Tại sao việc kiểm soát phim trên OTT nước ngoài còn nhiều lỗ hổng?

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi gần đây nhiều bộ phim phát hành trên dịch vụ OTT nước ngoài có những vi phạm gây ồn ào trong dư luận.

Sự phát triển của thị trường cung cấp dịch vụ OTT (giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng có trả phí trên các nền tảng internet) như: Netflix, iflix, Amazon, Apple TV (Mỹ), WeTV, iQIYI (Trung Quốc), Danet, FPT Play, Galaxy Play (Việt Nam)... đã phần nào đáp ứng được xu hướng nghe nhìn thời hiện đại.

Tuy nhiên, việc quản lý những đơn vị cung cấp dịch vụ này như thế nào để bảo đảm yêu cầu an ninh thông tin truyền thông và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp đang là điều mà nhiều người băn khoăn. Nhất là trong thời gian gần đây, đã xảy ra những vụ việc gây bức xúc dư luận như: phim “Madam Secretary” phát hành trên Netflix chú thích Hội An thành địa danh của Trung Quốc, phim “Lấy danh nghĩa người nhà” phát hành trên FTP Play gây hiểu lầm về hình ảnh đường lưỡi bò… Nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm soát các dịch vụ OTT chưa được chặt chẽ và thiếu giải pháp đồng bộ nên đã để xảy ra tình trạng này.

Tại sao việc kiểm soát phim trên OTT nước ngoài còn nhiều lỗ hổng? - 1
Giao diện Netflix - dịch vụ OTT xuyên biên giới có thị phần lớn tại Việt Nam. (Ảnh chụp từ màn hình)

Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chấn - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) về vấn đề này.

Thời gian gần, một số bộ phim phát hành trên các dịch vụ OTT có nội dung chưa chuẩn xác về chủ quyền - lịch sử hoặc chưa phù hợp với văn hoá và thuần phong mỹ tục Việt Nam gây bức xúc trong dư luận. Với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Cục đã có biện pháp xử lý như thế nào?

Trước hết phải nói, Nghị định 06/2016/NĐ-CP hiện nay vẫn chưa bao quát được hết các dịch vụ OTT nền tảng xuyên biên giới. Đa số họ là doanh nghiệp nước ngoài chưa có đại diện tại Việt Nam, trong khi đó các dịch vụ của họ đều xuất phát ngoài lãnh thổ và thông qua internet mà cung cấp tới người dùng Việt Nam.

Vì thế, khi nhận thấy những dấu hiệu vi phạm của Netflix, Cục đã có các bài viết mang tính cảnh báo trên cổng thông tin của Cục. Ngoài ra, Cục cũng đã báo cáo và tham mưu cho Bộ TT&TT để gửi công văn đến các cơ quan báo chí, hạn chế những bài viết mang tính chất truyền thông cho các OTT nền tảng xuyên biên giới.

Sau đó, Cục cũng đã có công văn gửi cho Netflix chỉ rõ những vi phạm liên quan đến pháp luật hiện hành của Việt Nam như: nội dung xuyên tạc lịch sử (phim tài liệu “Vietnam War”), xuyên tạc chủ quyền Việt Nam (phim điện ảnh “Madam Secretary”), nội dung mô tả hình ảnh bạo lực, sử dụng ma tuý, khiêu dâm (phim điện ảnh, truyền hình “Polar”, “After Porn End”, “365 Days”...). Nội dung các phim này không được biên tập để phù hợp với truyền thống văn hoá, thuần phong mỹ tục Việt Nam; chuyển ngữ tiếng Việt sử dụng từ ngữ thô tục, làm biến tướng sự trong sáng của tiếng Việt; cho phép trẻ em dễ dàng xem các nội dung không phù hợp... Bằng văn bản này, Cục đã yêu cầu phía Netflix chấm dứt hoạt động chuyển ngữ tiếng Việt, gỡ bỏ nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền và những nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung cung cấp đến người dùng Việt Nam. Trong thời gian này, chúng tôi vẫn đang theo dõi các động thái của Netflix.

Về câu chuyện ồn ào liên quan đến bộ phim phát trên FPT mới đây, Cục đã kiểm tra nội dung trên hệ thống PFT nhưng không phát hiện điều mà dư luận phản ánh.

