Theo dấu Chân Tiên về miền thơ mộng

(Dân trí) - Chùa Chân Tiên không chỉ là một danh lam nổi tiếng mà lịch sử ngôi chùa còn gắn với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người dân huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) nói chung và xã Thịnh Lộc nói riêng.

Dãy Hồng Lĩnh với 99 ngọn núi huyền thoại từ phía bắc chạy về phía đông thì đâm ra biển và kết thúc bằng một ngọn núi thấp gọi là núi Vân Am (còn gọi là núi Am Tiên), một ngọn núi rất đẹp, được người xưa tôn xưng là “Am Tiên đệ nhất danh sơn”, nổi tiếng với nhiều cảnh quan, sự tích thơ mộng. Sau núi, về phía đông – bắc là cửa lạch Động Kèn, từ đó mở ra một bãi biển chạy dài về phía đông đến núi Nam Giới, khoảng 10 km. Đây là một trong những bãi tắm đẹp nhất trên địa bàn Hà Tĩnh. Nhìn từ trên cao, vùng đất xã Thịnh Lộc trông như một nàng tiên nằm nghiêng, đầu gối lên núi Am Tiên, chân gác lên núi Bằng Sơn, một bên là bờ biển nước trong xanh, rì rào sóng vỗ; một bên là lũy cát truông Vùn tựa chiếc gối ôm màu hoàng kim. Từ đỉnh núi Am Tiên nhìn xuống phía nam, thấp thoáng sau rặng cây, lấp lánh một hồ nước màu ngọc bích mà dân gian quen gọi là Bàu Tiên. Tương truyền, xa xưa, các tiên nữ giáng trần đến tắm ở hồ nước này, sau lên núi vui chơi, để lại dấu chân trên đá. Đó là hai vết lõm trên một tảng đá bằng phẳng được dân gian gọi là đá Chân Tiên. Về sau, tại khu vực này, người dân đã lập am (Am tiên tự) và đến đời Trần (thế kỷ XIII) mới lập chùa, gọi là chùa Chân Tiên.

Cổng chùa Chân Tiên
Cổng chùa Chân Tiên

Chùa Chân Tiên tọa lạc lưng chừng phía nam sườn núi Am Tiên. Để lên tới chùa du khách phải leo hàng trăm bậc đá. Ẩn sau những hàng thông cổ thụ là một ngôi chùa nhỏ xinh xắn, xung quanh có các công trình phụ. Ngôi chùa này đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Hiện tại, chùa gồm hai tòa: một tòa thờ Phật, một tòa thờ Thánh Mẫu. Cách chùa về phía đông khoảng 5 m là đá Chân Tiên, cạnh đó là một dòng suối chảy róc rách ngày đêm hòa cùng tiếng thông reo, tiếng sóng biển rì rầm. Bên suối có một giếng đá cạn nhưng nước mát ngọt, trong lành và không bao giờ vơi. Phía đông núi Am Tiên, còn có nhiều động đá đẹp như Động Trúc, Động Mai, động Thạch Thất, động Đá Người; nhiều cụm đá kỳ thú như đá Bàn Cờ, đá Giã Gạo, đá Cối Xay, đá Mười Hai Cửa, đá Cô, đá Cậu, đá Thuyền, đá Lợn, đá Voi,…Đặc biệt, ở vị trí Động Kèn có một cặp đá khổng lồ được dân địa phương gọi là đá Vợ - Chồng, đứng sừng sững cạnh nhau, mặt hướng ra biển. Gắn liền với những cảnh quan kỳ thú này là những truyền thuyết, sự tích làm mê đắm lòng người.

