Tết Trung thu ở Hội An được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
(Dân trí) - Tối 28/9, UBND TP Hội An, Quảng Nam tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu.
Đây được xem là danh hiệu khẳng định những giá trị mà Tết Trung thu mang lại trong đời sống của người dân địa phương, là cơ hội để các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.
Tết Trung thu ở Hội An là một trong những lễ hội lớn trong năm của cộng đồng cư dân, được hình thành trên cơ sở truyền thống bản địa, giao thoa văn hóa với các nước trong khu vực và luôn được cộng đồng cư dân Hội An duy trì, gìn giữ, tổ chức hàng năm.
Đây là lễ hội truyền thống hấp dẫn, sôi động bởi giàu giá trị văn hóa, tín ngưỡng, gắn với loại hình diễn xướng dân gian độc đáo múa Thiên Cẩu riêng có tại Hội An từ xưa đến nay.
Tết Trung thu không chỉ là di sản văn hóa thu hút sự quan tâm, thực hành của người lớn mà còn là một lễ hội lớn của trẻ em diễn ra trên địa bàn TP Hội An mỗi dịp rằm tháng Tám âm lịch.
Qua thời gian, những tập tục, lễ nghi trong Tết Trung thu ở Hội An luôn được các thế hệ vun đắp, tô bồi yếu tố mới nhưng vẫn bảo tồn, gìn giữ được giá trị đặc trưng, độc đáo.
Đến nay, Tết Trung thu ở Hội An là một trong những tập tục, lễ hội truyền thống lớn, luôn được cộng đồng cư dân Hội An nâng niu, phát huy trở thành tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp, là "phần hồn" không thể tách rời của đô thị di sản, góp phần tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của Đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới.
Với những giá trị đặc trưng đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành quyết định danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia "Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An, Quảng Nam".
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho biết tỉnh có thêm một di sản mới mang tầm quốc gia từ những nỗ lực xuyên suốt của chính quyền, nhân dân TP Hội An chung tay bảo vệ, gìn giữ, đến nay, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An.
"Chúng ta đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Tết Trung thu ở Hội An trong niềm phấn khởi, tự hào nhưng đi cùng với đó là trọng trách to lớn đặt ra cho các cấp, các ngành từ tỉnh đến TP Hội An phải quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị vốn có của di sản", Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Du khách thả hoa đăng, đón trung thu đặc biệt tại phố cổ Hội An
Hàng nghìn du khách đổ về phố cổ Hội An vui chơi, không khí năm nay càng thêm hân hoan, rộn ràng khi Tết Trung thu Hội An được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Đêm 28/9 (tức 14 âm lịch), đông đảo du khách đã đổ về Hội An vui chơi. Đón mừng trung thu, năm nay thành phố đã tổ chức nhiều chương trình hấp dẫn để "chiêu đãi" người dân và du khách như tái hiện Đêm phố cổ thế kỷ XX, các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa truyền thống…
Vào trung thu, khắp các ngõ ngách Hội An khoác lên mình chiếc áo sặc sỡ của ánh đèn lồng trong nhiều hình dáng, dòng sông Hoài được tô điểm bởi đèn hoa ước nguyện, nhịp bài chòi từng tiếng giục giã khách tứ phương trẩy hội.
Khi đó, các phương tiện giao thông đều bị cấm và các con phố chỉ dành cho người đi bộ. Dòng người nô nức đổ ra khắp phố, các cửa hàng trang trí lung linh hơn, các em thiếu nhi miệng cười tung tăng trong các bộ đồ đẹp mắt, tay trong tay chiếc đèn nhỏ đủ sắc màu.
Trung thu Hội An còn có những bàn tiệc trà nhỏ nhắn với chén chè xanh đậm đà, dĩa bánh nướng đặc trưng địa phương để cả nhà cùng quây quần thưởng thức. Hội An của đêm rằm tháng 8 đưa du khách trở về những giây phút xa xưa bình dị, nguyên sơ.
Chị Lê Thị Hoa (du khách đến từ TPHCM) hào hứng chia sẻ: "Năm nay tôi cùng gia đình đón trung thu tại Hội An, rất đặc biệt và mới lạ. Được đi dạo dưới con đường rợp ánh đèn lồng đủ sắc màu, ngắm nhìn dòng sông Hoài lung linh hoa đăng, tiếng trống lân rộn ràng khắp nơi… như lạc vào miền cổ tích vậy, không nơi nào có được".
Cũng như các lễ hội dân gian khác, Tết Trung thu tại Hội An có sự giao thoa, tiếp biến giữa văn hóa bản địa truyền thống với văn hóa bên ngoài do lịch sử từng là thương cảng quốc tế, nên có nhiều giá trị đặc biệt riêng có. Trong quá trình ấy, người Hội An đã chọn lọc các giá trị tinh hoa, sáng tạo phù hợp và tích hợp thành nét riêng biệt vốn chỉ có tại Hội An.
Tết Trung thu ở Hội An thể hiện các giá trị tâm linh, tín ngưỡng, sự quan tâm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của cả cộng đồng dân cư nơi đây.