Sức sống của những ca khúc bất hủ về chiến thắng Điện Biên Phủ

Hương Hồ

(Dân trí) - Những ca khúc bất hủ về chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" luôn có sức sống và còn âm vang mãi với thời gian.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, bên cạnh giá trị lịch sử được ghi lại bằng âm nhạc, những ca khúc trong giai đoạn trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ còn giữ vị trí là những ca khúc thời kỳ đầu của nền tân nhạc nói chung, dòng ca khúc cách mạng nói riêng.

Những ca khúc thời kỳ này được các nhạc sĩ sáng tác phù hợp với lối hát tập thể (tốp ca, đồng ca...). Một mặt, ca khúc thể hiện tinh thần nhân dân đồng tâm dồn sức cho một khát khao chính đáng. Mặt khác, các bài hát cũng tạo nên sức mạnh hiệu triệu khi âm hưởng của nhịp hành khúc của âm nhạc phương tây được các tác giả khai thác một cách khéo léo, tài tình.

Sức sống của những ca khúc bất hủ về chiến thắng Điện Biên Phủ - 1

Bộ đội ta kéo pháo cao xạ vào chiến trường Điện Biên Phủ (Ảnh: TTXVN).

Qua miền Tây Bắc

Khán giả không thể nào quên Nguyễn Thành với Qua miền Tây Bắc, Đường lên Tây Bắc (Văn An), Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh), Bế Văn Đàn còn sống mãi (Huy Du), Em bé Mường La (Trần Ngọc)…

Nhạc sĩ Nguyễn Thành viết nhạc phẩm Qua miền Tây Bắc trước khi có chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông đã sáng tác bài hát này ở đỉnh đèo Khâu Vác - cửa ngõ vào Điện Biên Phủ - vào một đêm mưa năm 1952, trên đường hành quân trong chiến dịch Tây Bắc.

Mưa mỗi lúc một to, đoàn quân phải căng lán tạm trú trên đỉnh đèo Khâu Vác cao hơn 2.000m, khi đã vượt qua bến Ô Lâu để tiến vào Tây Bắc. Nhạc sĩ Nguyễn Thành lúc ấy là một chiến sĩ trẻ mới 21 tuổi, thuộc đoàn văn công 308.

Qua miền Tây Bắc là một một hành khúc ngắn gọn, hàm súc và đầy chất thơ khắc họa nét đẹp tâm hồn trong sáng, cao cả của anh Bộ đội Cụ Hồ. Tên bài hát không phải của nhạc sĩ mà là do anh em chiến sĩ đặt, họ đã lấy ngay lời đầu tiên của bài hát để đặt tên.

Hò kéo pháo

Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng, Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân đã trở thành ca khúc tiêu biểu mang hơi thở của thời đại. Ca khúc khiến ta không thể quên Điện Biên một thời máu lửa và Điên Biên hôm nay rực rỡ cờ hoa.

Hò kéo pháo được sáng tác trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác giả Hoàng Vân được chứng kiến mọi diễn biến của chiến dịch, thấy được những gian nan vất vả của bộ đội ngày đêm phải đưa những cỗ pháo nặng hàng tấn vượt qua dốc núi chiếm lĩnh trận địa.

Những tấm gương hi sinh anh dũng như anh hùng Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót và bao đồng đội đã thôi thúc nhạc sĩ viết nên lời bài hát này.

Lúc sinh thời, nhắc đến kỷ niệm viết ca khúc Hò kéo pháo, nhạc sĩ Hoàng Vân từng kể, khi viết được đoạn đầu của bài hát với những ca từ hào hùng: "Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo. Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi.Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi.Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù" thì... ông đi ngủ.

Đang "bí" chưa biết phát triển tiếp như thế nào, ông thao thức mãi đến hơn 3h sáng, chợt nghe tiếng gà gáy văng vẳng trên nương. Tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới, báo hiệu một cuộc sống thanh bình ấy đã giúp tác giả hoàn thành nốt bài hát ngay sau đó.

Giai điệu cứ thế tuôn chảy tự nhiên trong nhạc sĩ Hoàng Vân: "Gà rừng gáy trên nương rồi, vững bước ta đi lên nào, kéo pháo ta băng qua đồi, trước khi trời hửng sáng. Kéo pháo lên, trận địa của chúng ta, tin chắc thắng ta tin tưởng ở trên...".

Mạch cảm xúc tuôn trào, Hoàng Vân đã nghĩ đến niềm vui sướng của các chiến sĩ kéo pháo động viên nhau: "Sắp tới nơi còn một đoạn nữa thôi, vai ướt đẫm sương đêm cùng mồ hôi", rồi tiếng reo vang bật ra sung sướng: "Tới đích rồi, đồng chí chúng ta ơi. Mai đây nghe pháo gầm vang trời, cùng bộ binh đánh tan đồn thù" và kết luận: "Lòng quyết tâm sắt gang nào bằng".