Chùa Chân Tiên
Chùa Chân Tiên

Chùa Chân Tiên không chỉ là một danh lam nổi tiếng mà lịch sử ngôi chùa còn gắn với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người dân nơi đây. Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, với lợi thế địa hình, khu vực núi Am Tiên từng là nơi nhà Trịnh đóng quân. Thời Cần Vương chống Pháp, nghĩa quân Phan Đình Phùng đã chọn núi Am Tiên là nơi tập trận. Năm 1928, tiểu tổ Đảng Tân Việt xã Thịnh Lộc gồm các ông: Hoàng Khoái Lạc, Võ Quy, Nguyễn Cứ, Hồ Ngọc Tàng, Hoàng Liêu, Trần Châu, Trần Xu… thường tổ chức họp tại chùa.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, chùa Chân Tiên là nơi hội họp của Chi bộ Đảng Yên Điềm (nay là Đảng bộ xã Thịnh Lộc). Với những giá trị văn hóa – lịch lớn lao như vậy, năm 1992, chùa Chân Tiên đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa - danh thắng cấp quốc gia. Hằng năm, vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, nhân dân địa phương và du khách thập phương nô nức về tham dự lễ hội chùa.

Theo dấu Chân Tiên về miền thơ mộng - 3
Mùa lễ hội
Mùa lễ hội

Năm nay, 2017, chùa Chân Tiên bước vào mùa lễ hội với một không khí sôi động khác thường. Cấp ủy và chính quyền địa phương đã tổ chức hội nghị với đông đảo các ban ngành, các đơn vị địa phương và các đơn vị nhà nước đóng trên địa bàn tham dự để triển khai kế hoạch, quán triệt nhiệm vụ cho các tổ chức , cá nhân trong việc tổ chức lễ hội chùa. Đồng thời, chỉ đạo ban quản lý di tích chùa Chân Tiên triển khai tu sửa nhiều hạng mục công trình phụ trợ để phục vụ một cách tốt nhất cho ngày lễ hội. Đặc biệt, ngoài con đường cũ lên chùa lát bậc đá, một con đường đất bằng phẳng được mở thêm, người đi bộ và phương tiện cơ giới có thể lên sân chùa một cách thuận tiện. Hằng ngày, ban quản lý khu di tích, cán bộ, nhân dân, Phật tử địa phương thay nhau lên chùa sửa sang đường sá, dọn dẹp vệ sinh, tạo nên một phong quang sạch đẹp để đón chào du khách thập hương.

Tượng Thánh mẫu
Tượng Thánh mẫu

Trong những ngày trước lễ hội, khu vực chùa lúc nào cũng nhộn nhịp: tiếng công cụ đào đất, tiếng phương tiện cơ khí hòa cùng tiếng hát hò vang lên như đánh thức giấc ngủ các nàng tiên, đánh thức tiềm lực của một vùng quê đang vươn lên thoát nghèo.

Mùa lễ hội chùa Chân Tiên năm nay, có thể nói, phấn khởi nhất là các vị lãnh đạo cấp ủy và chính quyền xã Thịnh Lộc. Để có được một di tích khang trang như ngày nay, để có được một truyền thống lễ hội chùa trang trọng, hấp dẫn thu hút ngày càng đông du khách thập phương, trải qua một thời gian dài với nhiều nhiệm kỳ kế tiếp, họ đã bỏ ra biết bao tâm sức. Đặc biệt, bên cạnh và chính trên địa bàn xã, khu Du lịch sinh thái Vinpearl chuẩn bị khánh thành, khu quảng trường và tượng đài Mai Hắc Đế đã được khởi công. Đó là những công trình văn hóa du lịch có sức thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Hơn thế, lễ hội chùa Chân Tiên năm nay lại là một điểm nhấn nằm trong chuổi các sự kiện trọng đại của huyện nhà nên dù rất khẩn trương, tất bật nhưng trên gương mặt cán bộ, nhân dân Thịnh Lộc, ai ai cũng ánh lên một niềm vui, một sự kỳ vọng về một tương lai sán lạn của sự phát triển kinh tế - xã hội ở một vùng quê xưa kia vốn rất nghèo.

Giếng Tiên
Giếng Tiên

Từ điểm nhấn văn hóa - du lịch chùa Chân Tiên, với sức hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên và các giá trị nhân văn của nó, với sự đầu tư mạnh mẽ của những tổ chức kinh tế như tập đoàn Vingroup, chúng ta hy vọng rằng mảnh đất Thịnh Lộc cồn khô cát bạc, nghèo đói xưa kia sẽ trở thành mảnh đất đáng sống, mảnh đất hứa cho mọi người.

Phạm Quang Ái

(Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm