TP Huế:
Tái hiện lễ dựng nêu trong Hoàng cung Huế xưa
(Dân trí) - Sáng nay (1/2 nhằm 23 tháng Chạp) tại Đại Nội, TP Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tái hiện lễ thướng nêu (dựng cây nêu) xưa. Đây là một nghi lễ có từ thời các vua Nguyễn mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Theo tục lệ, vào mỗi dịp 23 tháng Chạp, triều đình Huế lại dựng nêu trong Kinh thành, báo hiệu Tết đã về, người dân thu xếp công việc để nghỉ ngơi, chuẩn bị việc nhà để đón năm mới. Lễ dựng nêu được diễn ra rất uy nghiêm và phải là viên quan hàm “Tam phẩm” trở lên mới được nhận chỉ dụ của nhà vua làm chủ lễ.
Để tái hiện lễ dựng nêu độc đáo này, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã chuẩn bị đầy đủ nghi lễ, chọn 2 cây tre già, to, khỏe và bắt đầu tiến hành lễ rước cây nêu thứ nhất từ cửa Hiển Nhơn để vào Thế Miếu. Đoàn rước nêu gồm quân lính áo vàng, áo đỏ, đội Đại nhạc, Tiểu nhạc... Sau khi dựng nêu xong ở Thế Miếu, đoàn rước tiếp tục khiêng cây nêu thứ hai ra Điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) và dựng nêu.
Trên ngọn nêu được treo chuông, phướn, ấn tín, bút lông, đoản kiếm... nên phải cử lính canh cho đến ngày khai hạ. Sau lễ dựng nêu, triều đình thường cho bắn súng lệnh từ Kỳ Đài để cáo với đất trời. Tiếng súng lệnh dứt, từ khắp các huyện, phủ và triều đình sẻ nghỉ ngơi sau một năm lao động nhọc nhằn để ăn Tết và du Xuân.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Việc phục dựng lại nghi thức lễ dựng nêu nhằm giữ lại một nét đẹp trong bản sắc văn hoá truyền thống Tết của người Việt nói chung và cố đô Huế nói riêng. Đồng thời, góp phần tạo không khí Tết ấm áp ở khu vực đền miếu, cung điện Huế trong những ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thiêng liêng của Tổ quốc”.
Nhật Châu - Đại Dương