Tác giả “Quảng Bình quê ta ơi” chia sẻ về Đại tướng
"Bác Võ Nguyên Giáp dạy Sử ở trường Thăng Long cùng anh trai của tôi hồi Pháp thuộc. Nên tôi có nhiều ảnh của anh tôi chụp với bác Võ Nguyên Giáp" - nhạc sĩ Hoàng Vân - tác giả ca khúc Hò kéo pháo, Quảng Bình quê ta ơi trải lòng.
Mấy hôm nay dù sức khỏe không được tốt vì huyết áp lúc tăng cao lúc xuống thấp, hàng ngày phải vào bệnh viện truyền nước nhưng nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn dành một tình cảm, sự quan tâm đặc biệt chia sẻ với VietNamNet về những câu chuyện của mình liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo lời nhạc sĩ Hoàng Vân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dạy Sử ở trường Thăng Long cùng anh trai của ông hồi Pháp thuộc. "Nhà tôi và nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một chút gọi là họ hàng hơi xa xa, bà con người Đồng Hới" - nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ.
Nhạc sĩ Hoàng Vân
Nhạc sĩ Hoàng Vân bảo về nguyên tắc ông không gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần. Nhưng cách mạng tháng 8 trở về thì ông có được chụp nhiều ảnh với "Bác Giáp" (cách gọi thân quen của nhạc sĩ với Đại tướng). Hiện tại ở nhà ông vẫn còn giữ rất nhiều những bức ảnh ông cùng anh trai chụp chung với Đại tướng.
Với riêng cá nhân nhạc sĩ, có một kỷ niệm đến giờ vẫn nhớ mãi đó là có một lần chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với ông là: "Đi học về nếu không có gì thì viết tiếp những bài về Quảng Bình nhé". Lúc đó nhạc sĩ Hoàng Vân chỉ biết nói: "Vâng ạ".
Bởi theo nhạc sĩ Hoàng Vân trước đó ông là bộ đội cùng với Trần Ngọc Sương, Ngô Sỹ Hiển. 3 người được Tổng cục chính trị gọi về để đi học ở nước ngoài. Và khi về rồi ông mới biết trong danh sách đề cử đó có bác Võ Nguyên Giáp.
"Lúc đó mặc dù tôi không phải là nhạc sĩ nhưng đã được mọi người biết đến bài "Hò kéo pháo". Tôi có nghe một số người nói lại rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói nhất định phải cho tôi và một số đồng chí khác về để đi học nước ngoài. Và sau đó tôi mới thành nhạc sĩ" - nhạc sĩ Hoàng Vân bùi ngùi nhớ lại.
Ca khúc "Quảng Bình quê ta ơi" - nhạc sĩ Hoàng Vân
Nhạc sĩ Hoàng Vân chia sẻ: "Khi tôi viết xong bài hát Hò kéo pháo tôi có phải là nhạc sĩ đâu, là bộ đội. Nhưng bác Giáp thấy bài hát hay mới bảo phải phổ biến trên tất cả các mặt trận. Còn bài Quảng Bình quê ta ơi cũng thế thôi. Lúc đó tôi đang ở trong Quảng Bình rồi, cũng đã vào nhà bác Giáp nhiều lần".
Tác giả ca khúc Hò kéo pháo xúc động nói bà xã của ông đọc báo chí và có nói lại cho ông biết về thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe ca khúc Quảng Bình quê ta ơi hàng ngày trong những ngày nằm trên giường bệnh. Cá nhân nhạc sĩ thấy rất cảm động về tình cảm mà Bác Giáp dành cho ca khúc này.
"Tôi năm nay đã 85 tuổi, nói chuyện với bạn thế này lúc nghe được lúc không. Mấy hôm nay sức khỏe lại yếu quá. Chứ đáng ra tôi phải ăn mặc quần áo tử tế để lên viếng Bác Giáp một chút nhưng chân hiện nay không đi được, đi phải có người dìu" - nhạc sĩ Hoàng Vân nghẹn ngào.
Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, bút danh là Yna. Ông nổi lên với những ca khúc rất phong phú, đa dạng cả về nội dung, đề tài, thể loại và mang giá trị nghệ thuật cao. Nhạc sĩ Hoàng Vân còn viết nhiều tác phẩm cho khí nhạc ở nhiều thể loại khác nhau như Fuga, Rhapsodie, tổ khúc, giao hưởng thơ, hoặc các tác phẩm thanh nhạc có cấu trúc lớn như đại hợp xướng Điện Biên Phủ, Hồi tưởng... Ngoài ra, ông sáng tác âm nhạc cho rất nhiều phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, kịch nói... và còn là một nhạc sĩ của thiếu nhi với nhiều ca khúc...
Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân gắn liền với những biến động của lịch sử dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ những năm 50, ông đã có nhiều ca khúc được biết đến và tới năm 1954 thì tên tuổi của ông mới thực sự được nhắc tới nhiều với bài hát Hò kéo pháo. Những năm 60, sau thời gian tu nghiệp âm nhạc ở nước ngoài, sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông bắt đầu nở rộ với nhiều ca khúc được công chúng đón nhận như: Tôi là người thợ lò, Nhớ (thơ Nguyễn Đình Thi)... Những chuyến đi thực tế chính là cảm hứng giúp ông cho ra đời các ca khúc: Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Người chiến sĩ ấy, Chào anh giải phóng quân, Bài ca xây dựng...
Năm 1964, trong một chuyến đi thâm nhập thực tế ở Quảng Bình, nhạc sĩ Hoàng Vân đã cho ra đời ca khúc Quảng Bình quê ta ơi. Ca khúc đã được thu thanh và phát liên tục qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Và không chỉ ca khúc này mà có thể nói những sáng tác khác của Hoàng Vân, công chúng nhận thấy một cách nhìn, một phát hiện độc đáo, một ngôn ngữ âm nhạc bình dị nhưng vẫn ẩn chứa trong đó nét tươi mới, đáng yêu, gần gũi. Có thể nói rằng, giai điệu trong các ca khúc của ông bắt nguồn từ các làn điệu dân ca khác nhau, tạo cho người nghe những âm hưởng nồng ấm, quen thuộc nhưng vẫn tạo được sự lôi cuốn, thu hút và thú vị rất riêng, mang đậm chất của nhạc sĩ Hoàng Vân.