Thực tế, việc kiểm soát các bộ phim, truyền hình thực tế... do dịch vụ OTT cung cấp không thể cứ xảy ra sai phạm mới đưa ra hướng xử lý mà phải có giải pháp kiểm soát mang tính đồng bộ. Vậy những biện pháp mà Cục đang thực hiện là gì?

Thị trường Việt Nam hiện nay có 20 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ OTT. Dịch vụ OTT ở Việt Nam bao gồm kênh truyền hình thiết yếu và kênh dịch vụ theo yêu cầu (chủ yếu là về loại hình phim, truyền hình thực tế...). Đây là loại hình kinh doanh có điều kiện nên doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài phải được sự chấp thuận về chủ trương của Chính phủ. Điều kiện để cung cấp dịch vụ tại Việt Nam là các doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền. Ngoài ra, nội dung trên dịch vụ OTT phải được cơ quan có giấy phép về phát thanh - truyền hình biên tập.

Theo quy định, các kênh truyền hình nước ngoài vào Việt Nam phải lập đại lý để thực hiện các nghĩa vụ về thuế, sau đó họ thông qua các đơn vị báo chí (ví dụ như: VTV, VOV, TTX...) để biên tập nội dung.

Hiện nay, để quản lý về mặt dịch vụ thì Bộ TT&TT đang xây dựng Nghị định 06/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung để trình Chính phủ. Trong đó, quy định các dịch vụ phát thanh - truyền hình trả tiền nền tảng xuyên biên giới cung cấp tới người dùng Việt Nam phải thực hiện theo Nghị định này. Điều này có nghĩa là, khi Nghị định này được ban hành thì các dịch vụ OTT nền tảng xuyên biên giới như: Netflix, Amazon TV, iflix... muốn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam đều phải thực hiện nghĩa vụ làm thủ thục xin cấp giấy phép và thực hiện một số quy định liên quan đến biên tập nội dung.

Nội dung của các bộ phim đều phải tuân thủ theo Luật Báo chí và Luật Điện ảnh. Một bộ phim của dịch vụ OTT muốn được phát hành phải có giấy phép của Bộ VHTT&DL hoặc đã được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình địa phương biên tập.

Khi nghị định này được ban hành thì sẽ bao quát được những vấn đề đó và buộc các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT nền tảng xuyên biên giới phải cam kết tuân thủ theo quy định. Còn trong thời gian chờ Nghị định 06 ban hành thì Cục vẫn tiếp tục đấu tranh và có những biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cục cũng muốn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ OTT nền tảng xuyên biên giới có thời gian để nghiên cứu sâu hơn các quy định của Việt Nam và đưa ra các giải pháp điều chỉnh cho phù hợp.

Riêng việc kiểm soát các bộ phim hoặc chương trình truyền hình được phát hành miễn phí đang bùng nổ trên môi trường mạng được thực hiện ra sao, thưa ông?

Theo Nghị định 06 sửa đổi, các bộ phim hoặc chương trình truyền hình được phát hành miễn phí trên mạng internet sau này nếu muốn phát hành phải có giấy phép. Tức là các mạng xã hội đang phát hành sản phẩm của mình trên môi trường mạng theo hình thức này sẽ phải làm thủ tục xin cấp phép đối với từng bộ phim, chương trình truyền hình...

Ngoài việc, sửa đổi và điều chỉnh Nghị định 06, Cục đã tiến hành khâu thanh tra - kiểm tra các dịch vụ OTT như thế nào?

Khâu thanh tra, kiểm tra được chúng tôi thực hiện định kỳ theo các quy định của pháp luật về thanh tra. Trong quá trình thanh tra thì thấy đa phần các doanh nghiệp trong nước đều tuân thủ các quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc tuân thủ về mặt nội dung các sản phẩm phát hành trên dịch vụ của mình phải đảm bảo về mặt bản quyền và phải được một cơ quan phát thanh - truyền hình biên tập về nội dung. Ngoài quản lý về nội dung, các doanh nghiệp cũng chịu sự quản lý về chất lượng và nghĩa vụ về thuế phí.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.