"Sự tụt hậu về văn hóa sẽ cản trở phát triển của xã hội"

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Tiến sĩ khoa học (TSKH) Phan Đình Tân - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học nghệ thuật trung ương - bày tỏ suy nghĩ trước thềm Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 như vậy.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 sẽ diễn ra vào ngày mai 24/11, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Hội nghị được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam...

TSKH Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng lý luận, phê bình, văn học nghệ thuật trung ương đã có những chia sẻ trước thềm hội nghị.

Sự tụt hậu về văn hóa sẽ cản trở phát triển của xã hội - 1

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng đoàn Đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam năm 1966 được trưng bày tại triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" (Ảnh: Hữu Nghị).

Xin ông cho biết trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng đã đặt vị thế của văn hóa trong sự phát triển chung như thế nào?

Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa có thể chỉ cần gói gọn trong câu: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".  Đây là tầm nhìn, là định hướng chiến lược, là sự tôn trọng và đánh giá đúng vai trò nền tảng của văn hóa - là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc vượt qua đêm đen, đi đến tương lai tươi sáng của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Bác Hồ đã đặt vị thế của văn hóa trong sự phát triển chung của tiến trình lịch sử cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: "Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa". Văn hóa là một bộ phận làm nên cấu trúc xã hội, thiếu nó, xã hội sẽ không đứng vững được. Vì vậy văn hóa được ví là "nền tảng", văn hóa "là một kiến trúc thượng tầng" xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định giữa văn hóa, văn nghệ với kinh tế và chính trị có mối liên hệ chặt chẽ: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị". "Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh". Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật còn có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết".

 Những nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam luôn coi trọng văn hóa một cách thực chất và thực sự. Từ Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Trường Chinh khởi thảo đến các Hội nghị Văn hóa toàn quốc 1946, 1948 đã thể hiện điều đó với những dấu ấn, những nhận định về văn hóa mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Văn hóa được khẳng định là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Ông có thể phân tích rõ hơn về quan điểm này?

Văn hóa có rất nhiều định nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào cách tiếp cận và tính hướng đích. Tuy nhiên, dù là cách tiếp cận nào thì chung nhất, văn hóa được hiểu là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần do con người làm nên (khác với thiên nhiên - là cái tồn tại ngoài ý chí của con người). Chính vì vậy, trong sự phát triển xã hội, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là cả nền tảng vật chất của xã hội.

Thước đo xã hội phát triển chính là văn hóa. Chính văn hóa điều tiết sự phát triển xã hội, định hướng sự phát triển và là đích phấn đấu của xã hội.

Trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc, tinh thần yêu nước nồng nàn là một biểu hiện của văn hóa đã giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao gian nguy, đoàn kết đấu tranh chống kẻ thù xâm lược.

Động lực và nguồn lực của văn hóa còn có lúc, có nơi có thể được hiểu rất khác nhau và chưa đầy đủ trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam. Ngoài ý nghĩa văn hóa là nguồn lực tinh thần, là ánh sáng soi đường thì cần phải quan tâm, biến tiềm năng văn hóa thành năng lực và tiềm lực để phát triển văn hóa, vừa đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, vừa đem lại nguồn thu nhưng cũng đóng góp vào giá trị cốt lõi của quốc gia, dân tộc bằng giá trị văn hóa mà mỗi một người trong xã hội mang lại.

Sự tụt hậu về văn hóa sẽ cản trở phát triển của xã hội - 2

Tiến sĩ khoa học Phan Đình Tân, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học nghệ thuật trung ương (Ảnh: NVCC).

Thước đo xã hội phát triển chính là văn hóa. Chính văn hóa điều tiết sự phát triển xã hội, định hướng sự phát triển và là đích phấn đấu của xã hội. Tuy nhiên trên thực tế các lĩnh vực khác đều đạt được nhiều thành tựu, nhưng văn hóa lại chưa phát triển tương xứng?

