1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển?

(Dân trí) - Những “Lọ Lem”, “Nàng Bạch Tuyết”, “Nàng tiên cá”, “Nàng công chúa ngủ trong rừng”… bỗng bị đem ra phân tích, mổ xẻ và bị cho là không còn phù hợp với trẻ nhỏ trong đời sống văn hóa đương đại. Liệu có thật như thế, và bạn nghĩ thế nào?

Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển?


Những "Lọ Lem", "Nàng Bạch Tuyết", "Nàng tiên cá", "Nàng công chúa ngủ trong rừng"… bỗng bị đem ra phân tích, mổ xẻ và bị cho là không còn phù hợp với trẻ nhỏ trong đời sống văn hóa đương đại. Liệu có thật như thế, và bạn nghĩ thế nào?


Mới đây, nữ diễn viên Keira Knightley đã chia sẻ rằng cô không cho con gái xem hai bộ phim hoạt hình là "Lọ Lem" và "Nàng tiên cá", bởi theo Keira, "Lọ Lem" nói về một cô gái chờ đợi chàng hoàng tử giàu có tới giải cứu cho cuộc đời khốn khổ của mình, nhưng Keira muốn con gái cô lớn lên với suy nghĩ rằng tự mình phải giải cứu cho mình trước tiên, không phải chờ vào một người đàn ông nào đó.

Với phim "Nàng tiên cá", Keira cho rằng việc nhân vật nàng tiên cá Ariel chấp nhận hy sinh giọng nói để có được cơ hội ở bên hoàng tử là một điều "ngớ ngẩn", bởi không có chuyện hy sinh những điều quan trọng và thiết thực trong đời sống của mình vì một người đàn ông.

Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 1.

Nữ diễn viên Kristen Bell

Nối tiếp ngay sau cuộc phỏng vấn trên truyền hình của Keira Knightley, mới đây, nữ diễn viên Kristen Bell cũng chia sẻ rằng cô thấy lo lắng khi để hai cô con gái xem "Nàng Bạch Tuyết" bởi cảnh phim chàng hoàng tử đặt nụ hôn lên môi nàng Bạch Tuyết là một cảnh quan trọng nhưng cô tin rằng trong đời sống hiện đại hôm nay, nam giới không được phép hôn một người phụ nữ nếu anh ta chưa được cho phép, còn việc "tranh thủ" hôn cô gái khi cô đang ngủ là khó chấp nhận.

Trong thế giới phim hoạt hình, Kristen Bell từng lồng tiếng cho nhân vật nàng công chúa Anna trong "Frozen" (Nữ hoàng băng giá - 2013). Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Parenting (Mỹ), Kristen Bell chia sẻ những lo lắng của cô đối với một số bộ phim hoạt hình kinh điển vốn đã đồng hành với tuổi thơ nhiều thế hệ, nhưng cho tới thời điểm này, khi bối cảnh đời sống văn hóa - xã hội đã đổi khác, có những điều cô cho rằng không còn phù hợp.

Kristen Bell chia sẻ rằng sau khi hai con gái xem xong phim hoạt hình "Nàng Bạch Tuyết" - phiên bản hoạt hình Disney ra mắt từ năm 1938, cô đã hỏi các con rằng: "Con có nghĩ thật là kỳ khi hoàng tử hôn Bạch Tuyết dù chưa được phép không?".

Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 2.

Cảnh trong phim hoạt hình “Nàng Bạch Tuyết” - phiên bản hoạt hình Disney ra mắt từ năm 1938

Kristen Bell cũng hỏi hai cô con gái của mình rằng các con có thấy nàng Bạch Tuyết đã quá vô tư khi nhận trái táo từ mụ phù thủy không, qua đó, Kristen muốn dạy các con đừng nhận đồ ăn thức uống từ người lạ, vì trong đó có thể ẩn chứa hiểm nguy. Trước ý kiến của Keira Knightley hay của Kristen Bell, có nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều.

Có những người ủng hộ, cho rằng những nội dung đã ra đời từ gần cả thế kỷ trước rõ ràng sẽ có những điều không còn phù hợp với bối cảnh đời sống văn hóa đương đại; nhưng cũng có những người cho rằng những ý nghĩ như của Keira, của Kristen đang làm nghiêm trọng hóa vấn đề về giới, đang đẩy đi quá xa những chi tiết nhỏ trong các câu chuyện cổ tích, các bộ phim hoạt hình cổ tích kinh điển, đã từng là bạn đồng hành của tuổi thơ bao thế hệ.

