Kỷ niệm 20 năm ngày phim ra mắt:
“Tâm trạng khi yêu” từng khiến thế giới sửng sốt về tình yêu kiểu Á Đông
(Dân trí) - 20 năm trước, “Tâm trạng khi yêu” công chiếu tại LHP Cannes. So với giá trị nghệ thuật của phim, việc “Tâm trạng khi yêu” lúc ấy chỉ giành về giải Nam chính xuất sắc là khá “thiệt thòi” cho phim.
Năm nay, ban tổ chức LHP Cannes đã định dành một sự “bù đắp” đặc biệt cho “Tâm trạng khi yêu”, bằng việc chiếu lại bộ phim với chất lượng hình ảnh vượt trội và mời đạo diễn Vương Gia Vệ tới dự liên hoan, nhưng kế hoạch bất thành bởi dịch Covid-19 khiến liên hoan phim năm nay bị hủy.
Vậy là mối duyên giữa “Tâm trạng khi yêu” và LHP Cannes (Pháp) khá... lận đận, long đong, cũng khó khăn như mối tình của hai nhân vật trong phim: Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân.
20 năm trước, “In the Mood for Love” (Tâm trạng khi yêu) của đạo diễn Vương Gia Vệ công chiếu tại LHP Cannes. Đó là ngày 20/5/2000. Bộ phim được đề cử ở hạng mục Cành Cọ Vàng và sau đó đã đem về cho Lương Triều Vỹ giải Nam chính xuất sắc.
Để kỷ niệm 20 năm ngày bộ phim ra mắt, ban tổ chức LHP Cannes năm 2020 đã dự định sẽ chiếu lại bộ phim này và mời đạo diễn Vương Gia Vệ tới dự liên hoan để tham gia những cuộc hội đàm. Nhưng như chúng ta đã biết, dịch bệnh Covid-19 khiến liên hoan năm nay không thể diễn ra.
Trước đó, ban tổ chức đã phục dựng xong bộ phim lên mức độ chất lượng hình ảnh cao cấp, với mục đích để người xem được thấy hết ý đồ nghệ thuật trong những thước phim đầy tính thẩm mỹ của “Tâm trạng khi yêu”.
LHP Cannes năm 2000, giải Cành Cọ Vàng được trao cho bộ phim ca nhạc của đạo diễn người Đan Mạch Lars von Trier - phim “Dancer in the Dark” với diễn xuất chính của nữ ca sĩ - diễn viên người Iceland - Björk, về sau, cô còn được nhận giải Nữ chính xuất sắc nhất.
20 năm là một chặng đường dài, là sự thử thách vượt trên cả những đánh giá của giới chuyên môn và công chúng, để cho thấy một tác phẩm nghệ thuật có chứa đựng những giá trị đủ sức đương đầu với sự quên lãng của thời gian hay không. “Tâm trạng khi yêu” đã có một chặng hành trình rất đặc biệt. Càng về sau, phim càng được yêu thích và đánh giá cao.
Thật khó tin khi bộ phim này không được trao giải Cành Cọ Vàng, hay ít ra là giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cannes năm ấy. Vậy nhưng 20 năm sau, LHP Cannes đã phải lên kế hoạch kỷ niệm ngày bộ phim công chiếu tại Cannes.
Trong 20 năm qua, “Tâm trạng khi yêu” đã cùng với thời gian chinh phục giới chuyên môn và người yêu điện ảnh trên khắp thế giới, đến mức phim được xem như một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Châu Á. Phim thường xuyên xuất hiện trong danh sách những phim hay nhất mọi thời đại và là phim đáng kể hàng đầu của điện ảnh Châu Á.
Trong một cuộc khảo sát quy mô được tiến hành hồi năm 2016 đối với 177 nhà phê bình điện ảnh đến từ nhiều quốc gia, phim đã đứng vị trí thứ 2 trong danh sách những phim hay nhất thế kỷ 21.
Lấy bối cảnh Hong Kong thập niên 1960, “Tâm trạng khi yêu” kể câu chuyện về Châu Mộ Văn (Lương Triều Vỹ) và Tô Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc), họ sống trong cùng một khu nhà trọ, quan sát nhau, hai người nhanh chóng nhận ra rằng người bạn đời của mình đang ngoại tình với người bạn đời của người kia.
