Sức mạnh của nền điện ảnh “không bạo lực, không cảnh nóng”
(Dân trí) - Tác phẩm vừa đoạt giải Oscar dành cho Phim nước ngoài hay nhất kể về một phụ nữ bị cưỡng bức, sau đó, người chồng của cô thực hiện một cuộc trả thù “máu lạnh”… Đạo diễn sẽ làm như thế nào khi phim ông không được phép có cảnh nóng, cảnh bạo lực?
Điện ảnh Trung Đông nói chung và điện ảnh Iran nói riêng đang có rất nhiều điều để kể cho thế giới, và thế giới (mà đại diện đỉnh cao là giải thưởng điện ảnh Oscar) đang chứng minh rằng tiếng nói điện ảnh kỳ lạ ấy đang được lắng nghe một cách đầy chăm chú.
Ở hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại giải Oscar năm nay, “The Salesman” (Người bán hàng), phim của đạo diễn người Iran - Asghar Farhadi - đã giành chiến thắng, đem về vinh quang thứ hai tại giải Oscar cho sự nghiệp của vị đạo diễn 44 tuổi.
Trước đây, Farhadi đã từng được biết tới với phim “A Separation” (Ly thân - 2011) - phim nước ngoài giành chiến thắng tại cả giải Oscar và giải Quả Cầu Vàng.
Chuyện phim của “The Salesman” kể về một cặp vợ chồng trẻ - Emad và Rana - họ là hai diễn viên chính đang tham gia vở diễn của một nhà hát - vở “Death of a Salesman” (Cái chết của người bán hàng).
Cuộc sống gia đình của cặp đôi bị ảnh hưởng sau khi họ chuyển tới sống trong một căn hộ mà người thuê trước đó là một cô gái bán hoa. Sau khi chuyển tới sống ở đây, Rana đã bị một khách hàng của cô gái bán hoa… đột nhập vào nhà cưỡng bức, đánh đập. Vụ việc đã đẩy chồng cô - Emad đến khát khao trả thù không thể kiểm soát.
Đạo diễn Farhadi vốn nổi tiếng với những bộ phim nói về đất nước - con người Iran. Năm 2012, với sự thành công của “A Separation” (Ly thân), Farhadi đã dùng bộ phim này để nói về “nền văn hóa rực rỡ nằm ngủ dưới lớp bụi dày” của Iran.
Với “The Salesman”, Farhadi khai thác góc đen tối trong tâm hồn con người, khi sử dụng vụ việc người vợ bị tấn công cưỡng bức nhằm “kích hoạt” khát vọng trả thù không kiểm soát nổi ở người chồng.
“The Salesman” có sự kịch tính, căng thẳng bất ngờ. Điều này vốn khá xa lạ với cách làm phim “trầm đều” của đạo diễn Farhadi trước đây. Phim hiện được xem là bước đột phá mới của điện ảnh Iran, khi kịch tính được đẩy lên cao, đưa lại cho người xem cảm nhận mới mẻ.
“The Salesman” được làm với phong cách truyện lồng truyện. Câu chuyện về lòng tự tôn và sự trả thù cùng hiện diện trong cuộc sống của cặp vợ chồng diễn viên và cả ở trong vở kịch mà họ diễn ở nhà hát.
Có lần khi Rana trở về nhà trước Emad, cửa để ngỏ, cô tưởng chồng mình trở về, nhưng không phải… Một người đàn ông lạ mặt đã chạm vào tóc cô giống như cách mà chồng cô vẫn thường làm khiến Rana nhầm lẫn. Cô bị tấn công trong phòng tắm…
Ở đây, người xem sẽ thấy bạo lực và cảnh nóng được xử lý rất cẩn thận để phù hợp với những chuẩn mực của một nền điện ảnh Hồi giáo, vừa đủ để người xem hiểu rằng Rana đã bị đánh đập và cưỡng bức. Diễn xuất của nữ diễn viên Taraneh Alidoosti xa cách, lạnh lùng, khiến ngay cả người xem cũng cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, kể từ sau khi cô trở về nhà từ bệnh viện.
Rõ ràng, nhân vật Rana đã bị khủng hoảng nặng nề, trong cô đầy nỗi ám ảnh sợ hãi. Chồng cô - Emad - rất cảm thương với nỗi đau của vợ và đã tìm mọi cách để cùng cô đương đầu với sự việc, nhưng càng lúc anh càng không thể chịu nổi những bất ổn ngày càng tăng tiến ở Rana. Ngôi nhà từ một chốn đi về yên bình trở thành hiện thân của sự đe dọa.
