Kỳ 1:

Tết ở khu Ông Tạ thuở ấy

Hương Hồ

(Dân trí) - Đã thành thói quen từ năm 1954, trên vùng đất, quê hương mới của bao thế hệ Ông Tạ, từ trung tuần tháng Chạp, những sạp lá dong, khuôn gỗ gói bánh chưng lại được bày xung quanh trường Tân Bình.

Từ sáng sớm, đã thấy dưa hành, kẹo lạc Quế Hương, giò chả Ông Tạ… bày dọc các cung đường, lối ngõ khu Ông Tạ. Quá nửa đêm, hai cửa hàng Tơ Hồng (tiệm ảnh Á Đông cũ), Ngọc Vân ngay ngã ba Ông Tạ vẫn giăng đèn kết hoa rực rỡ; chợ lá dong trước trường Tân Bình thì chong đèn suốt đêm.

Không chỉ vậy, mấy chục "shop" lá dong vỉa hè vẫn ngồn ngộn lá trải dài từ hai bên cầu Ông Tạ ra đến ngã ba. Nửa đêm, trên đường Phạm Văn Hai, tiệm Hồng Thắm thuở nào, xéo chợ Ông Tạ cũ, với bột sắn, trà Bắc, thuốc lào 888… vẫn mở đèn bán Tết. Như hồi chợ vẫn còn, trước năm 1989…

Thoáng bùi ngùi một thuở, khi chợ Ông Tạ chưa dời về chợ Phạm Văn Hai hiện nay; khi cầu Ông Tạ chưa bị phá bỏ năm 1999 để làm hai cầu mới hai bên mang tên số 2, 3 mà tới giờ, gần hai mươi năm rồi nhiều người vẫn chưa thuộc tên cầu…

Trước năm 1975, từ 23 Tết, con đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), đoạn từ ngõ Cổng Bom (nay là hẻm chùa Khuông Việt, 202 Phạm Văn Hai), cổng ấp Hàng Dầu (nay là đường Lưu Nhân Chú) đến ngã ba Ông Tạ đã bị đóng mấy thanh gỗ ngang ngăn xe cộ qua lại, tạo thành một cái chợ ngay trên mặt đường. Nhà lồng chợ Ông Tạ cũ (nay là đường vào trường tiểu học Phạm Văn Hai) không còn chứa nổi sức mua bán, hàng hóa Tết ê hề của khu Ông Tạ.

Tết ở khu Ông Tạ thuở ấy - 1

Chợ Tết Ông Tạ trước năm 1975 họp cả trên đường. Ảnh đường Thoại Ngọc Hầu, nay là Phạm Văn Hai, giáp Tết Mậu Thân 1968 (Ảnh: Harold Boehlert).

Xe cộ qua lại buộc phải đi ngõ Con Mắt (nay là 766 Cách Mạng Tháng Tám), ngõ Cổng Bom… lúc ấy còn rộng, hai xe cam-nhông (camion) qua lại thoải mái, không chật chội, ứ hự như bây giờ.

Không chỉ giò chả, những mặt hàng hầu như chỉ làm và bán dịp Tết mà nhiều gia đình khu Ông Tạ coi là món Tết không thể thiếu như kẹo lạc, "thèo lèo cứt chuột"… cũng được hàng chục lò cho ra hàng tấn mỗi ngày. Nghĩa Hòa có một loạt lò kẹo ông Xót, ông bà chánh Chuyên, lò chú Thi, lò chú Xuyên… Đặc biệt là hai lò Hòa Thành, Thủ Đô với hai anh em ông Hòa, ông Thủ làm chủ. Nam Thái có lò Quế Hương cho tới giờ vẫn bọc kẹo vuông vức thành từng ký.

Lò Quế Hương gốc trong hẻm bánh mì Nam Thành Phong, gần nhà thờ Nam Thái; miếng kẹo giòn thanh, để cả tháng vẫn giòn tan… tới giờ vẫn là mặt hàng kẹo lạc chủ yếu ở Ông Tạ. Lò nào cũng đầy thợ và… trẻ con. Đám trẻ con vừa coi vừa chực ăn mấy rìa kẹo chủ lò dúi cho.