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị". Nghị quyết số 33 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX đưa ra quan điểm: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

Tuy nhiên, từ quan điểm sáng suốt của Đảng, Chính sách, pháp luật đúng đắn của Nhà nước cho đến việc triển khai thực hiện vẫn còn có những ranh giới rất lớn. Chính vì vậy, văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng như kỳ vọng.

Theo tôi, ở đây có nhiều nguyên nhân, nhưng chính yếu nhất là nguyên nhân về nhận thức của một bộ phận lãnh đạo còn yếu, chưa thực sự tâm huyết, chưa có tri thức sâu sắc về văn hóa, còn tư duy giữ ghế trong nhiệm kỳ, chưa thực sự thấu hiểu, chia sẻ những thuận lợi và những khó khăn của đội ngũ văn nghệ sĩ, những người góp phần làm nên văn hóa. Bên cạnh đó, để văn hóa phát triển tương xứng với các lĩnh vực khác của xã hội thì chúng ta cũng phải khách quan đánh giá và phải hiểu bản chất của văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói với tính chất văn hóa "là một kiến trúc thượng tầng", không phải "đơn thương độc mã", mà phải khi những cơ sở hạ tầng của xã hội có kiến thiết rồi, văn hóa mới kiến thiết được và đủ điều kiện phát triển được.

Trong lịch sử của các quốc gia trên thế giới, để phát triển kinh tế, chính trị có thể trong một thời gian ngắn (có thể 10-20 năm), nếu có đường lối đúng đắn, tranh thủ được mọi nguồn lực (nội lực và ngoại lực). Nhưng để văn hóa phát triển tương xứng thì phải muộn hơn, do phải thay đổi nhận thức, tư duy của một đến vài thế hệ.

Nói như vậy, không phải là sự bao che cho việc chậm trễ phát triển văn hóa, nhưng nhận thức về văn hóa đòi hỏi thời gian lâu hơn và vì vậy cần sự quan tâm kiên trì rất lớn, thường xuyên, trực tiếp và liên tục của Đảng và Nhà nước.

Sự phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội được lý giải là do lĩnh vực này chưa được quan tâm đầy đủ… Theo ông, nếu không được đặt đúng vị thế, hệ lụy nào sẽ xảy ra cho sự phát triển của văn hóa nói riêng, và tương lai của đất nước nói chung?

Hệ lụy từ sự tụt hậu của văn hóa là rất lớn. Không phải đơn giản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ví văn hóa là ánh sáng "soi đường cho quốc dân đi". Sự tụt hậu văn hóa sẽ là sự mông muội về nhận thức, về sinh hoạt, về thế giới quan, nhân sinh quan, cản trở sự phát triển của xã hội.

Nhận thức về văn hóa tụt hậu đồng nghĩa với việc không khai thác được các nguồn lực để phát triển, lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người, biến con người thành một sinh vật thụ động và lệ thuộc.

Việc "xây dựng nền văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới" cần những điều kiện gì, thưa ông?

Văn hóa là con người. Để "xây dựng nền văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới" thì con người phải có được một nền tảng văn hóa mới, phải có tầm nhìn mới với nhận thức và tri thức mới với chiều sâu và rộng về văn hóa.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày mai (24/11) có ý nghĩa mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề chấn hưng và phát triển văn hóa. Ông có kỳ vọng gì đặc biệt vào hội nghị quan trọng này?

Tôi kỳ vọng nhiều, nhưng trước mắt, qua Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, mong muốn của tôi là lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm thật sự, thực chất, cụ thể, thiết thực và nhiều hơn đến lĩnh vực "nền tảng" này.

Tôi mong đội ngũ quản lý văn hóa được kiện toàn, thay đổi tư duy, nhận thức cho rằng "cờ, kèn, đèn, trống… là trò tiêu khiển, là mua vui…" của văn hóa. Có làm được như vậy thì "nền tảng" mới vững chắc, sự phát triển xã hội mới hy vọng được bền vững, vận hội và cơ đồ của dân tộc mới được củng cố, ngày càng phát triển…

Xin cám ơn ông về những chia sẻ!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm