễn tài danh huyền thoại của truyền hình Trung Quốc, giúp mở ra sự thành công cho 3 loạt phim truyền hình đình đám về sau cũng được chuyển thể từ 3 danh tác văn học.
Nữ đạo diễn Dương Khiết qua đời ngày 15/4 vừa qua, sau khoảng 10 ngày hôn mê, gia đình bà đã giữ kín thông tin về tình trạng sức khỏe của bà trong những ngày cuối đời. Chỉ có nam diễn viên Trì Trọng Thụy (từng đảm nhận vai Đường Tăng) được biết nội tình, ông theo sát diễn biến sức khỏe của bà trong những ngày tháng cuối.
Hiện tại, chồng của nữ đạo diễn - ông Vương Sùng Thu (quay phim của “Tây Du Ký 1986”) - đang cùng các con cháu lo lắng hậu sự cho bà Dương Khiết. Gia đình bày tỏ mong muốn giữ sự riêng tư cho tang lễ, không muốn tổ chức quá lớn.
Dám hỏi đường ở nơi nào - Nhạc phim "Tây Du Ký"
Bích Ngọc
Tổng hợp