Thế giới đã chia tay với những nghệ sĩ nổi tiếng nào trong năm 2015?
(Dân trí) - Trong năm 2015, đời sống văn hóa thế giới đã chứng kiến sự ra đi của một số nghệ sĩ nổi tiếng - những người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hóa đại chúng. Đó là những diễn viên, ca sĩ, nhà văn… gạo cội.
Nam diễn viên kiêm đạo diễn người Mỹ đã có một sự nghiệp điện ảnh kéo dài nhưng điểm nhấn đậm nét nhất khiến người ta nhớ về Leonard Nimoy chính là nhân vật Spock trong loạt phim truyền hình và điện ảnh “Star Trek”. Sự nghiệp đạo diễn của Nimoy cũng khá thành công, ông từng được giao đạo diễn hai phần phim “Star Trek” và khá thành công với phim “Three Men and a Baby” (1987).
Năm 2015 này, khi Nimoy qua đời ở tuổi 83 hồi cuối tháng 2, fan hâm mộ thuộc nhiều thế hệ đã tưởng nhớ ông bằng hàng loạt hình ảnh về vai diễn Spock “tai nhọn” đăng tải trên mạng xã hội. Sau khi tiết lộ tình trạng sức khỏe trong những ngày tháng cuối đời, Nimoy đã đăng tải một “status” cuối cùng trên mạng xã hội kết thúc bằng cụm từ viết tắt “LLAP” (viết tắt của “Live Long And Prosper” - tạm dịch: Sống lâu và thịnh vượng) - một câu khẩu hiệu gắn liền với một động tác tay trứ danh của nhân vật Spock trong “Star Trek”.
Leonard Nimoy trong vai Spock của loạt phim “Star Trek”
Anita Ekberg là một nữ diễn viên “biểu tượng sex” người Thụy Điển, đã từng tạo nên một trong những cảnh phim biểu tượng của điện ảnh. Từng giành ngôi vị Hoa hậu Thụy Điển năm 20 tuổi, Anita đã được cử tới Mỹ để tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Chuyến đi đã bất ngờ mở ra một cánh cửa vĩnh viễn làm thay đổi cuộc đời người đẹp.
Dù nói được rất ít tiếng Anh, nhưng Anita vẫn khiến hãng phim Universal Pictures để mắt và muốn hợp tác. Người đẹp không chần chừ chớp ngay cơ hội. Cô liền được đưa tới Ý để tham gia diễn xuất trong phim “War and Peace” (1956). Khi đóng phim ở Rome, cô gặp đạo diễn người Ý Federico Fellini, ông liền mời cô tham gia đóng bộ phim nổi tiếng “La Dolce Vita”.
Chính bộ phim này đã khiến Anita Ekberg chính thức trở thành ngôi sao điện ảnh quốc tế, trở thành một trong những biểu tượng sex của màn bạc. Trong phim có cảnh Anita lội vào đài phun nước Trevi của thành Rome đùa nghịch, một cảnh phim gợi cảm mang tính biểu tượng của màn ảnh.
Sang đến thập niên 1970, Anita gần như biến mất khỏi màn ảnh. Dù không có thêm vai diễn kinh điển nào sau “La Dolce Vita”, Anita vẫn luôn được nhớ đến như một trong những “biểu tượng sex” gạo cội của màn ảnh thế giới. Bà đã qua đời vào giữa tháng 11 năm nay, thọ 83 tuổi.
Cảnh ở đài phun nước Trevi trong phim “La Dolce Vita”
Nhà văn Günter Grass là tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất của văn học Đức thời kỳ hậu chiến. Bên cạnh việc là một nhà văn nổi tiếng từng giành giải Nobel Văn học hồi năm 1999, Günter Grass còn là một họa sĩ, một trí tuệ đáng nể của đời sống văn hóa - nghệ thuật Đức.