Hai vợ chồng quyết định không báo vụ việc cho cảnh sát để Rana không phải đau khổ thêm vì những câu hỏi chi tiết chắc chắn sẽ được đặt ra, thay vào đó, tự Emad tiến hành một cuộc truy tìm và trả thù… như một cách để “đền tội” cho việc đã không thể bảo vệ vợ mình. Kể từ đây căng thẳng gia tăng…
Nam diễn viên Shahab Hosseini (nam chính của “A Separation” và “The Salesman”) đã diễn xuất rất đạt, khi thái độ của nhân vật Emad chuyển từ dịu dàng, quan tâm sang giận dữ, đáng sợ. Quyết tâm trả thù một cách đau đớn đối với kẻ đã gây ra đau đớn cho vợ chồng mình, Emad giận dữ và thèm khát trả thù.
Nhưng cuộc trả thù ấy thực ra vì danh đự bản thân anh hơn là vì thương xót cho nỗi đau của vợ. Họ không đi trình báo cảnh sát, một phần cũng để giữ thể diện cho Emad - người đàn ông trong gia đình. Kế hoạch mà Emad âm thầm dựng lên để xoa dịu lòng tự tôn bị tổn thương được vạch ra rất khôn ngoan và lạnh lùng…
Một chi tiết thú vị trong phim của đạo diễn Farhadi, đó là sự xuất hiện của những cánh cửa. Những chi tiết ấy xuất hiện trở đi trở lại, như một ẩn dụ về mối tương tác giữa con người và xã hội. Khi cánh cửa khép lại, người ta trở về với cuộc đời riêng; khi cánh cửa mở ra, số phận một người lại hòa vào bối cảnh chung của xã hội.
Chia sẻ về bộ phim, đạo diễn Farhadi từng nói: “Chính trong khủng hoảng, chúng ta hé lộ bản thân mình. Phim, đối với tôi, giống như một phiên tòa xét xử. Người xem chính là thẩm phán”. Một khi khủng hoảng xảy ra, các nhân vật bắt đầu hiểu lầm nhau, xúc cảm rối loạn, khía cạnh đen tối trong tâm hồn mỗi người bắt đầu hé lộ.
“Tôi không bao giờ xây dựng nên những nhân vật mà người xem có thể nói ngay rằng họ thích hay không thích. Nếu phải tóm tắt một từ về các nhân vật của mình, tôi sẽ dùng từ cảm thông. Đó là cách phản ứng của tôi đối với điện ảnh thế giới hôm nay; các nhà làm phim bây giờ quá vội vã trong việc xây dựng nhân vật một cách rạch ròi tốt xấu, mà không hiểu rằng nhân vật tốt cũng có mặt tối và nhân vật xấu cũng cần có cơ hội để biện hộ”, Farhadi từng chia sẻ về phim.
Đối với công chúng mà bộ phim hướng tới, đạo diễn Farhadi chia sẻ rằng thoạt tiên ông chỉ cầu mong phim được khán giả Iran đón nhận: “Kinh phí làm phim rất eo hẹp, tôi thậm chí còn không có đủ tiền làm phụ đề tiếng Anh. Tôi thậm chí không nghĩ phim của mình sẽ được chiếu ở nước ngoài…”.
Trong lịch sử điện ảnh Iran, có 3 phim từng được đề cử ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất tại giải Oscar, gồm “Children of Heaven” (Những đứa trẻ đến từ thiên đường - 1998), “A Separation” (Ly thân - 2011) và “The Salesman” (Người bán hàng - 2016). Trong đó, hai phim giành giải đều của đạo diễn Farhadi, không nghi ngờ gì, ông đã trở thành huyền thoại của nền điện ảnh Hồi giáo.
Mỗi chuyện phim của đạo diễn Farhadi luôn khắc họa những vấn đề rất đời thường đối với con người nói chung, được đặt trong bối cảnh văn hóa Iran nói riêng, đó là sự căng thẳng trong hôn nhân của “A Separation”, là cách con người ta biến đổi khi đứng trước khủng hoảng trong “The Salesman”.
Một nền điện ảnh kỳ lạ - “không bạo lực, không cảnh nóng”, những bộ phim kỳ lạ - khởi đầu từ những câu chuyện rất đời thường nhỏ nhặt, vậy nhưng, họ đã tìm được cách để đến với giải thưởng điện ảnh Oscar danh giá nhất hành tinh và được tôn vinh như thế.
Trailer “The Salesman” (Người bán hàng)
Bích Ngọc
Theo Hollywood Reporter/Guardian