Kristen Bell hiện có hai cô con gái - Lincoln (5 tuổi) và Delta (3 tuổi). Chia sẻ với tạp chí Parenting, Kristen nói: "Mỗi khi tôi đọc xong truyện hay các con xem xong phim 'Nàng Bạch Tuyết', tôi đều nói chuyện với hai cô con gái của mình và hỏi các con nghĩ thế nào về việc chàng hoàng tử hôn nàng Bạch Tuyết khi nàng đang ngủ, hay việc nàng nhận trái táo từ mụ phù thủy mà không chút nghi ngờ".

Hiện tại, ở Hollywood đang diễn ra phong trào đòi bình đẳng giới và chống quấy rối tình dục đối với phụ nữ, vì vậy, những chia sẻ của Keira hay Kristen dễ khiến truyền thông và công chúng liên tưởng đến những phong trào và hoạt động xã hội đang diễn ra ở kinh đô điện ảnh.

Việc mang hơi hướng của phong trào bình quyền vào soi xét những câu chuyện cổ tích, những bộ phim hoạt hình kinh điển, khiến nhiều người cho rằng quá khiên cưỡng và làm nghiêm trọng hóa vấn đề.

Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 5.

Hồi cuối năm 2017, báo chí phương Tây đã từng được biết tới một câu chuyện hài hước khi một bậc phụ huynh đã viết đơn yêu cầu trường tiểu học nơi con trai cô đang theo học ngưng giới thiệu câu chuyện cổ tích "Nàng công chúa ngủ trong rừng" tới các học sinh.

Khi cậu con trai 6 tuổi của người phụ nữ có tên Sarah Hall, sinh sống ở đô thị North Shields (Anh), bắt đầu đi học tiểu học, trong giáo trình của cậu bé có giới thiệu câu chuyện cổ tích "Nàng công chúa ngủ trong rừng".

Chị Sarah Hall cho rằng nàng công chúa không hề đồng ý cho chàng hoàng tử xa lạ được phép hôn mình và đối chiếu vào đời sống xã hội hiện nay, hành động của chàng hoàng tử là rất "có vấn đề", có thể khiến chàng gặp rắc rối với… cảnh sát.

Chị Sarah sợ rằng cậu con trai 6 tuổi của mình sẽ không hiểu được thế nào là thế giới thực tại và thế giới cổ tích, rằng cậu bé sẽ tiếp nhận thông điệp từ câu chuyện cổ tích với ý nghĩ - hành động gần gũi với người khác giới mà mình cảm mến (dù chưa quen biết và chưa được chấp nhận) là hoàn toàn chấp nhận được.

Đối với vị phụ huynh "lo xa" này, câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới "Nàng công chúa ngủ trong rừng" đã đưa lại cho trẻ nhỏ một thông điệp không phù hợp với thời đại hôm nay:

"Tôi cho rằng có vấn đề trong câu chuyện ‘Nàng công chúa ngủ trong rừng’, nó nằm ở hành động thân mật của hoàng tử trong khi công chúa chưa hề đồng ý. Liệu câu chuyện này có còn phù hợp với đời sống văn hóa của thời đại hôm nay?".

Chị Sarah lo lắng về thông điệp mà những đứa trẻ tiếp nhận khi cảnh hoàng tử đánh thức nàng công chúa tỉnh dậy bằng một nụ hôn luôn khiến những đứa trẻ cảm thấy rất thích thú và ấn tượng mạnh. Người mẹ nhiều lo lắng này sau đó đã liên hệ với nhà trường về vấn đề trên:

Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 6.

"Trong xã hội hôm nay, hành động của chàng hoàng tử là không còn phù hợp nữa. Con trai tôi mới chỉ 6 tuổi và cháu ‘thẩm thấu’ mọi điều xung quanh mình. Tôi không nghĩ cần phải loại bỏ câu chuyện cổ tích này hoàn toàn ra khỏi các sách truyện thiếu nhi.

"Nhưng tôi nghĩ nó sẽ phù hợp hơn cho lứa tuổi thiếu niên, khi bạn có thể có những cuộc trò chuyện thực sự mang tính xây dựng xoay quanh vấn đề này với bọn trẻ. Nhưng tôi rất lo lắng khi kể cả trẻ rất nhỏ cũng có thể tiếp xúc với câu chuyện này", chị Sarah chia sẻ.

Chị Sarah cũng đề cập tới loạt vụ bê bối quấy rối tình dục xảy ra tại Hollywood và một số nền công nghiệp giải trí khác đang đồng loạt bị phanh phui thời gian gần đây. Những sự việc như vậy khiến chị nghĩ về những thông điệp mà con mình tiếp nhận mỗi ngày với thái độ cẩn trọng hơn.

