Tháng 6 về, lại nhớ bức họa "Tháng 6 cháy bỏng"

Bích Ngọc

(Dân trí) - "Tháng 6 cháy bỏng" được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất của hội họa Anh xoay quanh đề tài mùa hè. Đây cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của họa sĩ người Anh - Frederic Leighton.

Tháng 6 về, lại nhớ bức họa Tháng 6 cháy bỏng - 1

Bức họa "Flaming June" (Tháng 6 cháy bỏng) (Ảnh: The Guardian).

Bức họa Flaming June (Tháng 6 cháy bỏng) là tác phẩm nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của họa sĩ người Anh - Frederic Leighton (1830 - 1896). Mới đây, bức phác thảo phối màu được họa sĩ Leighton thực hiện trước khi thực sự bắt tay vào vẽ bức Tháng 6 cháy bỏng được đem trưng bày tại bảo tàng Leighton House.

Tháng 6 cháy bỏng được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất của hội họa Anh xoay quanh đề tài mùa hè. Bức họa hiện thuộc sở hữu của bảo tàng Museo de Arte de Ponce, nằm ở thành phố Ponce, Puerto Rico.

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày họa sĩ Frederic Leighton thực hiện tác phẩm Tháng 6 cháy bỏng, bảo tàng Leighton House, đặt ngay tại ngôi nhà khi xưa của họa sĩ ở London (Anh), đã đem triển lãm bức phác thảo phối màu do Leighton thực hiện cách đây gần 130 năm.

Họa sĩ Frederic Leighton đã thực hiện tác phẩm Tháng 6 cháy bỏng ngay tại ngôi nhà của ông ở London, nay chính là bảo tàng Leighton House.

Về bức phác thảo phối màu, họa sĩ Leighton từng đem tặng cho một người bạn của ông. Sau đó, bức phác thảo này đã qua tay nhiều chủ sở hữu. Tới nay, bảo tàng Leighton House được một cá nhân đem tặng lại để trưng bày triển lãm.

Tháng 6 về, lại nhớ bức họa Tháng 6 cháy bỏng - 2

Bức phác thảo phối màu của bức họa "Tháng 6 cháy bỏng" (Ảnh: The Guardian).

Hành trình chìm nổi của bức họa "Tháng 6 cháy bỏng"

Bức Tháng 6 cháy bỏng hiện được ước tính có giá trị vào khoảng 14 triệu bảng Anh (tương đương 410 tỷ đồng). Trước khi trở thành tác phẩm nổi tiếng đi vào đời sống văn hóa đại chúng, Tháng 6 cháy bỏng đã trải qua chặng hành trình chìm nổi.

Hồi năm 1962, hai người phu khuân vác đã tìm thấy bức tranh này bị bỏ lại trong một ngôi nhà ở ngoại ô London, nơi họ đang làm nhiệm vụ chuyển đồ. Chủ nhà không còn thích bức tranh nữa nên hai người phu khuân vác được mang đi bán. Thông tin phía sau khung tranh cho biết đây là tác phẩm được thực hiện bởi họa sĩ Frederic Leighton.

Chủ triển lãm mua lại bức tranh, chỉ trả cho hai người phu khuân vác một khoản tiền nhỏ với lý luận rằng bức tranh không đáng giá, chỉ có bộ khung tranh mạ vàng là còn có giá trị.

Năm 1963, ông Luis Ferré - một nhân vật quyền lực tại Puerto Rico - thực hiện một chuyến đi tới các quốc gia Châu Âu, với mong muốn mua được nhiều tác phẩm nghệ thuật của Châu Âu để đem về trưng bày tại viện bảo tàng mà ông vừa góp công xây dựng.

Tháng 6 về, lại nhớ bức họa Tháng 6 cháy bỏng - 3

Một bức chân dung tự họa của họa sĩ Leighton (Ảnh: The Guardian).

Ông Luis Ferré đã mua bức Tháng 6 cháy bỏng với giá 2.000 bảng từ người chủ triển lãm, rồi đem về trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Museo de Arte de Ponce. Tác phẩm vẫn thuộc quyền sở hữu của bảo tàng này cho tới tận hôm nay.

Qua thời gian trưng bày, bức họa này dần lấy lại được vị thế. Các bảo tàng nổi tiếng trên khắp thế giới đã hỏi mượn tác phẩm này từ bảo tàng Museo de Arte de Ponce để đem triển lãm.

Tháng 6 cháy bỏng có sự sắp đặt tài tình, khắc họa một thân hình tròn trịa nằm trong một bức tranh khổ vuông. Vẻ đẹp cổ điển của tác phẩm khiến bức họa trở thành kinh điển, không phụ thuộc vào chuẩn mực thẩm mỹ của một thời kỳ nào. Công chúng ở thời nào chiêm ngưỡng tác phẩm cũng cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm.

Người phụ nữ nằm ngủ trong ánh nắng, không có thông tin cho biết cô là ai hay đang nằm mơ về điều gì, ngoại trừ một nhành trúc đào nở ngay gần chỗ cô nằm ngủ. Đó là một loài hoa vừa tượng trưng cho sự quyến rũ, vừa có chứa chất độc.

Bức họa được hoàn tất trong năm 1895, họa sĩ Leighton qua đời trong năm 1896. Sau khi ông qua đời, danh tiếng và sự nghiệp của ông dần dần bị lãng quên.

Về bức Tháng 6 cháy bỏng, tác phẩm được trưng bày triển lãm tại Anh cho tới năm 1930 thì được mua lại và nằm trong một bộ sưu tập tư nhân. Kể từ đó, người ta không còn biết thông tin về tác phẩm nữa. Tới năm 1962, khi hai người phu khuân vác tìm thấy bức tranh trong lúc chuyển đồ, thông tin về tranh mới được ghi nhận trở lại.

