"Thay thế động vật sống bằng đồ mã, ý nghĩa không thay đổi"
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, nghi thức hiến một vật nào đó cho thần thánh là phong tục của từng làng, nhưng trong thế giới hiện đại này thì nên điều chỉnh. Có thể thay thế động vật sống bằng các biểu tượng, như dùng đồ mã, thì ý nghĩa cũng không khác nhau.
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) còn chưa hết ý kiến trái chiều, thì clip lễ hội Cầu Trâu (xã Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ) vào rạng sáng mùng 10 tháng Giêng đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Đây là lễ hội mới được khôi phục, để tưởng nhớ về công đức của nữ tướng Xuân Nương (thời Hai Bà Trưng). Nhưng, những gì cho thấy chỉ gợi lên sự dã man, khi hình ảnh những người đàn ông đứng ở nhiều góc, thay nhau phang, đập một con trâu bị trói ghì. Vì thế, nghi thức hiến sinh đang trở thành vấn đề nóng trong dư luận.
Nhằm tìm ra giải pháp tích cực cho vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quốc Tuấn (TS NQT) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam):
Thưa ông, là nhà nghiên cứu lâu năm về tôn giáo, ông có thể cho biết, nghi lễ hiến sinh có phải chỉ có ở một số địa phương nước ta?
Tục dùng vật nuôi làm lễ vật hiến sinh trong các nghi thức thuộc nghi lễ đã tồn tại ở nhiều tộc người, quốc gia.
Người ta thấy từ các nền văn minh cổ cho đến các tộc người nguyên thủy hiện đại dùng các vật nuôi để tế thần linh vô số.
Đến khi Nhất thần giáo xuất hiện, tục này không còn tồn tại ở nơi mà tôn giáo này ngự trị trong tâm thức con người.
Tín đồ Nhất thần giáo dùng hình thức cầu nguyện cá nhân hay tập thể để bày tỏ sự sùng kính đối với thần linh hay thượng đế, không dùng các vật nuôi để làm lễ vật hiến tế.
Riêng Phật giáo thì không dùng bất kỳ loại nghi thức nào để hiến tế, ngoài sự tuân thủ các nghi thức dành cho "tứ chúng".
Đây có thể được xem là một bước hoàn thiện chủ nghĩa nhân bản mà các tôn giáo lớn đem lại cho loài người.
Trong khi đó, ở nhiều tộc người theo Đa thần giáo, vẫn duy trì tục hiến tế bằng vật nuôi, và sự gán ghép ý nghĩa linh thiêng đối với vật hiến sinh. Người Việt và các tộc người thiểu số (không theo các tôn giáo lớn) ở Việt Nam nằm trong số đó.
TS Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
Các lễ hiến sinh trong dịp đầu năm đang gây tranh cãi, thực ra là cuộc tranh luận giữa góc nhìn về truyền thống và hiện tại, khi một luồng ý kiến cho rằng đó là văn hóa truyền thống cần được giữ gìn, còn luồng quan điểm khác lại cho đó là sự dã man, mông muội. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?
Ta có thể biện hộ dùng vật nuôi hiến sinh bằng các lập luận như bảo vệ bản sắc, bảo vệ cốt lõi tâm linh, bảo vệ truyền thống ở các cộng đồng hay tộc người.
Ta cũng có thể nhân danh văn hóa để nói về duy trì đa dạng văn hóa thông qua các nghi lễ, thờ cúng, được coi là cốt tủy của bản sắc tộc người hay cộng đồng.
Tất cả đều nói lên duy trì truyền thống tộc người hay cộng đồng là cần thiết, không thể áp đặt văn hóa này lên một nền văn hóa khác bằng cưỡng bức, bằng truy sát các văn hóa bản địa, cổ truyền. Nguyên tắc này luôn luôn đúng khi mà thế giới cần giữ gìn sự đa dạng văn hóa.
