Những khuôn hình điện ảnh tuyệt đẹp để tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ
(Dân trí) - Phụ nữ luôn là câu đố hóc búa đối với nam giới, nhưng nam giới muôn đời vẫn không thể cưỡng nổi vẻ đẹp của sự nữ tính. Điện ảnh hiểu điều ấy và có những bộ phim khai thác triệt để vẻ đẹp nữ giới.
Có nhiều bộ phim điện ảnh sử dụng vẻ đẹp của phụ nữ làm “vũ khí” chủ đạo để đạt được đẳng cấp của một phim điện ảnh chất lượng. Dưới đây là những bộ phim để bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp diện mạo, vẻ đẹp tính cách, cách hành xử, phục trang và xúc cảm... của những người phụ nữ.
Tóm lại, đây là những bộ phim tập trung vào những yếu tố của sự nữ tính. Nội dung phim có thể chạm vào nhiều chủ đề khác nhau, nhưng tựu trung lại các phim này đều có những nữ diễn viên xinh đẹp và những yếu tố nữ tính đẹp đẽ, người xem sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp toát ra từ những khuôn hình đầy tính thẩm mỹ.
“The Double Life of Veronique” (Cuộc đời đôi của Weronika - 1991)
Ai đẹp hơn? Veronique hay Weronika? Dù cả hai nhân vật đều do cùng một nữ diễn viên đảm nhận - Irene Jacob, nhưng câu hỏi này vẫn sẽ ám ảnh người xem. Xem bộ phim này khiến chúng ta có cảm giác như thể nữ diễn viên Irene là người phụ nữ xinh đẹp nhất trên đời, ít nhất là cuộc đời trong thế giới điện ảnh.
Sẽ không quá nếu nhìn nhận rằng Irene đã đóng đinh hình ảnh của mình trong lịch sử điện ảnh khi tham gia diễn xuất trong bộ phim điện ảnh tuyệt đẹp này.
Trong phim, diễn viên đẹp trong mọi khoảnh khắc và vẻ đẹp ấy càng được nhấn mạnh thông qua cách thức dàn dựng của đạo diễn Krzysztof Kieslowski cũng như nghệ thuật quay phim của Slawomir Idziak.
Vẻ đẹp nghệ thuật trong cuộc đời nhân vật được thi vị hóa bằng những bản nhạc do Zbigniew Preisner biên soạn cho phim. Vẻ đẹp của nữ nhân vật trong phim là vẻ đẹp của sự trong sáng, nhân hậu, đáng yêu và nhạy cảm, đối với cả Veronique và Weronika.
Chuyện phim khai thác những chủ đề như tính cách, tình yêu, trực giác của hai nhân vật. Weronika, nữ ca sĩ người Ba Lan hát opera sở hữu giọng soprano còn Véronique, một nữ giáo viên dạy nhạc người Pháp, hai người phụ nữ không quen biết nhau, nhưng họ vẫn chia sẻ một mối liên hệ bí ẩn của xúc cảm, vượt qua yếu tố ngôn ngữ và địa lý.
Bộ phim đã được giới thiệu tại LHP Cannes (Pháp) hồi năm 1991 và đưa về cho nữ diễn viên Irene Jacob giải Nữ chính xuất sắc.
“The Mirror” (Tấm gương - 1975)
Bộ phim nghệ thuật của điện ảnh Nga do đạo diễn Andrei Tarkovsky thực hiện. Đây là một bộ phim mang nhiều tính chất tự truyện, trong phim có những bài thơ được viết và đọc bởi chính cha của đạo diễn - ông Arseny Tarkovsky. Phim còn có sự tham gia diễn xuất của vợ và mẹ của đạo diễn. Chuyện phim xoay quanh những ký ức được hồi tưởng lại bởi một nhà thơ đang trong giai đoạn hấp hối.
Phim có những cảnh xen kẽ giữa những giai đoạn thời gian khác nhau trong cuộc đời của nhà thơ, có những cảnh thật và có những cảnh mơ. Những khuôn hình xen kẽ giữa cảnh phim màu, cảnh phim đen trắng và cảnh phim nâu đen hoài cổ.
Trong phim, đạo diễn Tarkovsky nhấn mạnh vào vẻ đẹp của nữ diễn viên Margarita Terekhova, một phụ nữ trung niên đã là mẹ của hai con nhỏ. Trong bộ phim đậm chất thơ này, những khuôn hình đẹp đẽ và đầy mê hoặc.
Nhịp điệu phim chậm càng làm tăng chất thơ dịu dàng trong phim. Các phim của đạo diễn Tarkovsky luôn đẹp đẽ và đây được xem là bộ phim đẹp nhất, nên thơ nhất, mang nhiều tính thử nghiệm và chứa đựng nhiều ý nghĩa cá nhân đối với ông.
“In the Mood for Love” (Tâm trạng khi yêu - 2000)
Chuyện phim kể về một người đàn ông (Lương Triều Vỹ) và một người phụ nữ (Trương Mạn Ngọc), người vợ - người chồng của họ đang ngoại tình với nhau, hai người họ đều biết điều đó, đều cùng đau khổ và rồi cùng có những xúc cảm dành cho nhau.
Bộ phim đã từng được chiếu giới thiệu tại LHP Cannes 2000 và giúp nam diễn viên Lương Triều Vỹ nhận về giải cho Nam chính xuất sắc. Đây được xem là một trong những phim xuất sắc nhất của điện ảnh Châu Á và thường xuất hiện trong danh sách những phim hay nhất của điện ảnh thế giới trong thế kỷ 21.