Hàng chục tiệm bánh kẹo, tạp hóa lớn nhỏ dọc đường Thoại Ngọc Hầu khu ngã ba Ông Tạ như Quang Minh, Tiến Thành, Lan Hương…, không tiệm nào không bày bán kẹo lạc, bánh xu xê, bánh in… Rồi ngồn ngộn măng khô, bóng bì, trà B'lao… từ Gia Kiệm, Long Khánh, Bảo Lộc đưa về. Rồi bột sắn, miến dong có nhà tự mua hàng tấn sắn dây, củ dong… về ngâm, làm suốt ngày đêm cho kịp chợ Tết. Gạo nếp, đậu xanh từ miệt Bà Quẹo, miền Tây đưa lên để nấu xôi, làm bánh chưng… vun đầy các cửa hàng. Xe chở gạo đậu ở ngã ba, thợ vác hàng tấn đi thoăn thoắt hoặc kéo xe kéo, đẩy xe ba gác bỏ mối cho các sạp. Gà vịt trong từng bu (lồng) tre đan chen chật đường vô hẻm Gà…

Bên ngoài khu ngã ba Ông Tạ, cơ man hàng hoa, chợ hoa, chợ lá dong, quầy dưa hấu trải suốt từ hồ tắm Cộng Hòa đến nhà sách Ngọc Lan, gần đầu đường Thánh Mẫu (nay là đường Bành Văn Trân). Hàng hoa từ Hóc Môn, Bà Điểm đưa xuống. Hàng củ quả như su hào, súp lơ... từ Hố Nai đưa lên. Xe tải đổ hàng liên tục, vun hàng đống hai bên đường…

Tết ở khu Ông Tạ thuở ấy - 2

Chợ lá dong ở ngã ba Ông Tạ đã hoạt động hơn sáu mươi năm nay (Ảnh: Cù Mai Công).

Những con hẻm thông từ ngõ Con Mắt, đường Thánh Mẫu ra Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám)… người người qua lại tấp nập suốt ngày đêm. Học trò đi học qua cũng vui tươi chen lấn - trẻ con nào không thích đông vui, trẻ con Bắc càng vui sướng lắm. Tôi và chúng bạn ngồi học chỉ mong về, ra chợ Tết chơi, lượm cọng lá dong làm súng, làm gươm. Cha mẹ thấy con vắng là biết chúng đi đâu, làm gì. Đang tối mày tối mặt làm, buôn bán hàng Tết không ngơi tay ngớt miệng nên cũng chẳng buồn gọi về…

Những đêm cuối năm ấy, không biết bao nhiêu nồi bánh chưng sôi sùng sục khắp đường ngang ngõ tắt, hẻm hóc khu Ông Tạ. Nhà nào cũng con đàn cháu đống. Để nhà ăn, biếu hàng xóm, láng giềng và đặc biệt bà con, làng mạc cùng quê Bắc xưa, anh em, họ hàng vốn sống quần tụ quanh đấy, gần đấy - khi vào Nam, nhiều nhà đi gần cả làng, cả họ, cả nhà. Những chiếc bánh chưng được gói chăm chút. Cả nhà xúm vào làm. Riêng gói bánh, cột bánh thường là chuyện của đàn ông thanh niên khỏe tay để bánh chắc. Trẻ con bu quanh cũng được ông bà, cha mẹ gói cho những chiếc bánh tí hon để chúng có phần Tết đem khoe chúng bạn, khỏi quẩn chân.

Anh Nguyễn Ninh, một dân Ông Tạ quả quyết: "Bánh chưng Ông Tạ ngon không đâu bằng. Mở chiếc bánh ra: nếp, đậu, thịt thơm phưng phức - đúng hương vị Bắc mang từ quê nhà, không lẫn vào đâu được. Màu lá dong xanh biếc trong những cọng lạt mềm buộc chặt". Lạt phải chẻ thật mỏng, ngâm nước, buộc mới chặt tay. Đêm 30, cứ cách vài nhà lại có một nồi bánh chưng đầu nhà cuối sân. Chuyện canh nồi bánh thường của nam thanh nữ tú, trải chiếu ngồi, nằm canh; chuyện trò, chọc phá nhau ran như pháo Tết. Tình làng nghĩa xóm quyện bay trong khói nồi bánh chưng đêm se lạnh cuối năm, trong tiếng pháo lẻ của trẻ con không biết nhà nào đốt trong xóm…

"Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui", đông đủ; tứ xứ vùng miền mà như một nhà.

Theo "Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó"

NXB First News