Ông được độc giả Đức và độc giả trên khắp thế giới biết đến từ sau khi cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Cái trống thiếc” hồi năm 1959. Phiên bản điện ảnh chuyển thể từ cuốn sách cũng đã giành giải Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes danh giá và giải Oscar ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất.
Günter Grass là một nhà văn có những phát ngôn thẳng thắn về xã hội Đức, thông qua những tác phẩm của mình ông khuyến khích người Đức suy nghĩ sâu sắc về lịch sử của đất nước mình sau Thế chiến II. Nhà văn đã qua đời hồi giữa tháng 4, thọ 87 tuổi.
Trailer phim “Cái trống thiếc” (1979)
Nam ca sĩ người Mỹ BB King được mệnh danh là “ông hoàng nhạc Blues”. Bắt đầu biểu diễn từ thập niên 1940, BB King sở hữu hàng loạt bản hit cùng với ngón đàn ghita điệu luyện, có thể kể tới một vài nhạc phẩm nổi tiếng của ông như “Sweet Little Angel”, “Rock Me Baby”, “My Lucille”…
BB King có tầm ảnh hưởng đối với những thế hệ nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc Blues sau này, và là một trong những tay ghita điệu nghệ nhất. Tạp chí âm nhạc của Mỹ Rolling Stone từng xếp BB King ở vị trí thứ 3 trong top 100 nghệ sĩ ghita vĩ đại nhất mọi thời đại.
Cho tới tận những năm tháng cuối đời, BB King vẫn tham gia biểu diễn rất đều đặn, ông góp mặt trong khoảng 100 sự kiện âm nhạc mỗi năm. BB King qua đời vào giữa tháng 5, thọ 89 tuổi.
BB King - 'Sweet Little Angel'
Omar Sharif sinh ra ở Ai Cập. Ông được biết đến nhiều sau khi xuất hiện trong bộ phim kinh điển “Lawrence xứ Ả Rập” (1962). Với vai diễn Sherif Ali, ông đã giành được giải Quả Cầu Vàng và một đề cử tại giải Oscar.
Sau này, Omar Sharif còn đảm nhiệm vai diễn chính trong bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên - “Bác sĩ Zhivago” (1965). Trong giới làm phim, Omar Sharif nổi tiếng là một tay ăn chơi, bài bạc, chính tính cách này đã khiến ông không thể giữ gìn phong độ và mãi giũa tài năng diễn xuất dù đã có được một khởi đầu lý tưởng.
Việc ăn chơi quá đà khiến ông xuất hiện ít dần trên màn ảnh và không còn tạo thêm được những vai diễn có sức nặng. Thực tế, Omar Sharif là một tay chơi bài có hạng và nổi tiếng tầm cỡ thế giới trong giới chơi bài brit. Trong những năm tháng cuối đời, Omar Sharif bị mắc chứng Alzheimer và qua đời vì một cơn đau tim vào tháng 7 năm nay, thọ 83 tuổi.
Trailer phim "Bác sĩ Zhivago" (1965)
Nam diễn viên người Anh Christopher Lee sinh năm 1922 ở London. Khi nổ ra Thế chiến II ông đã tình nguyện tham gia quân đội và từng là một điệp viên tình báo. Ông được giao nhiệm vụ lần ra những tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã. Christopher Lee đã phải thực hiện một lời thề giữ bí mật, không bao giờ tiết lộ những thông tin từ thuở còn là một điệp viên.
Sau khi trở về cuộc sống đời thường, Christopher Lee trở thành một diễn viên. Tuy vậy phải đến cuối thập niên 1950, ông mới bắt đầu được chú ý tới. Hình ảnh nam diễn viên gắn liền với vai diễn bá tước Dracula. Lần đầu tiên ông nhập vai diễn trứ danh này là trong phim “Dracula” (1958). Christopher Lee qua đời hồi đầu tháng 6, thọ 93 tuổi.
Trailer phim "Dracula" (1958)
Bích Ngọc
Theo BBC