Bộ phim bắt đầu bằng cảnh Tô Lệ Trân và Châu Mộ Văn chuyển tới căn hộ mới thuê ở ngay gần nhau, cả hai người đều bận rộn với việc chuyển nhà và chẳng thấy sự hiện diện của người bạn đời ở bên đỡ đần lúc bận rộn ấy. Khu nhà trọ họ chuyển tới khá đông đúc, chật chội, một nơi không dễ để giấu những chuyện riêng tư.
Cách ống kính máy quay di chuyển trong phim là cả một đề tài đặc sắc. Có lúc ống kính lia ra xa như thể góc nhìn của một người hàng xóm hay tò mò, thích lắm điều, đang quan sát, soi mói cuộc sống của hai nhân vật chính.
Máy quay cũng luôn để vợ của Châu Mộ Văn và chồng của Tô Lệ Trân “vắng mặt”, ngay cả trong những cảnh phim có sự hiện diện của họ, thì thường chỉ có giọng nói vang lên, hoặc góc quay từ sau lưng, không bao giờ quay trực diện hai nhân vật phụ này.
Đơn giản bởi chuyện tình giữa hai nhân vật “ẩn diện” này hoàn toàn không có gì đặc biệt để khai thác, trong khi đó, sự lặng lẽ và kiềm chế của Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân khiến họ trở nên đẹp đẽ.
Cuộc tình của Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân chịu quá nhiều rào cản, đến từ cả ngoại cảnh và nội tâm. Trong các khuôn hình, người xem thấy có quá nhiều sự hiện hữu của những bức tường rắn chắc. Những mảng tường có khi chiếm tới 1/3 hay 1/2 khuôn hình.
Những bức tường của lối cầu thang hẹp đi chung đẩy họ lại gần nhau, còn những bức tường của căn hộ riêng nhỏ hẹp tạo nên sự bức bối, ngột ngạt, sự ngăn cách rõ ràng. Những bức tường san sát trong khuôn hình khiến hai người như không còn khoảng trống dễ thở cho riêng mình, cho những bí mật của mình trong một khu nhà trọ đông đúc, chật chội.
Từng khuôn hình trong “Tâm trạng khi yêu” đều được thực hiện theo phong cách “khuôn lồng khuôn”, nghĩa là trong mỗi cảnh phim, các nhân vật đều xuất hiện không chỉ trong khuôn hình màn ảnh mà còn trong những khuôn hình linh động của cảnh vật trong phim, như bên trong một ô cửa hay bên cạnh một bức tường.
Cách quay này ngầm đưa ra thông điệp rằng tình yêu và khát vọng đều phải diễn ra thuận theo những quan niệm xã hội, sẽ luôn chịu sự quan sát, đánh giá, nhiều khi đến mức nghẹt thở của người xung quanh.
Màu sắc sử dụng trong phim cũng mang hàm ý. Mặc dù hai nhân vật luôn tỏ ra bình thản, làm chủ cảm xúc, nội tâm và hành động của mình, nhưng từng khuôn hình lại sử dụng những gam màu mạnh, với đỏ, vàng, nâu, bóng tối rất đậm… cho thấy sự dữ dội mà cả hai đều cố kìm lại và che giấu.
Việc cả hai nhân vật chính cùng chủ động che giấu cảm xúc của mình trước người kia, khiến người xem càng cảm thấy sự bức bối, dồn nén. Tình yêu giữa Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân đến từ hai phía, nhưng cả hai đều không hồi đáp.
Châu Mộ Văn là một nhà báo, một biên tập viên. Tô Lệ Trân là một nữ thư ký có chồng luôn đi công tác xa. Vợ của Châu Mộ Văn cũng hay vắng nhà, lấy cớ là phải dành nhiều thời gian chăm sóc mẹ già hay đau ốm, anh theo tin lời giải thích của vợ.
Chính Tô Lệ Trân đã là người chủ động đề cập về việc chồng của cô và vợ của Châu Mộ Văn đang ngoại tình với nhau, thực tế, trước đó một thời gian, cả hai người đều đã phát hiện ra, họ đều đau đớn, bẽ bàng đã một thời gian. Họ quyết định chia sẻ thẳng với nhau chẳng phải để làm um lên dằn mặt hay quyết dập tắt mối quan hệ ngoài luồng.
