Sự thay đổi của TPHCM trong 320 năm qua những tấm bản đồ cổ
(Dân trí) - Những tấm bản đồ cổ Sài Gòn qua các giai đoạn sẽ được trưng bày tại Đường sách TPHCM nhân dịp kỷ niệm 320 năm xây dựng và phát triển vùng đất này.
Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Nguyễn phong làm kinh lược sứ lãnh thổ miền Đông. Vị thống soái này lập ra phủ Gia Định với 2 huyện Phước Long (xứ Đồng Nai, có dinh Trấn Biên) và Tân Bình (từ sông Sài Gòn đến sông Vàm Cỏ, có dinh Phiên Trấn). Đây cũng là cột mốc được lấy làm năm khai sinh vùng đất Sài Gòn - TPHCM ngày nay, tính đến nay đã tròn 320 năm.
Nhân dịp chào mừng 320 năm thành lập Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – TPHCM (1698-2018), Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức Tuần lễ sách kỷ niệm 320 năm Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh tại Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình) từ ngày 30/11 đến 9/12.
Đến với chuỗi hoạt động này, người dân sẽ được thưởng lãm bản đồ cổ do người Pháp và người Việt vẽ. Các tấm bản đồ cổ Sài Gòn qua các giai đoạn 1799, 1860, 1864, 1870, 1875, 1878, 1881, 1882, 1893, 1895, 1898, 1911, 1920, 1922,… được ban tổ chức sưu tầm và in ấn rất công phu để phục vụ người dân thành phố.
Trong số những bản đồ trên có 5 bản đồ gốc về chiến sự Pháp tấn công Sài Gòn từ năm 1859 đến 1863 gồm: Bản đồ sông Sài Gòn 1859 do Bộ Hải quân Công binh Pháp vẽ; Bản đồ Sài Gòn 1860 của Trinh sát Công binh Pháp ngày 19/7/1860; Bản đồ Sài Gòn 1861 về Chiến tuyến Kỳ Hòa và phác đồ vị trí các đồn và các tàu Pháp ở Nam kỳ (tháng 11/1861); Bản đồ cảng Sài Gòn 1863 của chuẩn Đô đốc Grandière; Bản đồ Sài Gòn 1866 của Hải quân Pháp.
Ngoài trưng bày các bản đồ, triển lãm còn cung cấp 19 tấm ảnh panorama về Sài Gòn xưa lần đầu tiên được công bố. Ban tổ chức còn trưng bày những tựa sách giới thiệu về các giai đoạn hình thành và phát triển của Sài Gòn - TPHCM được chia làm 3 chủ đề chính: (I) Về lịch sử - địa lý - văn hóa; (II) Sài Gòn - TPHCM qua 2 cuộc kháng chiến; (III) Văn học - Tản văn.
Cùng tìm hiểu những thay đổi của Sài Gòn qua 15 tấm bản đồ cổ:
Tùng Nguyên