Tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” trượt Giải thưởng Nhà nước năm 2016
(Dân trí) - Mới đây, một số nhà văn cho biết, nhà văn Bảo Ninh đã không được xem xét ở vòng chọn cuối cùng trong việc xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật do không đủ số phiếu bầu từ Hội đồng xét duyệt.
Cách đây không lâu, Bộ VHTTDL công 29 hồ sơ xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, lĩnh vực Văn học trong đó có tên của tác giả Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh (tên thật Hoàng Ấu Phương). Tuy nhiên, mới đây, một số nhà văn cho biết, nhà văn Bảo Ninh đã không được xem xét ở vòng chọn cuối cùng do không đủ số phiếu bầu.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, Hội đồng Nhà nước có 28 thành viên trong đó chỉ có bốn người thuộc lĩnh vực văn chương là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhà văn Chu Lai, nhà văn Nguyễn Trí Huân và ông.
Tỷ lệ phiếu bầu của Bảo Ninh ở Hội đồng cấp Nhà nước là 76% trong khi quy định là 90% mới đạt. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng đó là con số yêu cầu quá cao. Ông cũng cho biết, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn Việt Nam sẽ làm công văn đề nghị xem xét bỏ phiếu lại.
Sự việc này cũng khiến nhà văn Chu Lai đầy tiếc nuối. Tuy nhiên, vì là thành viên trong Hội đồng xét duyệt nên ông đã không thể chia sẻ được nhiều.
“Cái khó của tôi bây giờ là vì nằm trong Hội đồng nên không được phép nói gì. Nếu không nằm trong hội đồng tôi đã có thể chia sẻ thoải mái chia sẻ rất nhiều điều tôi muốn nói. Nhưng các bạn cần biết rằng, hôm đó, tôi đã đứng lên giữa Hội đồng và nói hơn nửa tiếng đồng hồ về vấn đề này. Tôi đã nhắc mọi người nhìn nhận lại giá trị của “Nỗi buồn chiến tranh” đối với dòng chảy văn học, đối với nhân loại và cả lịch sử nữa”, nhà văn Chu Lai nói.
Trước đó, trong cả hai vòng bầu chọn, hồ sơ của nhà văn Bảo Ninh đã được bầu chọn với tỷ lệ rất cao. Cụ thể, hồ sơ này đã đạt tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% trở lên của tổng số thành viên Hội đồng chuyên ngành để trình lên Hội đồng cấp Nhà nước.
Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đã được trao 4 đợt và đây là đợt xét tặng lần thứ 5 dành cho 9 lĩnh vực: âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, văn học, văn nghệ dân gian, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc. Được xét 5 năm một lần, các đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật từ năm 1996 đến nay luôn thu hút sự quan tâm và trở thành tâm điểm của những người theo đuổi sáng tác cũng như công chúng yêu văn học nghệ thuật.
Các hồ sơ trải qua ba vòng: vòng cơ sở, vòng xét giải chuyên ngành cấp Bộ, vòng Hội đồng cấp Nhà nước.
Danh sách các tác giả được xét Giải thưởng Nhà nước lần này ngoài nhà văn Bảo Ninh còn có một số tên tuổi như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Xuân Khánh (với ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa), Hoàng Quốc Hải (với bộ tiểu thuyết lịch sử sáu tập Bão táp triều Trần), Hồ Anh Thái…
Bốn tác giả được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật gồm: nhà thơ Xuân Quỳnh với hai tập thơ Bầu trời trong quả trứng, Lời ru trên mặt đất; nhà thơ Thu Bồn (Hà Đức Trọng) với tiểu thuyết Chớp trắng, Vùng pháo sáng, tập truyện ngắn Dưới tro; Nguyễn Xuân Thiều với tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ, tập truyện thiếu nhi Khúc hát mở đầu; Trần Hữu Mai với hai tiểu thuyết Đêm yên tĩnh và Người lữ hành lặng lẽ.
Danh sách các nhà văn, nhà thơ được xét tặng thưởng hiện đã được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL nhằm lấy ý kiến nhân dân tới hết ngày 10/5/2016.
Nhà văn Bảo Ninh, tên thật là Hoàng Ấu Phương, sinh năm 1952 tại Nghệ An. Ông từng tham gia quân ngũ, làm việc tại Viện Khoa học Việt Nam, báo Văn nghệ Trẻ. Ngoài Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh có tập truyện dài Trại bảy chú lùn và một số truyện ngắn đề tài chiến tranh. Một số truyện ngắn của ông được ưa thích như: Khắc dấu mạn thuyền, Bội phản...
Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh xuất bản lần đầu năm 1987 với tên Thân phận tình yêu. Tác phẩm được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Đây được xem là tiểu thuyết nổi bật của Việt Nam, tới năm 2012 đã được giới thiệu tại 18 quốc gia trên thế giới với các bản tiếng Anh, tiếng Ba Tư. Tác phẩm đang được dịch sang tiếng Đức. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Việt Nam được đưa vào vòng đề cử Giải Nobel Văn học.
Hà Tùng Long