Họ quá tự trọng và quá nhẹ nhàng để có thể làm được những việc đòi hỏi sự dữ dội ấy, họ tìm đến nhau để cùng chia sẻ một nỗi đau, giúp nhau khuây khỏa bớt nỗi buồn, sự cô đơn.
Hai người dần tìm đến nhau nhiều hơn, họ chơi trò… đóng kịch, họ nhập vai người bạn đời của mình và diễn xuất dựa trên những hình dung về cách hai người bạn đời của họ đã làm quen với nhau rồi đi tới ngoại tình như thế nào. Trong lúc gặp gỡ, trò chuyện, chơi trò diễn kịch ấy, họ đã... yêu nhau từ lúc nào, và yêu rất chân thành.
Họ nhập vai người bạn đời của mình chân thực đến độ nhiều khi mọi thứ bị mờ nhòa, người xem không còn rõ là họ vẫn đang trong trò chơi đóng kịch, hay đã chuyển sang là chính mình để có thể nói về những tâm tình của mình dành cho người kia.
“Tâm trạng khi yêu” là một bộ phim đẹp xét trên nhiều phương diện, từ âm nhạc, cách quay, diễn xuất... Phim thực sự là “bữa tiệc điện ảnh”. Những cảnh bước đi dưới cơn mưa hay bước đi trên cầu thang trở nên đẹp mê hoặc với cách quay chậm đầy lãng mạn.
Bộ phim tập trung vào những khoảnh khắc như thế: thoáng qua, rất bình thường, là cuộc sống đời thường, nhưng được thi vị hóa qua cách quay chậm, cách tương tác với ánh sáng và âm nhạc, và nhất là nghệ thuật diễn xuất của hai diễn viên chính.
Chỉ một cái nhìn rất nhanh giữa Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân khi hai người tình cờ bước ngang qua nhau cũng đủ thi vị khi được thực hiện bằng cách quay này.
Bộ phim đậm chất thơ và tạo nên bầu không khí thôi miên huyền hoặc đối với người xem, cho thấy những sự chờ đợi và khát khao của hai nhân vật chính, nhưng đồng thời, cũng đưa lại nhận thức khắc nghiệt và đau xót về thời gian đang trôi qua theo nhịp điệu riêng của nó, bất chấp những khoảnh khắc đẹp muốn ngưng đọng của hai người.
Tô Lệ Trân và Châu Mộ Văn chắc chắn đã có “tâm trạng khi yêu”, nhưng họ không ở vào thời điểm và địa điểm phù hợp để có được tình yêu. Trong mỗi lần đối diện, hai người đều dành cho nhau ánh nhìn với đôi mắt mở to cho thấy mình đang bị hấp dẫn, bị lôi cuốn, như tiếng gọi câm lặng đầy khao khát, chỉ để rồi ai lại về nhà nấy, tiếp tục chịu cảnh cô độc, buồn bã.
Trong phim, không có một nụ hôn, không có một cảnh nóng, cả hai cùng kiềm chế dù họ yêu nhau da diết. Cả hai đều âm thầm đồng ý sẽ giữ khoảng cách, sẽ không vượt rào, bởi kỳ thực họ đều không có đủ dũng khí bước đến, đều bị bủa vây bởi những chuẩn mực đạo đức, trong khi đó, thời gian vẫn cứ trôi…
Trời thường hay mưa… Đôi khi hai người dừng lại nói chuyện bên vệ đường chờ mưa ngớt. Họ không để tâm đến việc mình đang ở đâu, cũng không thấy nhàm chán trước những hành động lặp lại. Đơn giản, đối với họ, đó không phải là sự lặp lại, đó là sự bấu víu, nương tựa, đem lại cho nhau cảm giác bình an.
Họ cùng thấu hiểu một bí mật, cùng kìm nén vì sự ngập ngừng, cùng trò chuyện bâng quơ, và mang cùng một tâm trạng, khi đó, không gian thông thường, thái độ bình thường, những câu nói đời thường… đều đã thấm đẫm “tâm trạng khi yêu”.
Bích Ngọc
Theo Forbes