Việt Nam thân thương:

Thánh địa và tình yêu

(Dân trí) - Nghe mọi người kể về kiến trúc Chăm pa huyền bí và mềm dẻo, em cứ ước ao mãi được một lần đến thăm Thánh địa của vương triều Chiêm Thành. Trải bao lần lữa, ngại ngần, em cũng đã đặt chân lên mảnh đất mà người đời cho là "hoang tàn và đổ nát".

(Ảnh: khoahoc.com.vn)


(Ảnh: khoahoc.com.vn)

Người đời nói không sai. Có hoang tàn vì lỗ chỗ gạch đen gạch đỏ, chỗ rêu phong chỗ gỉ sắt. Lạnh tanh một khu đất vắng. Có đổ nát vì ngổn ngang cột đá, thi thoảng một cái Linga vẹt mất góc, những pho tượng mất đầu. Nhưng cũng vì cái "hoang tàn và đổ nát" đó mà lòng em man mác nỗi ưu tư. Chỉ vài bước chân thôi, mà em đã có thể tiếp cận hai thế giới. Ngoài kia là phố phường ồn ào náo nhiệt, qua chiếc cầu treo, là cả một không gian tĩnh mịch, hoang sơ.

Mảnh đất này vốn không phải là nơi người ở, nên muôn đời là nơi tiếp giao giữa trời đất, thánh thần. Không biết thời hưng thịnh của Vương triều Chiêm Thành, khi làm lễ ở nơi linh thiêng này người ta đốt hương đốt nến ấm áp ngát hương thế nào. Nhưng giờ đây, chỉ còn là những khu đền lặng lẽ, lạnh ngắt hương của đất, của gió và của gạch đá.

Giá như là Thánh địa của những vương triều hay những tộc người đang thịnh, chắc mảnh đất ấy giờ này cũng không đến nỗi hoang vu như thế. Nếu như đến thành nội của Huế, ghé thăm miếu thờ các đế Vương triều Nguyễn, mọi người sẽ có cảm giác nóng người vì màu sắc và độ mới mẻ. Dù trong miếu không thắp hương, nhưng đâu đâu cũng cảm thấy có bàn tay ngày ngày dọn dẹp, chăm sóc và chỉnh sửa.

Sự khác biệt giữa những viên gạch cổ và những viên gạch phục hồi là do thiếu công thức. Người ta đã không tìm đâu ra được công thức để sản xuất ra được những viên gạch đỏ nghìn năm như thế, và người ta cũng chẳng thể biết làm cách nào tạo ra một chất kết dính không bị mục ruỗng với thời gian. Kết quả là ký ức nghìn năm đang trộn lẫn với rong rêu của chục năm phục chế. Công thức ngàn năm của một tộc người đã không được lưu truyền. Phải chăng lòng người không chuyên tâm thì thời gian sẽ có cơ phá hủy?

Đứng trước Thánh địa, em thấy se lòng như đang tưởng niệm của một thời đam mê. Những nét điêu khắc Chăm pa tinh xảo minh chứng cho những phút thăng hoa sáng tạo. Dáng điệu mềm mại theo từng vòng tay, khoát chân của nàng vũ nữ như đang đựng ánh mắt long lanh của kẻ đang yêu. Chỉ tiếc rằng ánh mắt ấy, nét thăng hoa ấy giờ chỉ còn là những nét khắc ngày ngày hứng mưa ngậm gió. Mưa mỗi lúc nặng hạt khiến người ta đua nhau tìm chỗ trú chân. Nhưng cả một khu đền cổ ấy đâu còn chỗ nào đủ nguyên vẹn để che chở cho lớp người hiện đại.

Lấy cớ mưa sắp to, em theo mọi người chạy nhanh về hướng khu nghỉ có mái rộng ấm áp. Chạy mưa nhưng trong em đè nặng cảm giác tội lỗi của một kẻ chạy trốn cảm xúc của mình. Dù đam mê nhưng em mãi luôn là một kẻ hèn nhát tầm thường, không bao giờ dám cá cược linh hồn mình cho những phút giây nghẹn thở trước cảm giác buồn. Thánh địa cũng như Tình yêu - muôn đời bí ẩn.

Mai Lê (Hà Nội)

Tháng 3/2011