1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Sự trở lại của dòng phim đen trắng

(Dân trí) - Trong 2 năm gần đây, điện ảnh thế giới bất ngờ chứng kiến sự trở lại đầy ấn tượng của dòng phim đen trắng với đại diện thành công nhất có thể kể tới bộ phim Pháp “The Artist” giành được 5 giải Oscar.

Khi đạo diễn người Anh - Ben Wheatley chuẩn bị làm bộ phim “A Field in England” (2013), một bộ phim làm về đề tài nội chiến Anh, ông đã thực hiện nhiều cảnh quay thử nghiệm, có những cảnh quay màu và cảnh quay đen trắng. Sau đó, Wheatley đã bất ngờ nhận ra sự khác biệt rất lớn giữa chúng.

Với những cảnh quay màu, vị đạo diễn cho rằng “chúng chỉ toàn màu của phục trang, của cỏ cây, bầu trời… Tất cả chỉ làm phân tâm người làm phim và người xem phim. Trong khi đó, phim đen trắng nhấn mạnh vào sự biểu cảm, từ khuôn mặt cho tới lọn tóc, từ một đường ren trên áo cho tới một ngọn cỏ khẽ rung. Ngần đó đã đủ để tôi lựa chọn sẽ làm phim đen trắng”.

Đạo diễn Ben Wheatley, một nhân vật tiếng tăm của điện ảnh Anh, không phải là vị đạo diễn duy nhất trong thời gian gần đây bỗng nhiên bị dòng phim đen trắng “quyến rũ”.

Chỉ vài tuần trước, đạo diễn kiêm biên kịch người Mỹ - Joss Whedon, cha đẻ của “Avengers” (2012), bộ phim có doanh thu lớn thứ 3 trong lịch sử điện ảnh, cũng vừa tung ra một bộ phim kinh phí thấp có tên “Much Ado About Nothing” (2013) - một tác phẩm điện ảnh đen trắng.

Bên cạnh đó còn có thể kể tới bộ phim hài vui vẻ, nhẹ nhàng “Frances Ha” của đạo diễn người Mỹ - Noah Baumbach, bộ phim sẽ ra mắt trong tháng 7 này, hay bộ phim “Nebraska” của đạo diễn người Mỹ - Alexander Payne. “Nebraska” cũng từng được đánh giá rất cao tại Liên hoan phim Cannes 2013.

Thật kỳ lạ khi những thị trường điện ảnh lớn trên thế giới bỗng nhiên xuất hiện nhiều bộ phim đen trắng trong vòng 2 năm trở lại đây. Dòng phim đen trắng tưởng như đã bị “tuyệt chủng” trong suốt hàng chục năm qua, kể từ khi phim màu ra đời và chiếm ưu thế vượt trội.

Phim đen trắng đột ngột xuất hiện trở lại với đại diện xuất sắc nhất, thành công nhất - bộ phim Pháp “The Artist” (2011) với tổng cộng 10 đề cử tại giải Oscar và rinh về 5 giải, gồm Phim, Đạo diễn, Diễn viên nam chính, Kịch bản gốc và Thiết kế trang phục xuất sắc nhất.


Trailer phim “The Artist”

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể quên “Tabu” (2012) của đạo diễn người Bồ Đào Nha Miguel Gomes, bộ phim hoạt hình “Frankenweenie” (2012) của đạo diễn người Mỹ Tim Burton hay “Blancanieves” (2012) của đạo diễn người Tây Ban Nha Pablo Berger…

Rõ ràng đang có một xu hướng, một dòng chảy xuất hiện trong giới làm phim trên khắp thế giới về thể loại phim đen trắng. Tuy vậy, các nhà sản xuất cũng đều khẳng định rằng làm phim đen trắng giữa thời buổi thống trị của phim màu là một mạo hiểm lớn về kinh tế.

Đạo diễn người Mỹ Alexander Payne, một vị đạo diễn kiêm biên kịch tên tuổi tại Hollywood, từng giành giải Oscar, vậy mà khi ông tuyên bố sẽ làm phim “Nebraska” ở định dạng đen trắng, nhà sản xuất đã hết sức thuyết phục ông thay đổi ý định, khi không thể thuyết phục nổi, kinh phí đầu tư cho bộ phim đã bị cắt giảm.