Bài hát Hò kéo pháo âm vang mãi cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và đã đoạt giải nhất trong Đại hội văn công toàn quốc lần đầu tiên năm 1954. Chính tác phẩm này đã khắc ghi tên nhạc sĩ Hoàng Vân vào lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Ca khúc "Hò kéo pháo" (thu thanh trước 1975) (Video: Youtube).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, một trong những cái hay của Hò kéo pháo là dùng cách hết sức dân gian của ông bà ta từ hàng trăm năm trước mỗi khi làm một công việc cần một sức mạnh tập thể, đó là những điệu hò sông nước trong lao động sản xuất.

Hành quân xa, Trên đồi Him LamChiến thắng Điện Biên

Với nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, nói đến âm nhạc về Điện Biên Phủ không thể không nhắc tới nhạc sĩ Đỗ Nhuận. 3 nhạc phẩm: Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Chiến thắng Điện Biên của ông được ví là "3 đỉnh núi âm thanh" về Điện Biên Phủ.

Hành quân xa ra đời trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc (năm 1953). Ca khúc chất chứa tinh thần lạc quan, yêu đời. Lời ca của tác phẩm đã ngay lập tức đồng hành với những người lính tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ), trở thành lời động viên tinh thần để người lính vượt qua bom đạn chiến tranh.

Sau đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã có ngay bài hát Trên đồi Him Lam ghi lại thắng lợi trận đầu của chiến dịch lịch sử. Ca khúc được Đỗ Nhuận sáng tác ngay tại trận địa, giữa bộn bề ngổn ngang xác xe pháo trong mùi khói khét lẹt của đạn bom và xác giặc: "Hôm qua đánh trận Điện Biên chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến quân vào, đột phá tiêm đao tiến đánh vào…".

Và ca khúc được xem là đỉnh cao của âm nhạc viết về chiến dịch Điện Biên Phủ chính là Chiến thắng Điện Biên được nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết ngay trong đêm 7/5/1954.

Trong cuốn hồi ký Âm thanh cuộc đời, nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết: "Vào chiều ngày 7/5/1954, khi đang cuốc và rải đá trên đường thì một đồng chí liên lạc đạp xe như bay từ mặt trận về reo to: "Mường Thanh địch đầu hàng rồi, giải phóng Điện Biên rồi!".

Thế là tạm biệt đá hộc, đối với tôi có thể nói là "vĩnh biệt" đá hộc, duyên nợ với "đá" đến đây là hết".

Ngay đêm ấy, mặc những đồng đội đang say trong giấc ngủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận ngồi bên bếp lửa nhà sàn cùng với mấy củ sắn nướng thơm lừng vùi trong than ấm cùng cây đàn violin và bật ra những dòng nhạc đầu tiên: "Giải phóng Điện Biên/Bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…".

Sức sống của những ca khúc bất hủ về chiến thắng Điện Biên Phủ - 2

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và con trai - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - tại Moscow năm 1978 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận - cho biết, bố ông sáng tác bài hát ngay trong đêm, lời ca khúc như "lên đồng", ông viết nhạc đến đâu, ghi lời ra đến đó.

"Khi bài hát vang lên, chúng ta thấy được tiếng hoan hô, tiếng mừng vui không chỉ với người lính, người dân thắng trận giòn rã dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà đây là sự hân hoan của cả đất nước.

Mỗi lần nghe bài hát, chúng ta rất tự hào, khâm phục các thế hệ đi trước đã hy sinh để giành được độc lập dân tộc. Thêm nữa, chúng ta cũng thấy rằng, văn nghệ sĩ cũng gắn liền với bước đi của lịch sử đất nước.

Họ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ, dùng ngòi bút làm phong phú đời sống tinh thần ở chiến trường. Các tác phẩm ấy gắn liền với đời sống nên được trường tồn mãi mãi", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ.

Ca khúc "Chiến thắng Điện Biên" (1954) do đồng ca Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện (Video: Tư liệu).

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định, Giải phóng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận hết sức độc đáo và giá trị. Theo anh, ca khúc được sáng tác ở nhịp hành khúc nhưng trong bài lại khai thác rất nhiều chất liệu dân gian.

"Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã khai thác những âm hưởng của chèo, của trống quân, rồi cả nhịp điệu của điệu múa sạp của Tây Bắc. Việc khai thác nhịp điệu hành khúc vốn phù hợp với tinh thần tập thể.

Khai thác chất liệu dân gian của miền xuôi cũng như miền ngược không chỉ thể hiện tinh thần và sức mạnh tập thể mà còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc, toàn quân và dân cùng đồng lòng, quyết tâm và hân hoan niềm vui chiến thắng.

Đây là ca khúc được nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết ngay trong đêm 7/5/1954 tại chiến trường. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một nhạc sĩ tài ba, một bậc thầy âm nhạc là vậy", nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho hay.

70 năm đi qua, tác giả của những bài ca bất hủ ấy đã không còn nhưng giai điệu hào sảng của Hò kéo pháo, Chiến thắng Điện Biên… thì còn vang mãi. Thế hệ nghệ sĩ hôm nay vẫn thể hiện những bản hùng ca bất tận với những sáng tạo mới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm