Tất cả những điều vô lý trong âm nhạc hóa ra… thật có lý

(Dân trí) - Đôi khi, bạn lắng nghe một ca khúc nào đó và mãi vẫn không hiểu ẩn ý của tác giả là gì khi viết nên những ca từ ấy, có người đã nhẫn nại liên hệ với các nhạc sĩ để tìm hiểu ý nghĩa đằng sau những lời hát đầy… “thách đố”.

Có hai cha con đã dành ra cả một thập kỷ để tìm hiểu về những điều khó hiểu trong ca từ của nhiều ca khúc, họ viết thư gửi tới các ngôi sao ca nhạc và kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời, sự giải thích... Điều thú vị là nhiều ngôi sao ca nhạc đã sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của hai cha con và lý giải một cách thông minh, lý thú bất ngờ.

Câu chuyện dưới đây xoay quanh hai cha con ông Derek và Dave Philpott, đến từ nước Anh, họ đã dành ra một thập kỷ để viết thư cho những ngôi sao ca nhạc, những ban nhạc nổi tiếng tại Anh trong khoảng thời gian từ thập niên 1960 đến 1990.

Hai cha con nhà Philpott đã viết những lá thư có phần hài hước để “chất vấn” ý nghĩa ca từ trong các ca khúc đình đám. Tất cả những thư từ hỏi đáp ấy đã được cha con nhà Philpott tổng hợp xuất bản thành một cuốn sách có tên “Dear Mr Pop Star” (Chào quý ngôi sao).

Để thực hiện được loạt thư từ này, cha con ông Philpott đã phải tận dụng tất cả những mối quan hệ mà họ có, chẳng hạn như những fan có mối quan hệ thân thiết với thần tượng ca nhạc, những người làm việc trong giới showbiz, hay sự hỗ trợ của những người có mối quan hệ “dắt dây”, để sau cùng họ có thể liên lạc được với ngôi sao và được “ưu ái” nhận thư trả lời.

Khi một ca khúc ra mắt công chúng, khán giả sẽ là người có quyền suy tưởng ý nghĩa ca từ theo cách mình muốn, nhưng nếu để những nghệ sĩ lý giải những điều khó hiểu trong ca từ, họ sẽ nói gì. Đó chính là ý tưởng khởi nguồn trong hoạt động thú vị và kỳ công mà cha con ông Philpott theo đuổi.

Ca khúc “Walking on Sunshine” của nhóm Katrina & The Waves

Katrina & The Waves - Walking On Sunshine

Hai cha con ông Philpott đã hỏi nhóm Katrina & The Waves về khả năng để con người có thể bước đi trên ánh nắng mặt trời theo ý nghĩa tiêu đề bài hát “Walking on Sunshine”, hay cách để một người có thể tự “níu mình xuống” như trong câu hát “Now every time I go for the mailbox, gotta hold myself down” (Giờ mỗi khi tôi muốn đi ra hòm thư, tôi sẽ tự níu mình xuống).

Ngoài ra, nếu cứ trì hoãn không đi ra hòm thư vì sợ phải thất vọng không nhận được thư của “người thương”, thì với những thư từ quan trọng khác, phải làm thế nào... Đáp lại “câu hỏi khó” này của cha con ông Philpott, nhóm Katrina & The Waves từng viết thư trả lời:

“Cách để níu mình xuống: Để tay trái tóm chân trái, để tay phải tóm chân phải. Ngoài ra, để nhìn qua là biết có những gì bên trong hòm thư, hãy lắp một hòm thư bằng kính. Cách để bước đi trên mặt trời: Bề mặt mặt trời có nhiệt độ vào khoảng 6.000 độ C, nên để bước đi trên ánh nắng mặt trời, bạn cần có một đôi giày cách nhiệt tốt và chỉ nên bước đi trong thời gian ngắn.

“Đó là lý do tại sao trong bài hát, có nhiều lần chúng tôi hát “Oh Oh”. Chúng tôi không khuyến khích các fan thử nghiệm bước đi trên mặt trời nên đã có một phần lời cảnh báo về điều này, nhưng sau cùng, chúng tôi quyết định loại bỏ phần lời này, nguyên văn như sau:

“Hãy nghe này các khán giả, đừng thử nghiệm điều này ở nhà, bởi mặt trời sức nóng nung da, 93 triệu dặm là quãng đường xa, nhưng 33 năm nữa ta sẽ tiến xa, đi lên mặt trời bằng xe buýt ha?!

“Yêu thương, gửi tới từ thành viên Kimberley Rew của nhóm Katrina & The Waves”.

Ca khúc “Dancing in the Moonlight” của nhóm Toploader

Toploader - Dancing in the Moonlight

Cha con ông Philpott hỏi nhóm Toploader về tính an toàn của việc “nhảy múa trong ánh trăng” (ý nghĩa tên ca khúc), ngoài ra, tại sao đã có ánh trăng rồi, nhưng những người tham gia vũ điệu lại có thể “biến mất” như trong câu hát “Everybody here is out of sight”.

Đáp lại câu hỏi này, thành viên Rob Green của nhóm Toploader đã nhấn mạnh rằng việc “nhảy múa trong ánh trăng” cần phải được thực hiện một cách đầy cân nhắc, để tránh việc bị trượt ngã. “Những hành động phấn khích bất thường có thể chấp nhận được, nếu người thực hiện quan sát xung quanh một cách cẩn thận”.

Đó cũng là lý do tại sao trong bài hát có nhiều lần lặp lại câu “khi mặt trăng to và sáng” như một cách nhắn nhủ về… điều kiện phù hợp cho hoạt động “nhảy múa trong ánh trăng”. Về câu hát “mọi người ở đây đều biến mất”, ấy là do… vấn đề năng lực thị giác của ca sĩ.

“Về những ý nghĩa nào khác mà hai cha con có thể muốn biết trong tương lai, tôi xin khẳng định trước rằng chúng tôi không chịu trách nhiệm về những bữa tiệc nhảy múa trong ánh trăng, nếu điều này dẫn tới những sự cố ngoài ý muốn”, thành viên Rob Green “đáp xoay” sau khi nhận thư “hỏi xoáy” của cha con Philpott.

Ca khúc “Fog on the Tyne” của nhóm Lindisfarne

Lindisfarne - Fog on the Tyne

Cha con nhà Philpott hỏi nhóm Lindisfarne về ca từ trong ca khúc “Fog on the Tyne” khi trong bài hát có rất nhiều lần lặp lại câu hát “sương mù trên sông Tyne tất cả là của tôi” (The fog on the Tyne is all mine).

Ngoài ra, ca khúc còn đề cập tới chuyện tận hưởng những buổi tối “nhậu nhẹt” bên bạn bè đến mức trở nên phóng túng và có một vài hành động mà khi tỉnh táo hẳn nhiều người sẽ không làm, vậy một ca khúc để công chúng nghe mà lại đề cập đến những việc như vậy thì... phải tính sao, nếu khán giả gặp rắc rối vì làm theo.

Đáp lại cha con nhà Philpott, nhóm Lindisfarne giải thích rằng, ca khúc “Fog on the Tyne” là do thành viên Alan Hull (1945-1995) sáng tác, anh là một người con của thành phố Newcastle upon Tyne, nơi có con sông Tyne chảy qua. Và quả thực tất cả sương mù trên con sông này thuộc về... Alan Hull.

Nguyên nhân là bởi hồi năm 2012, để tưởng nhớ Alan Hull - người nghệ sĩ sinh ra ở Newcastle upon Tyne, một tấm biển đã được dựng lên bên ngoài tòa thị chính thành phố, trên đó, người ta đề rằng “tất cả sương mù trên sông Tyne là của Alan Hull” như một cách để nhớ về ca khúc “Fog on the Tyne” mà nam nghệ sĩ từng sáng tác lúc sinh thời.

Như vậy, câu hát “sương mù trên sông Tyne tất cả là của tôi” là... hợp lý. Về vấn đề hành xử sau khi đã có “chất cồn”, nhóm Lindisfarne tin rằng ai cũng từng có những ký ức “xấu hổ muốn độn thổ” ở một thời tuổi trẻ, khi còn chưa biết cách tự kiềm chế mình, và vì vậy, Lindisfarne khuyên các khán giả hãy uống một cách có trách nhiệm, để tất cả đều có thể trở về nhà một cách an toàn.

