Thờ Mẫu - Tín ngưỡng độc đáo của người Việt

Sự phát triển mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu xuất phát từ tính nhân văn, tính nghệ thuật và khả năng đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.

Thờ Mẫu là một sinh hoạt tín ngưỡng dân gian phổ biến của người Việt Nam, nhất là cư dân khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sự phát triển mạnh mẽ của tín ngưỡng thờ Mẫu xuất phát từ tính nhân văn, tính nghệ thuật và khả năng đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân.

Tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc từ quan niệm thần thánh hóa thiên nhiên của người Việt cổ, dưới khái niệm Thánh Mẫu, hay nữ thần Mẹ. Tục này thể hiện khả năng tích hợp rất lớn với đạo Phật, đạo Giáo, đạo Nho cùng tín ngưỡng dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số, để cuối cùng trở thành một tín ngưỡng đa văn hóa, đa tộc người.

Nghệ thuật diễn xướng và hát văn luôn gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu

Nghệ thuật diễn xướng và hát văn luôn gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu

Hoạt động nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ chầu văn, ẩn chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật rất độc đáo. Nó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về thần linh. Đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc dân gian phong phú, hấp dẫn.
Không chỉ thỏa mãn ước mơ về mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật nảy nở sinh sôi của người nông dân thời phong kiến, tín ngưỡng thờ Mẫu còn đáp ứng nhu cầu tâm linh của tầng lớp thương nhân đô thị, hình thành từ thế kỉ 16, 17 và phát triển mạnh đến nay. Hiện cả nước có khoảng 7.000 cơ sở thờ tự liên quan đến đạo Mẫu như đình, chùa, đền, phủ, điện… Số thanh đồng lên đến hàng vạn người và số con nhang đệ tử lên đến cả triệu người.

Ông Vũ Công Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: “Di tích thờ Mẫu ở nước ta trải khắp các vùng miền nhưng nổi tiếng là những địa danh như Lạng Sơn, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa. Điều đó khẳng định ảnh hưởng to lớn của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tâm linh của người Việt. Nhân dân và du khách hành hương về nơi cửa phật, cửa thánh đều tìm đến chốn linh thiêng không những để cầu tài, cầu lộc mà trên hết là cầu cho quốc thái dân an và nhiều điều tốt lành khác cho gia đình, đất nước”.

Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng. Tôn thờ người Mẹ, đồng nghĩa với mong muốn bảo trợ, sinh sôi, sáng tạo. Nó không giống các tôn giáo, tín ngưỡng khác ở chỗ hướng về đời sống thực tại, trần tục, gần gũi.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Thờ Mẫu không hướng con người và niềm tin của con người vào thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần có sức khỏe, tiền tài, quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm hiện sinh của con người trong thế giới hiện đại. Lúc này, niềm tin vào siêu nhiên mà thánh Mẫu là đại diện trở nên thứ yếu, mang tính phương tiện, còn mục đích sống của con người mới là quan trọng. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính thực tế, thực dụng của con người Việt Nam”.

Tục thờ Mẫu cũng thể hiện một cách độc đáo tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn thông qua việc tôn vinh những người có công với đất nước. Các nhân vật được thờ ở các phủ, điện thờ Mẫu thường là những anh hùng đã anh dũng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Tín ngưỡng thờ Mẫu - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Tín ngưỡng thờ Mẫu - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Minh Tuân, tác giả của 100 tập phim ký sự truyền hình “Việt Nam văn hóa thờ thánh Mẫu” cho biết: “Ý nghĩa nổi bật của tín ngưỡng thờ Mẫu đó là nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc. Nó thể hiện rất rõ trong những giá hầu đồng tôn vinh nét văn hóa của người dân tộc như người Dao, Mông, Nùng… Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng mang chủ nghĩa anh hùng dân tộc bởi rất nhiều nhân vật trong 36 giá hầu đồng chính là những vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, quan lớn Triệu Tường…”.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một nét đẹp độc đáo trong đời sống văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, vì là tín ngưỡng dân gian được truyền khẩu, không hoàn chỉnh hệ thống kinh sách, không ai tổng kết thành giáo lý, giáo luận, nguồn thông tin phổ cập còn hạn chế nên nhiều thanh đồng, đạo quan chưa hiểu rõ tường tận về tín ngưỡng thờ mẫu, dẫn đến một số hành vi, ứng xử không đúng mực, gây phản cảm, thậm chí một số người còn lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi cá nhân, gây bức xúc trong xã hội và cả những người trong cuộc.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tín ngưỡng thờ mẫu giữ được vị trí xứng đáng trong đời sống tâm linh của người Việt, xứng với danh hiệu cao quý mà nhà nước đã tôn vinh và nhiều khả năng được quốc tế công nhận./.

Theo Hồng Bắc - Đào Yến
VOV