Thế nhưng, một dòng chảy khác cũng đang hiện hữu là toàn cầu hóa, là hội nhập, là "thế giới phẳng" thông qua hoạt động kinh tế, hoạt động tư tưởng, truyền thông và mạng xã hội.
Lẽ dĩ nhiên, để quá trình này diễn ra, các tiêu chuẩn và chuẩn mực do cộng đồng quốc tế đặt ra cần được tôn trọng.
Đó là nhân quyền; đó là kinh tế xanh, sạch (không tăng trưởng bằng mọi giá); đó là môi trường tự nhiên được bảo vệ tính đa dạng sinh thái và hệ động, thực vật, tài nguyên được khai thác hợp lý; đó là xã hội dân chủ, tự do, được chăm sóc về chất lượng sống, về hòa bình, ổn định và thịnh vượng...
Chủ nghĩa nhân bản hiện đại đã tiến những bước dài trong ứng xử với tự nhiên, xã hội, cá nhân và cộng đồng. Các hành vi bạo lực bị lên án, các hành vi lệch lạc bị chỉ ra và ngăn cấm...
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) còn nhiều ý kiến trái chiều.
Do đó, việc duy trì bản sắc văn hóa cũng cần được đặt trong khuôn khổ thế giới là một cộng đồng liên đới, có trách nhiệm chung, vừa duy trì sự đa dạng, vừa đạt được sự đồng thuận theo các chuẩn mực quốc tế. Sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế phải được coi là trình độ đạt hay chưa đạt đến văn minh. Như thế, sự duy trì tục hiến sinh phải được đặt trong bối cảnh đó.
Theo ông, nguyên nhân của việc tái dựng các lễ hội hiến sinh vốn được coi là truyền thống, đang bị lên án dữ dội, là do đâu?
Rất tiếc, khi kêu gọi xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, người ta đã không đặt sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, sự dung hòa giữa yêu cầu quốc tế chung như là một phương diện bắt buộc, nên sự bảo vệ, phục hồi và tái dựng mô hình văn hóa truyền thống đã trượt ra khỏi quỹ đạo chung đó, khiến cho nhiều sự việc diễn ra không thể kiểm soát và có thể nói đến sự hỗn loạn của giá trị văn hóa.
Sự hành hạ các vật nuôi, dù núp dưới vỏ bọc tâm linh, tôn giáo cộng đồng, không thể xem là hành vi văn minh, nếu không muốn nói là đi ngược với chính mục đích nhân bản mà cộng đồng đó ước muốn.
Do vậy, hành vi hiến tế bằng cách hành hạ vật nuôi cần được giải thích, loại trừ và nếu cần, phải bị luật pháp ngăn cấm.
Đó là lý do tôi cực lực lên án hành vi dùng vật nuôi hiến tế bằng các nghi thức dã man. Hãy thay thế bằng các nghi thức thể hiện tính nhân bản, thân thiện với vật nuôi, với con người và môi trường. Điều đó thể hiện xã hội Việt Nam hiện đại sẽ là một xã hội văn minh, bền vững.
Có ý kiến cho rằng, không thuyết phục được các địa phương bỏ lễ hội hiến sinh, thì cần có biện pháp hành chính để chấm dứt. Theo ông, làm thế nào để không ảnh hưởng đến phong tục truyền thống, nhưng cũng không gây phản ứng của dư luận?
Nên sử dụng nghi thức thay thế thông qua thuyết phục cộng đồng tự thay đổi, thay vì cấm bằng lệnh hành chính trên cơ sở điều chỉnh giá trị của cộng đồng với các giá trị hiện đại. Nếu được cộng đồng chấp nhận thì tự họ sẽ tìm ra nghi thức thay thế.
Nghi thức hiến một vật nào đó cho thần thánh là phong tục của từng làng, nhưng trong thế giới hiện đại này thì nên điều chỉnh. Có thể thay thế động vật sống bằng các biểu tượng, như dùng đồ mã, thì ý nghĩa cũng không khác nhau.
Cảm ơn ông đã trao đổi!
Theo Thanh Hằng
Công an nhân dân