Người phụ nữ trong tranh là ai?

Tháng 6 về, lại nhớ bức họa Tháng 6 cháy bỏng - 4

Vẻ đẹp cổ điển của tác phẩm khiến bức họa trở thành kinh điển, không phụ thuộc vào chuẩn mực thẩm mỹ của một thời kỳ nào (Ảnh: The Guardian).

Dù người phụ nữ trong bức Tháng 6 cháy bỏng không để lộ những nét riêng trên gương mặt, nhưng trong những bức phác họa chuẩn bị cho việc thực hiện tác phẩm, họa sĩ Frederic Leighton đặc tả dáng đầu và gương mặt của một người mẫu rất quen thuộc với ông, đó là nàng Dorothy Dene, một "nàng thơ" rất được họa sĩ Leighton yêu mến.

Dorothy Dene đã làm mẫu cho nhiều tác phẩm của họa sĩ Leighton. Bên cạnh việc làm người mẫu, Dene còn muốn trở thành diễn viên. Họa sĩ Leighton đã chi tiền để cô đi học diễn xuất. Sau này, Leighton còn dành cho Dene một khoản thừa kế để giúp cô ổn định cuộc sống sau khi ông qua đời.

Trong sự nghiệp diễn xuất, Dorothy Dene (1859 - 1899) không thành công, nhưng hậu thế vẫn mãi nhắc nhớ đến người đẹp với tư cách "nàng thơ" của Leighton.

Họa sĩ Frederic Leighton vốn thuộc giới quý tộc ở Anh. Ông giàu có, thành đạt, sống độc thân cả đời. Nàng Dorothy Dene xinh đẹp, thông minh, tham vọng, nhưng nàng vốn xuất thân là một cô gái nghèo. Sau khi người đẹp được họa sĩ biết đến và yêu mến, Leighton đã giúp cho cuộc sống của Dene đổi khác rất nhiều.

Tháng 6 về, lại nhớ bức họa Tháng 6 cháy bỏng - 5

Nàng Dorothy Dene làm mẫu cho bức "Crenaia" (1880) của họa sĩ Leighton (Ảnh: The Guardian).

Sinh ra trong một gia đình có cha là kỹ sư động cơ hơi nước và mẹ là người giúp việc trong những gia đình thượng lưu, Dene tuy không phải con nhà giàu, nhưng nàng lại hiểu biết về đời sống xã hội thượng lưu. Cha mẹ của nàng hết sức đầu tư cho việc học của con, họ khuyến khích nàng theo đuổi nghệ thuật. Cuộc sống êm đềm của nàng kết thúc khi người cha bị mất việc hồi năm 1876.

Ngay năm sau, người mẹ rơi vào cảnh liệt giường sau khi trải qua việc sinh nở khó khăn. Lúc này, gia đình nàng rơi vào cảnh túng quẫn. Một người em gái của nàng mắc bệnh, nhưng vì gia đình không có tiền chạy chữa, nên sớm qua đời.

Hai năm sau, cha nàng rời bỏ gia đình, người mẹ bệnh tật cùng với đàn con rơi vào cảnh khốn cùng. Khi trong nhà cạn sạch tiền, các anh chị của Dorothy Dene bắt đầu đi làm trong các nhà máy, công xưởng.

Về phần mình, Dorothy Dene biết bản thân có một diện mạo ưa nhìn, ở tuổi 18, nàng quyết định trở thành người mẫu. Nghề này cho phép nàng có thời gian để chăm sóc mẹ và các em còn nhỏ tuổi, đồng thời mức thù lao cũng không tệ, lại giúp nàng có thêm những mối quan hệ mở ra nhiều cơ hội tốt.

Ngay khi vào nghề, Dene đã được họa sĩ Leighton mời làm người mẫu, khi ấy Leighton đã là một họa sĩ có tiếng ở London. Leighton nổi tiếng hào phóng với các người mẫu và nghệ sĩ trẻ. Suốt thời tuổi trẻ, Leighton theo đuổi một nữ ca sĩ hơn ông 15 tuổi. Leighton tôn thờ vẻ đẹp cổ điển, các tác phẩm của ông đương thời bán chạy và được giá.

Mối quan hệ giữa Leighton và Dene không được biết đến một cách rõ ràng, bởi các thư từ giữa họ về sau đã bị người thân đem đốt, nhưng có một điều chắc chắn, Dene đã trở thành nàng thơ quan trọng trong nguồn cảm hứng hội họa của Leighton.

Ông hỗ trợ cô theo đuổi sự nghiệp diễn xuất và chu cấp tiền cho gia đình cô thoát khỏi cảnh bần cùng. Sau Dorothy Dene, những người em gái của nàng cũng nối gót chị trở thành người mẫu cho họa sĩ Leighton, rồi họ cũng trở thành diễn viên kịch và bắt đầu có những mối quan hệ để tự lực cánh sinh.

Về phần họa sĩ Leighton, ông qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi 65 hồi năm 1896. Trong bức họa cuối cùng của mình, ông khắc họa nàng Dene trong hình ảnh tiên nữ Clytie của thần thoại Hy Lạp. Ba năm sau khi họa sĩ Leighton qua đời, nàng Dene cũng ra đi ở tuổi 39. Cho tới hôm nay, nàng vẫn tiếp tục mê hoặc công chúng qua bức Tháng 6 cháy bỏng.

Theo www.theguardian.com