Trailer phim “Nebraska”
 
 
Vậy điều gì đã khiến dòng phim đen trắng bỗng trở nên hấp dẫn đặc biệt đối với những nhà làm phim đương đại? Theo đạo diễn Alexander Payne, “phim đen trắng là một dòng phim đẹp, nó từng phải rời khỏi các rạp chiếu phim chỉ vì lý do thương mại, không phải vì lý do nghệ thuật”.

Chia sẻ về phim “Nebraska”, một bộ phim đơn giản kể về chuyến hành trình của hai cha con băng qua miền Tây nước Mỹ, đạo diễn Payne chia sẻ: “Câu chuyện giản dị với những nhân vật khắc khổ, tự nó đã chọn cho mình một dòng phim ngay từ đầu. Còn dòng phim nào khắc họa đầy đủ vẻ khổ hạnh và chiều sâu tâm lý của nhân vật hơn phim đen trắng?”

Theo nhận định chung của giới làm phim, phim đen trắng thường được sử dụng cho những chuyện phim đặt ở thời quá khứ hoặc để thể hiện nỗi thương nhớ, hoài niệm. Ví dụ như bộ phim “Nebraska”, đây không phải bộ phim lấy bối cảnh ở thời quá khứ nhưng nó khiến người xem hoài cổ và nhớ về cách sống của những người đàn ông Mỹ cách đây nhiều thập kỷ. Đó là một bộ phim hoài cổ.

Tuy vậy, nhận định này không đúng trong trường hợp của “Frances Ha”, một bộ phim kể về cuộc sống của người phụ nữ trẻ sống giữa thành phố New York hiện đại, đang phải vật lộn với sự nghiệp.

Bộ phim sôi động, trẻ trung, hài hước nhưng đạo diễn Noah Baumbach vẫn chọn làm phim đen trắng bởi “phim đen trắng có một ma lực kỳ lạ, nó hấp dẫn và khiến người xem bị thu hút ngay từ những cảnh đầu tiên”.

Trailer phim “Frances Ha”

Đối với những bộ phim đen trắng hiện nay, đa số các phim ban đầu đều được quay ở định dạng phim màu, ở giai đoạn hậu kỳ mới được chuyển sang định dạng đen trắng.

Đối với phim màu, việc quay phim ngoài trời bị ảnh hưởng khá nhiều bởi cường độ và thời gian chiếu sáng của mặt trời nhưng đối với phim đen trắng, sự ảnh hưởng đó không quá lớn, vì vậy, đạo diễn sẽ không bị chi phối nhiều, họ có xu hướng thích quay ngoại cảnh thực tế hơn là chọn giải pháp an toàn trong trường quay.

Ngoài ra, khi quay phim màu, việc phối màu cho từng cảnh khá quan trọng, từ màu phục trang tới màu sơn trên tường hay màu chiếc ghế sa-lông… Đối với phim đen trắng, đây không phải một vấn đề quan trọng.

Dù vẫn còn sớm để có thể khẳng định rằng dòng phim đen trắng sẽ sống lại và tìm được chỗ đứng vững chắc trong ngành điện ảnh nhưng hiện tại đã có tín hiệu vui khi các đạo diễn đi tiên phong đang bắt đầu tìm về với những thước phim cổ.

Nhà phê bình điện ảnh cũng đồng thời là nhà sản xuất phim của Anh - Mark Cousins thậm chí còn khẳng định: “Điện ảnh trở thành nghệ thuật nhờ dòng phim đen trắng”.

Quả thực đã có những tác phẩm điện ảnh kinh điển được thực hiện trong thời kỳ dòng phim đen trắng còn là lựa chọn duy nhất. Cho tới tận hôm nay, nhiều tên tuổi đạo diễn, diễn viên ở thời kỳ phim đen trắng thống trị vẫn được nhắc tới tựa như những huyền thoại trong giới điện ảnh.

 
 
Pi Uy
Theo Guardian