"Tất cả những điều nhỏ nhặt đều có ý nghĩa và giúp tạo nên sự khác biệt", chị Sarah khẳng định. Vị phụ huynh này cho rằng có thể còn có những vấn đề tương tự tồn tại trong những câu chuyện cổ tích khác nữa.

Câu chuyện của phụ huynh Sarah Hall đã trở thành đề tài tranh luận từ trên mặt báo cho tới trên mạng xã hội Anh. Có rất nhiều phụ huynh khác lên tiếng chỉ trích chị Sarah Hall, cho rằng vị phụ huynh này đã "trầm trọng hóa" vấn đề và đưa cái nhìn "tiêu cực" vào một câu chuyện cổ tích đẹp đẽ nổi tiếng thế giới.

Rất nhiều phụ huynh đã bênh vực cho vẻ đẹp của câu chuyện cổ tích nổi tiếng và khuyên chị Sarah không nên lo lắng thái quá như vậy, một phụ huynh bình luận: "Ngay cả khi còn là một đứa trẻ, câu chuyện này có từng khiến bạn chạy đi khắp nơi và hôn bất cứ ai bạn gặp không? Không đứa trẻ nào làm vậy cả đâu. Và thực sự câu chuyện cổ tích này không có vấn đề gì hết".

Bí mật đen tối đằng sau những câu chuyện cổ tích nổi tiếng


Chuyện cổ tích thường là những câu chuyện trong sáng dành cho thiếu nhi, để gieo vào các em những quan niệm đạo đức đầu tiên. Tuy vậy, ở thuở sơ khai, những câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất đã có những chi tiết khiến người lớn đọc được cũng phải "rùng mình".

Những câu chuyện cổ tích thời xa xưa thường đưa mọi thứ lên tới cực điểm một cách quyết liệt: cái ác lên tới cực điểm và sự trừng phạt cũng lên tới cực điểm. Điều này có thể bắt gặp trong cả truyện cổ tích phương Đông và phương Tây.

Trải qua quá trình tồn tại hàng trăm năm, dần dần, những chi tiết này đã được thay thế hoặc giảm nhẹ để phù hợp với tiêu chí giáo dục trẻ em. Hãy cùng lật lại những chi tiết rùng rợn từng một thời tồn tại trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng hàng đầu thế giới, để thấy rằng cổ tích xa xưa của phương Tây cũng có những chi tiết đáng sợ như thế nào…


Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 9.
"Người đẹp ngủ trong rừng"


Phiên bản đầu tiên của truyện cổ tích "Người đẹp ngủ trong rừng" được viết lại bởi nhà sưu tầm truyện cổ tích người Ý - Giambattista Basile (1566-1632). Khi đó, tác phẩm có tên "Mặt trời, Mặt Trăng và Talia". Trong phiên bản này, một ông vua khi đi dạo chơi đã tình cờ tìm thấy Talia - người đẹp ngủ trong rừng - nhưng không thể nào đánh thức nàng dậy.

Bị quyến rũ bởi nhan sắc của người đẹp, ông vua đã "yêu" nàng rồi sau đó bỏ đi. Một thời gian sau, Talia sinh ra một cặp sinh đôi, hai đứa trẻ không ngừng mút ngón tay nàng và khiến chất độc của mũi quay độc bị hút ra, nhờ đó, nàng tỉnh dậy. Một ngày kia, ông vua nọ quay trở lại tìm nàng và họ yêu nhau say đắm.

Hoàng hậu - vợ của nhà vua - biết chuyện, mụ đã lừa Talia, định đem nấu hai con của nàng thành bữa ăn cho nhà vua, nhưng bác đầu bếp nhân hậu đã nghĩ cách cứu sống hai đứa bé. Đến lượt Talia lại bị hoàng hậu bày kế thiêu sống. Nhà vua kịp thời đến cứu nàng và trừng phạt hoàng hậu đích đáng. Nhà vua liền cưới Talia và từ đó gia đình họ sum họp hạnh phúc.


Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 10.
"Cô bé lọ lem"


Có tới gần 350 phiên bản khác nhau kể về "Cô bé lọ lem", tuy vậy, chỉ có một số phiên bản chứa đựng những tình tiết nhân văn và có hậu theo kiểu phim hoạt hình Disney. Trong đó, câu chuyện được kể lại bởi anh em nhà Grimm - "Aschenputtel" (bản tiếng Đức) - không hề có những chú chuột vui nhộn hay bà tiên tốt bụng.

Thế lực siêu nhiên giúp đỡ cô bé lọ lem trong truyện là cái cây mọc trên ngôi mộ của mẹ lọ lem. Lọ lem đã nuôi lớn nhánh cây trồng trên mộ mẹ bằng nước mắt đau khổ của mình, khi cây lớn, một chú chim tới sống trên cây và làm bạn với lọ lem. Chính cái cây và chú chim sẽ làm nên những phép màu giúp lọ lem đi dự tiệc.

Trong truyện, tiệc của hoàng tử được tổ chức trong 3 ngày, lọ lem xuất hiện rực rỡ nhất trong ngày thứ 3 với đôi giày bằng vàng. Hoàng tử dùng chiếc giày vàng rớt lại của lọ lem để thử chân các cô gái, ai đi vừa sẽ được hoàng tử lấy làm vợ. Khi sứ giả đến nhà lọ lem, hai cô con gái riêng của bà mẹ kế đã bày cách, một cô cắt ngón chân, một cô cắt gót chân để đi vừa chiếc giày.

Nhưng máu rớt ra đã khiến hoàng tử khiếp sợ trước dã tâm của hai cô gái. Cuối cùng, chàng đã tìm ra chủ nhân đích thực của chiếc giày. Trong ngày cưới của lọ lem và hoàng tử, hai cô chị xấu xa xin làm phù dâu, ngay lập tức, có hai con chim bay đến… mổ vào mặt hai phù dâu khiến hai người bị mù.


Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 11.
"Nàng tiên cá"


Chúng ta vốn rất quen thuộc với câu chuyện trong phim hoạt hình Disney kể về nàng tiên cá Ariel và chàng hoàng tử Eric. Trải qua nhiều khó khăn, thử thách, họ đã dành cho nhau tình yêu đích thực và sống bên nhau hạnh phúc mãi mãi.

Tuy vậy, trong câu chuyện của nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen, câu chuyện cay đắng nói về sự khác biệt đẳng cấp và những khát khao vô vọng đã không có được kết thúc đẹp như vậy.

Nàng Ariel đã đánh đổi tất cả với hy vọng có được tình yêu của hoàng tử, nhưng rồi hoàng tử buộc phải cưới một nàng công chúa của nước láng giềng, từ bị bắt ép, hoàng tử dần chuyển sang tự nguyện, khi bất ngờ chàng yêu say đắm vị hôn thê được hứa gả cho mình.

Số phận nàng Ariel đã được định đoạt, nàng sẽ phải chết ngay sau hôn lễ của hoàng tử bởi cô dâu không phải là nàng. Cách duy nhất để Ariel không phải chết là… nàng phải đâm chết hoàng tử, như vậy, Ariel sẽ lại được làm tiên cá và trở về sống dưới đại dương. Nhưng cuối cùng, nàng đã không thể làm hại người mình yêu và quyết định hy sinh chính mình.


Tại sao nhiều phụ huynh bỗng không muốn cho con xem phim kinh điển? - Ảnh 12.
"Nàng Bạch Tuyết"


Anh em nhà Grimm đã sưu tầm câu chuyện cổ tích này từ dân gian và viết lại lần đầu tiên hồi năm 1812. Họ đã nhiều lần sửa lại câu chuyện cho tới tận năm 1854 mới cho ra phiên bản cuối. Trong phiên bản đầu tiên của "Nàng Bạch Tuyết", nhân vật phản diện trong truyện chính là… người mẹ chất chứa lòng ghen tị của Bạch Tuyết.

Trong bản thảo không chính thức của anh em nhà Grimm, mẹ của Bạch Tuyết đã đưa nàng vào rừng hái hoa rồi bỏ lại Bạch Tuyết trong rừng, tuy vậy, tình tiết này đã được thay đổi, khi ra mắt phiên bản chính thức đầu tiên, anh em nhà Grimm đã để một người hầu làm việc này.

Về sau, nội dung câu chuyện còn được thay đổi nhiều nữa, nhân vật người mẹ ghen tị với sắc đẹp của con gái đã được thay thế bằng bà mẹ kế phù thủy độc ác để câu chuyện phù hợp với quan niệm đạo đức.

Còn bạn, bạn nghĩ thế nào về việc một số phụ huynh lo lắng khi cho con xem phim hoạt hình kinh điển? Xin mời đưa ra ý kiến ở phần bình luận bên dưới!


Biên dịch:
Bích Ngọc
Theo :
Parenting/Telegraph/Evening Standard