Ca khúc “Head over Heels” của nhóm Tears For Fears

Tears For Fears - Head Over Heels

Ca khúc “Head over Heels” kể về một chàng trai “mê mệt” một cô gái nhưng lại quá lúng túng và bất lực trong cách bày tỏ, anh không thể có được tình cảm của cô. Chàng trai cố gắng được ở riêng bên cô gái, nhưng rồi lại chỉ biết nói về... thời tiết và cuối cùng câu chuyện chẳng đi đến đâu.

Sau cùng, chàng trai đau khổ với mối tình đơn phương của mình, đau khổ với sự trưởng thành đầy rẫy khó khăn. Cha con ông Philpott đã viết thư cho nhóm Tears For Fears với những lời chia sẻ rằng một chàng trai mà chỉ biết nói với cô gái mình thích về... thời tiết thì hẳn là “ngốc”.

Dựa trên những ca từ đau khổ, có phần mất phương hướng, họ thực sự muốn gặp những thành viên của nhóm Tears For Fears để nói về... bóng đá, bởi tin rằng khi ấy, mọi chuyện sẽ trở nên vui vẻ, dễ thở hơn.

Đáp lại điều này, thành viên Roland Orzabal - người sáng tác ca khúc - đã chia sẻ câu chuyện có thật đằng sau ca khúc “Head over Heels”. Ca khúc được viết từ lâu, từ khi Orzabal còn đem lòng yêu một cô gái tham gia dẫn chương trình dành cho thiếu nhi.

Nhiệm vụ của cô gái này là trình bày bản tin thời tiết cho các em nhỏ. Thời ấy mọi việc vẫn còn rất đơn sơ, cô gái chỉ có một tấm bảng bọc da dán bản đồ và một thanh kim loại để chỉ lên tấm bảng. Orzabal ngưỡng mộ cô gái xinh đẹp, thông minh đó, nhưng cô thật khó tiếp cận. Khi có cơ hội làm quen, Orzabal đã nói về thời tiết bởi cho rằng đó là chủ đề phù hợp.

Bối cảnh của cuộc trò chuyện này là trong phòng thay đồ, nơi cô gái đang chuẩn bị... thay đồ. Câu hát “you keep your distance with a system of touch” (em giữ khoảng cách bằng một cú chạm cứng nhắc), trong thực tế, cô gái đã dùng thanh kim loại chỉ bản đồ để chọc vào người Orzabal đến mức bây giờ ông vẫn còn... sẹo.

Cô gái đã đẩy nhanh Orzabal ra khỏi phòng thay đồ tới mức khi ấy, ông từng bị vấp và ngã lộn cổ trong hành lang, nên tên bài hát “Head over Heels” không chỉ nói về sự mê say mà còn nói về cú ngã lộn cổ có thật của Orzabal.

Orzabal cảm thấy vừa xấu hổ vừa bực dọc nên đã... trả thù và lén lấy đi tấm bảng da có dán bản đồ của cô gái rồi đốt cháy nó và đó là lý do có câu hát “I made a fire and watching it burn” (anh đốt lửa và nhìn nó bùng cháy).

Nhưng không ngờ, sự cố đó lại khiến cô gái thay vì chỉ dẫn phần tin thời tiết lại được “đôn” lên và trở thành người dẫn chính, rồi dần dần được mời dẫn cả các chương trình khác. Thực tế, giữa Orzabal và cô gái chưa từng có phút giây tình cảm nào, nhưng ông biết hành động bồng bột của mình đã vô tình giúp cô gái tỏa sáng hơn.

Điều này khiến Orzabal tự coi mình là “cỏ ba lá” may mắn của cô gái. Cho tới giờ nhìn lại, Orzabal vẫn thấy đây là một câu chuyện ngộ nghĩnh vui vẻ, chứ không hề đau khổ, buồn bã gì.

Bích ngọc

Theo Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm