Thanh Hóa:

Thờ tranh- nét văn hóa độc đáo của người Dao

(Dân trí) - Tục thờ tranh được đồng bào Dao xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung được bảo tồn từ bao đời nay và tạo nên nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc. Đặc biệt trong lễ Cấp sắc, Tết nhảy, tạ mả, đám ma…đều phải có bộ tranh thờ, treo ở nơi trang trọng trong nhà để tổ chức nghi lễ.

Tranh được vẽ bởi người có uy tín

Điều làm nên cốt lõi, giá trị văn hóa tinh thần của người Dao chính là những bộ tranh, nếu không có tranh thờ thì đồng bào Dao không thể tổ chức bất cứ nghi lễ nào.

Người duy nhất ở Thanh Hóa biết vẽ tranh thờ của đồng bào Dao chính là “nghệ nhân” Triệu Hùng Cường (xã Cẩm Liên, huyện Cẩm Thủy).

Hôm tôi đến, ông Cường đang hoàn thành bộ tranh cho khách. Căn phòng nhỏ với 2 bộ bàn ghế để đồ dùng vẽ tranh, trên tường treo rất nhiều bộ tranh theo lối vẽ dân gian, màu sắc sặc sỡ. Ông giới thiệu đó chính là những bộ tranh thờ cúng quan trọng trong thực hiện nghi lễ của đồng bào Dao, mà nếu không có thì “chịu” không làm gì được.

Thờ tranh- nét văn hóa độc đáo của người Dao - 1

Người vẽ tranh thờ của người Dao phải là người có uy tín.

Ông cho biết thêm, hiện nay người biết vẽ tranh thờ trong đồng bào Dao không chỉ riêng Thanh Hóa mà các tỉnh khác khá hiếm, từ xưa đến nay đồng bào Dao Quần chẹt Thanh Hóa đều phải lặn lội ra các tỉnh Thái Nguyên, Hà Đông để tìm thầy vẽ tranh, đi lại vất vả, nhiều khi lại bị lỡ việc tổ chức lễ bởi thầy vẽ không xong.

Theo quan niệm của người Dao, không phải ai biết vẽ tranh, vẽ đẹp là đồng bào Dao mua tranh về để treo, mà bức tranh ấy phải là những người thầy có uy tín, được đồng bào Dao tín nhiệm, tin tưởng mới mời vẽ tranh. Bởi bộ tranh thể hiện sự trang trọng, uy tín và mang lại may mắn cho gia chủ.

Cùng với năng khiếu bẩm sinh về hội họa cùng mong mỏi lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người Dao Thanh Hóa, ông Cường đã lặn lội từ Thanh Hóa về Đại Từ, Thái Nguyên gặp người Thầy cùng họ Triệu để xin truyền nghề và được đồng ý. Đến nay ông đã học và vẽ tranh được 10 năm.

Tranh thờ tồn tại trong nghi lễ người Dao có từ rất lâu đời, tranh thờ vẽ xong phải làm lễ khai quang, rồi cất đi bao giờ có việc mới đem ra treo, cho nên hiện nay trong gia đình người Dao Quần chẹt Thanh Hóa còn giữ những bộ tranh hàng trăm năm. Mỗi gia đình người Dao có ít nhất một bộ tranh thờ.

Không thể thiếu trong ngày lễ trọng đại

Theo ông Cường, đồng bào Dao quan niệm tranh chính là cái hồn làm nên phong tục, tập quán của đồng bào Dao. Nếu thiếu đi những bức tranh thờ cúng là đồng bào Dao không thể thực hiện được những nghi thức trong lễ, tết như Cấp Sắc, Tết Nhảy, tạ mả, đám ma tươi, đám ma khô… và chúng tôi đều gọi ông Cường chính là “nghệ nhân dân gian” và mong muốn nghề vẽ tranh nếu được các cấp, các ngành quan tâm sẽ là vốn văn hóa truyền thống đáng quý của đồng bào Dao.

Thờ tranh- nét văn hóa độc đáo của người Dao - 2

Những bức tranh thể hiện quan niệm của người Dao về vũ trụ, triết lý và mối quan hệ giữa cuộc sống với con người và vạn vật.

Những bức tranh thể hiện quan niệm của người Dao về vũ trụ, triết lý và mối quan hệ giữa cuộc sống với con người và vạn vật. Trong đó bảo trợ cuộc sống của con người là 3 vị thần (còn gọi là Tam thanh) gồm: nguyên thủy thiên tôn - Ngọc thanh (thần cai quản trên trời); Linh bảo thiên tôn - Thượng thanh (thần cai quản trần gian); đạo đức thiên tôn – thái thanh (thần cai quản âm phủ).

Trong 3 vị này, Ngọc thanh có vị trí cao hơn cả, 3 vị này có khi được vẽ độc lập ở từng bức ttranh, nhưng cũng có khi được vẽ chung hoặc vẽ cùng các vị thần linh khác. Tam thanh luôn giữ vị trí trung tâm trong các bộ tranh người Dao.

Chất liệu sử dụng vẽ tranh là tấm giấy dó tùy theo kích cỡ bức tranh, sau đó dùng keo da trâu (da trâu khô nấu lên thành keo) làm chất kết dính, đồng thời keo da trâu pha với nước hòa cùng bột màu để vẽ tranh, tranh giữ được màu sắc tươi tắn mà không phai. Màu sắc mỗi bức vẽ tùy thuộc vào chủ đề hay nhân vật mà đưa ra những gam màu có đặc thù tương ứng.

Màu chủ đạo trong tranh là xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, đen. Trong các bức tranh vẽ thần linh đều có vẻ mặt khác nhau, từng vị thần đều có nét uy vũ riêng biệt trên nền hào quang.

Trong số bộ tranh trong nghi lễ thờ cúng của đồng bào Dao, thì bộ Tam thanh đại đường rất quan trọng, cái hồn cốt trong thực hiện nghi lễ Cấp sắc, Tết nhảy, tạ mả, đám ma….

Bộ tranh Tam thanh đại đường gồm 17 bức, trong đó có 12 bức to, 4 bức nhỏ gọi là Tứ phủ và 1 bức binh lính gồm 120 quân, hoàn thiện bộ tranh phải mất mất 40 ngày. Mỗi bộ tranh Tam thanh đại đường có giá 14-15 triệu đồng; bộ tranh khác có giá từ 4- 5 triệu đồng.

 Với ông Cường vẽ tranh không chỉ là năng khiếu mà còn cần sự chăm chỉ, miệt mài và tình yêu nghề, nhằm mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa người Dao. Tranh của ông không chỉ được đồng bào Dao Thanh Hóa đón nhận mà các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Sơn La…cũng mời ông vẽ tranh.

Vào mỗi dịp lễ, tết, các bức tranh cúng thường theo kín trên vách nhà được thế hệ trước giảng giải cho thế hệ sau. Vì thế tục thờ tranh dân gian được người Dao bảo tồn từ đời này qua đời khác tạo nên nét đẹp văn hóa riêng biệt. Tranh thờ của người Dao không chỉ là tín ngưỡng mà còn là niềm tin, là cách lý giải của con người về vũ trụ. Việc vẽ tranh thờ và sử dụng tranh thờ là một nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo trong đời sống tin thần của đồng bào Dao.

Bình Minh