Điểm nhấn ấn tượng nhất trong phim chính là vẻ đẹp của nữ chính Trương Mạn Ngọc, vẻ duyên dáng của cô trong diện mạo và cử chỉ thực sự quyến rũ người xem. Đạo diễn còn cố ý quay chậm ở những thước phim Trương Mạn Ngọc sóng đôi bên Lương Triều Vỹ hay những phân cảnh cô đi mua đồ ăn.
Biểu cảm gương mặt của cô còn nói lên nhiều điều hơn cả lời thoại. Dáng điệu của cô những khi trong lòng đang thương nhớ thực sự chứa chan cảm xúc.
Thời trang, kiểu tóc, cách trang điểm, biểu cảm gương mặt..., tất cả mọi điều thuộc về Trương Mạn Ngọc trong phim đều quá quyến rũ, mê hoặc người xem, giúp tạo nên một bộ phim đặc biệt đẹp đẽ.
Đạo diễn Vương Gia Vệ đã rất khéo léo trong việc lựa chọn âm nhạc, sử dụng hiệu ứng kỹ xảo, thiết kế màu sắc cho cảnh phim, ngoài ra, nghệ thuật quay phim giúp nhấn mạnh vẻ đẹp của nữ diễn viên đến mức trở nên ám ảnh người xem.
“Under the Skin” (Dưới lớp mặt nạ - 2013)
Bộ phim khoa học viễn tưởng được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Michel Faber ra mắt hồi năm 2000. Trong phim, nữ diễn viên Scarlett Johansson vào vai một sinh vật ngoài hành tinh mang hình hài của một phụ nữ chuyên đi… săn lùng đàn ông.
Bộ phim đã được đạo diễn phát triển kịch bản trong hơn một thập kỷ, chuyện phim chủ yếu khai thác cách nhìn nhận của một người ngoài hành tinh đối với thế giới con người. Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi dành cho diễn xuất của nữ diễn viên Johansson và được nhiều trang tin điện ảnh đưa vào danh sách những phim hay nhất năm 2013.
Scarlett Johansson là một trong những nữ diễn viên đẹp nhất của màn ảnh đương đại. “Under the Skin” được đánh giá là một lựa chọn vì nghệ thuật của Johansson.
Vai diễn này không phải để dành cho số đông và không thể tạo nên một bộ phim ăn khách ngoài phòng vé, nhưng bù lại, khi nhìn lại sự nghiệp diễn xuất của cô, ở khía cạnh phim nghệ thuật, chắc chắn người ta sẽ không quên bộ phim có nhiều triết lý và ý nghĩa này.
Bộ phim còn có thể hiểu theo một cách khác, đó là đạo diễn Jonathan Glazer muốn tạo nên một ẩn dụ, với hàm ý rằng phụ nữ rất xinh đẹp ở bên ngoài và rất “nguy hiểm” ở bên trong, bên ngoài diện mạo kiều diễm không đổi, phụ nữ có thể biến đổi bên trong… rất nhanh chóng.
Trong phim, bên trong diện mạo một người phụ nữ ẩn giấu một sinh vật ngoài hành tinh, cô ta không ngừng quyến rũ những nam giới mà cô ta gặp, rồi đặt họ vào những cái bẫy, và qua chính những sự việc đó, nhân vật nữ trong phim càng thêm hiểu chính mình.
“Melancholia” (Ngày tận thế - 2011)
Bộ phim khoa học viễn tưởng của đạo diễn Lars von Trier xoay quanh hai chị em gái, một trong hai người đang chuẩn bị tổ chức hôn lễ trước khi một tiểu hành tinh va vào trái đất.
“Melancholia” nằm trong bộ ba phim “trầm cảm” của đạo diễn Von Trier, nguyên nhân là bởi ông thực hiện những bộ phim này lấy cảm hứng từ một giai đoạn bất ổn tâm lý của mình. Bộ ba phim gồm “Antichrist” (2009), “Melancholia” (2011) và “Nymphomaniac” (2013).
“Melancholia” từng được công chiếu giới thiệu ở LHP Cannes và nhận được nhiều lời khen ngợi. Nữ chính Kirsten Dunst nhận được giải Nữ chính xuất sắc tại liên hoan. Bộ phim đã lọt vào danh sách bình chọn những phim hay nhất năm 2011 của nhiều tạp chí điện ảnh.
Cách đạo diễn của Lars von Trier và cách quay phim của Manuel Alberto Claro đã giúp nhấn mạnh vẻ đẹp của Kirsten Dunst, dù nhân vật của cô trong phim là một cô gái có những vấn đề tâm lý.
Đạo diễn Von Trier thích thú với những bộ phim có nhân vật bất ổn, trong phim của ông, những góc quay và chuyển động của máy quay luôn phản ánh nội tâm nhân vật, đồng thời gây ảnh hưởng sâu sắc tới cách cảm nhận của người xem.
Dù tâm trạng của người xem khi theo dõi bộ phim này sẽ bị tác động bởi yếu tố “trầm cảm” mà đạo diễn đang muốn khắc họa, nhưng càng bức bối, ngột ngạt trong cảm nhận bao nhiêu, người xem lại càng sửng sốt bởi những khuôn hình đẹp đẽ ngoạn mục bấy nhiêu.
Bích Ngọc
Theo Taste of Cinema