“Thành phố xanh” - là những nơi đáng sống nhất thế giới
(Dân trí) - Những thành phố nhiều cây xanh nhất thế giới cũng chính là 10 thành phố được bình chọn là đáng sống nhất thế giới.
Dựa trên Chỉ số Kinh tế Xanh Toàn cầu (GGEI), 70 thành phố ở 60 quốc gia hàng năm đều được “chấm điểm” về cách phát triển kinh tế song song với việc bảo vệ môi trường. Hai hoạt động này sẽ giúp một thành phố phát triển hài hòa, bền vững.
Dưới đây là top 10 thành phố “xanh nhất” thế giới trong năm 2014, đây được coi là những thành phố phát triển kinh tế bền vững, đề cao chất lượng cuộc sống con người:
Copenhagen, Đan Mạch: Copenhagen được coi là một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới, với dân số tập trung gần 2 triệu người. Copenhagen từ lâu đã được biết tới là một thành phố chú trọng xây dựng các chính sách bảo vệ môi trường. Các công trình giao thông, hạ tầng trong thành phố đều được thiết kế để thích hợp cho việc đi bộ và đạp xe hơn là phục vụ các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy.
Amsterdam, Hà Lan: Bên cạnh không gian xanh trong thành phố, điều đặc biệt phải kể tới ở Amsterdam đó là mọi người dân ở đây đều đạp xe, và họ đã thực hiện điều này suốt hàng thập kỷ nay. Amsterdam là thành phố duy nhất trên thế giới mà số xe đạp nhiều hơn số dân.
Stockholm, Thụy Điển: Stockholm là thành phố đầu tiên giành được giải Thủ đô Xanh của Châu Âu. Với những chiến lược bảo vệ môi trường được tiến hành từ thập niên 1970, giờ đây, Stockholm đã có không gian xanh đáng quý với tuổi thọ lên tới hàng thập kỷ. Thành phố này còn đặt mục tiêu đến năm 2050, sẽ hoàn toàn sử dụng năng lượng xanh, vì vậy, Stockholm còn là thành phố sạch nhất thế giới.
Vancouver, Canada: Vancouver là một thành phố đông dân và chi phí sinh hoạt khá đắt đỏ, nhưng khí hậu ôn hòa khiến Vancouver vẫn là một thành phố rất đáng sống. Để bù đắp lại hai “yếu điểm” kể trên, Vancouver là thành phố sạch nhất của Canada và cũng là một trong những thành phố xanh nhất trên thế giới.
London, Anh: Người ta thường quan niệm London là “thành phố sương mù”, nhưng không phải vậy, London giờ là một thành phố xanh tươi. Hình ảnh một thành phố mịt mù sương khói hòa lẫn bụi bặm ở giai đoạn đầu của thời kỳ Cách mạng Công nghiệp đã bị xóa bỏ. Kể từ khi quyết tâm theo đuổi sự phát triển bền vững, chính quyền thành phố London đã tích cực hành động để giảm lượng khí thải và tạo thêm không gian xanh.
Berlin, Đức: Khu vực trung tâm của thành phố Berlin bảo vệ môi trường một cách nghiêm ngặt, nơi đây chỉ cho phép những phương tiện giao thông có chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường mới được vào trong “vùng lõi”.
New York, Mỹ: Sự xuất hiện của thành phố New York trong danh sách này có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng New York chính là thành phố xanh nhất của nước Mỹ. Lượng khí thải của New York rất thấp so với kích thước và dân số của thành phố, có được điều này là bởi người dân nơi đây di chuyển chủ yếu bằng phương tiện giao thông công cộng. Việc xây dựng trong thành phố cũng luôn đặt yếu tố thân thiện với môi trường lên hàng đầu.
Singapore: Sau giai đoạn “cấp tập” công nghiệp hóa, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng, Singapore giờ đã trở thành thành phố xanh nhất Châu Á khi xử lý ổn thỏa những vấn đề môi trường bằng những chương trình hành động quyết liệt bắt đầu từ thập niên 1990.
Helsinki, Phần Lan: Giống như nhiều thành phố ở bán đảo Scandinavia, thủ đô Helsinki của Phần Lan khuyến khích người dân đạp xe đạp và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Thành phố này đã chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kể từ cuối thập niên 1950.
Oslo, Na Uy: Thủ đô của Na Uy là một trong 4 thành phố thuộc bán đảo Scandinavia xuất hiện trong danh sách này. Chính quyền thành phố Oslo từ lâu đã có những quy định rất chặt chẽ về việc bảo vệ không gian xanh trong thành phố. Những vành đai xanh được thiết kế ở Oslo để bảo vệ những khu vực dành riêng cho thiên nhiên sinh thái, để những nơi này tồn tại song song những vẫn có sự tách biệt khỏi những khu vực dành cho hoạt động phát triển kinh tế.
Bích Ngọc
Theo Green Divas