Sức hấp dẫn suốt 30 năm của một câu chuyện tình đau khổ

(Dân trí) - Tại hai khu kịch nghệ lớn hàng đầu thế giới - Broadway (Mỹ) và West End (Anh), trong suốt ba thập kỷ qua, sức hấp dẫn của “Miss Saigon” vẫn chưa ngừng lại, các suất diễn vẫn tiếp tục được thực hiện qua nhiều năm tháng.

Sức hấp dẫn suốt 30 năm của một câu chuyện tình đau khổ - 1

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Miss Saigon” 

Vở nhạc kịch “Miss Saigon” được sáng tạo bởi hai nhà viết kịch người Pháp Claude-Michel Schönberg và Alain Boublil. Tác phẩm được phóng tác dựa trên vở opera “Madame Butterfly” của nhà soạn nhạc opera người Ý Giacomo Puccini. Nội dung cả hai tác phẩm đều kể về câu chuyện bi kịch của một người phụ nữ Á bị người tình bỏ rơi.

Bối cảnh của “Miss Saigon” là thập niên 1970 khi chiến tranh còn chưa kết thúc. Chuyện tình trong “Madame Butterfly” xảy ra giữa một người lính Mỹ và một nàng geisha Nhật, còn trong “Miss Saigon”, đó là cuộc tình giữa một người lính Mỹ và một cô gái Việt làm việc trong quán bar.

Vở nhạc kịch “Miss Saigon” lần đầu được công diễn tại nhà hát Theatre Royal ở London (Anh) vào ngày 20/9/1989 và diễn liên tiếp 4.092 suất cho tới tận ngày 30/10/1999. Sự thành công của “Miss Saigon” đã đưa vở kịch này từ khu kịch nghệ West End của London, Anh tới khu kịch nghệ Broadway của New York, Mỹ.

Vào ngày 11/4/1991, suất diễn đầu tiên của “Miss Saigon” đã được tổ chức tại nhà hát Broadway Theatre. Ngay sau đó, vở diễn được đưa tới hơn 300 thành phố tại 28 quốc gia và thực hiện chặng hành trình miệt mài chinh phục hơn 35 triệu khán giả yêu nghệ thuật sân khấu ở tại nhiều nơi trên thế giới.

Sức hấp dẫn suốt 30 năm của một câu chuyện tình đau khổ - 2

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Miss Saigon” 

Trong sự nghiệp của hai nhà soạn kịch Claude-Michel Schönberg and Alain Boublil, “Miss Saigon” là thành công lớn thứ hai của họ sau vở “Les Misérables” (Những người khốn khổ) thực hiện hồi năm 1985. Tính tới tháng 7/2019, “Miss Saigon” vẫn là vở kịch trình diễn dài hơi và ăn khách thuộc top đầu ở khu kịch nghệ Broadway, New York, Mỹ.

Tại hai khu kịch nghệ lớn hàng đầu thế giới - Broadway (Mỹ) và West End (Anh), trong suốt ba thập kỷ qua, sức hấp dẫn của “Miss Saigon” vẫn chưa ngừng lại, các suất diễn vẫn tiếp tục được thực hiện qua nhiều năm tháng.

Nội dung của “Miss Saigon” xoay quanh tình yêu với muôn dáng vẻ và tâm trạng. Thoạt tiên, đó là niềm tin, rằng ngay cả trong những hoàn cảnh khốn cùng của cuộc đời và con người, tình yêu đích thực vẫn có thể xuất hiện.

Tờ tin tức The Guardian (Anh) so sánh rằng những vở nhạc kịch giống như thực phẩm, đều có “hạn sử dụng”, sức hấp dẫn vị giác hay sức hấp dẫn đối với khán giả đều có giới hạn về mặt thời gian, dù vậy, có những vở nhạc kịch giống như... rượu lâu năm, càng để lâu càng hấp dẫn. “Miss Saigon” là một vở nhạc kịch như thế.

Sức hấp dẫn suốt 30 năm của một câu chuyện tình đau khổ - 3

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Miss Saigon” 

Ông Cameron Mackintosh, nhà sản xuất kịch người Anh - người sản xuất vở “Miss Saigon” trong đợt tái dựng vở diễn ở West End (Anh) hồi năm 2014 - phân tích rằng “Miss Saigon” là một vở kịch của ngọt và đắng. Dàn dựng sân khấu mang nhiều nét thẩm mỹ Á Đông khiến người xem rất ấn tượng.

Nội dung vở kịch không hề vui vẻ, nhẹ nhàng. Đó là một vở kịch của kịch tính, với nhiều giằng xé trong nội tâm nhân vật... làm nên sức nặng cho tác phẩm sân khấu.

Nhân vật nữ chính trong vở kịch là một cô gái mồ côi tên Kim, cô sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó, không thể nương nhờ, trông cậy vào ai, nên sớm vào làm việc trong quán bar để tự nuôi thân, ở đây, Kim gặp và đem lòng yêu một người lính Mỹ tên Chris.

Hai người yêu đương, hẹn thề bên nhau mãi mãi, nhưng rồi thế cuộc xoay vần, chiến tranh kết thúc, Chris trở về Mỹ bắt đầu cuộc sống mới như chưa hề có Kim xuất hiện trong cuộc đời anh. Kim bị người tình bỏ rơi và phải một mình sinh con. Chris không hề biết rằng anh đã để lại cho Kim một cậu con trai.

Sức hấp dẫn suốt 30 năm của một câu chuyện tình đau khổ - 4

Một cảnh trong vở nhạc kịch “Miss Saigon” 

Nhiều năm về sau, Chris được biết về người con anh có với Kim và mong muốn gặp lại Kim để giúp đỡ cho cuộc sống của mẹ con cô, dù vậy, lúc này anh đã có vợ ở Mỹ và không thể nào nối lại tình xưa. Mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn cho con và cũng quá đau khổ cho số phận mình, Kim đã chọn một cái kết bi kịch cho bản thân để được giải thoát khỏi những đau khổ, chia ly.

Câu chuyện tình đau khổ này thường được các nhà phê bình sân khấu ví như “chuyện tình của Romeo và Juliet thời hiện đại”, một tình yêu đau khổ, bi kịch và thậm chí còn buồn thương khắc khoải hơn chuyện tình kinh điển của Shakespeare.

Câu chuyện buồn về một cuộc tình, một cuộc đời cho tới giờ vẫn gây cảm động đối với người xem. Sau 30 năm kể từ khi vở kịch ra đời, nỗi khắc khoải ấy vẫn còn khiến người xem kịch đương đại tiếp tục tìm tới các sân khấu kịch nghệ để cùng đồng cảm với Kim.

Bích Ngọc

Theo New York Times/Los Angeles Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm