Sự lạ kỳ trong thế giới tranh nude của danh hoạ Lưu Công Nhân

(Dân trí) - Nhân dịp tưởng niệm 10 năm ngày mất của danh họa Lưu Công Nhân, một cuộc triển lãm quy mô có tên là “Nét” đã được diễn ra tại Hà Nội vào tối 25/8. Cuộc triển lãm trừng bày 50 tác phẩm, trong đó đa phần là tranh nude ký hoạ trên giấy.

Lần đầu tiên có triển lãm tranh nude ký hoạ trên giấy

Danh hoạ Lưu Công Nhân sinh năm 1931, quê gốc ở Phú Thọ. Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật khoá kháng chiến tại Việt Bắc (1950-1953), danh hoạ Lưu Công Nhân là một trong những học trò xuất sắc nhất của danh họa Tô Ngọc Vân. Ông cũng được cho là chịu ảnh hưởng từ họa sỹ người Pháp Auguste Renoir (1841 – 1919) với quan niệm của về phong cách biểu hiện, luôn đề cao vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt là vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ.

Vẻ đẹp trong tranh Lưu Công Nhân luôn tổ hợp hai yếu tố duyên dáng “quê mùa”, bình dị, mộc mạc với hào hoa, sang trọng, hiện đại… dù là vẽ sơn dầu trên vải hay màu nước trên giấy. Ông đã góp phần định hình nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam trên bản đồ thế giới với các tác phẩm tham dự triển lãm quốc tế tại Vienne Biennal V (1959), Prague (1960), Berlin (1964), Bucarest (1968, 1960), Paris (1980)... Những tác phẩm của danh họa Lưu Công Nhân được Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đánh giá là “tiếp nối cái trữ tình của hội họa Đông Dương bằng nét hiện thực lạc quan của Kháng chiến”.

Chân dung cố danh hoạ Lưu Công Nhân lúc sinh thời. Ảnh: BTC.
Chân dung cố danh hoạ Lưu Công Nhân lúc sinh thời. Ảnh: BTC.

Ông đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quí như Giải thưởng Nhà Nước (đợt I - 2002), Giải thưởng triển lãm toàn quốc 1951 – 1960, Giải thưởng triển lãm quốc tế Vienne 1959, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng III, Huân chương chống Mỹ hạng I, Huân chương Lao động hạng I, Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật.

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ rằng, khi vào Đà Lạt năm 2006, anh có đến xưởng hoạ của danh hoạ Lưu Công Nhân. Lúc này, danh hoạ họ Lưu có bày tỏ mong muốn nhờ anh giúp tổ chức một cuộc triển lãm ở Hà Nội, một triển lãm cuối cùng trong đời để chia tay bạn bè ngoài miền Bắc. Ông đã đưa cho hoạ sĩ Lê Thiết Cương rất nhiều tài liệu để chuẩn bị nhưng khi triển lãm chưa kịp diễn ra thì danh hoạ qua đời vào tháng 7/2007.

Mang nỗi niềm đau đáu với bậc tài danh đã quá cố, hoạ sĩ Lê Thiết Cương đã tìm rất nhiều nhà sưu tập để chọn ra những bức tranh tiêu biểu nhằm tổ chức cho ông một cuộc triển lãm nhưng đều thất bại. Mãi cho đến cách đây 2 năm, anh hữu duyên gặp được nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng.

“Anh Hưởng là một nhà sưu tập đặc biệt. Anh ấy chỉ sưu tập duy nhất tranh của cố danh hoạ Lưu Công Nhân và hiện đang sở hữu trong tay 400 bức. Anh ấy đã rất nhiệt tình, tạo điều kiện cho tôi giám tuyển toàn bộ để chọn ra 50 bức cho triển lãm “Nét”. 50 bức tranh thuộc nhiều nhóm đề tài trong đó, có những tác phẩm nổi tiếng thuộc các thể loại chân dung thiếu nữ khoả thân (nude) trên các chất liệu đa dạng như: sơn dầu, giấy dó, bột mầu, phấn sáp, mầu nước, ký hoạ than chì... Đặc biệt, tại triển lãm, công chúng sẽ được thưởng lãm một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Lưu Công Nhân là “Bình dân học vụ” (tranh sơn dầu khổ 160 x 130cm, vẽ năm 1955).

Một tác phẩm của danh hoạ Lưu Công Nhân. Ảnh: BTC.
Một tác phẩm của danh hoạ Lưu Công Nhân. Ảnh: BTC.

Bên cạnh bộ sưu tập của Nguyễn Phúc Hưởng là chủ đạo, đây cũng là cơ hội hiếm hoi để công chúng chiêm ngưỡng tác phẩm “Những cô gái công trường” của Lưu Công Nhân hiện thuộc bộ sưu tập của Apricot”, hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói.

Theo hoạ sĩ này, “Nét” là triển lãm cá nhân đầu tiên sau năm 1975 của danh họa Lưu Công Nhân, nhằm mang đến cho công chúng một trong những đại diện tiêu biểu của trường phái hiện thực trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Mô tả sự tầm thường nhưng lại không tầm thường

Nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng cho biết, ông vốn sinh ra ở Hàng Bạc - Hà Nội. Sau này, gia đình chuyển vào TP.HCM sinh sống. Tại mảnh đất này, ông quen biết gia đình danh hoạ Lưu Công Nhân và mê tranh của ông từ đó.

“Tôi yêu thích lối vẽ và những bác tranh của danh hoạ Lưu Công Nhân vì tôi thấy tranh của ông rất phóng khoáng và rất gần gũi với đời sống. Bởi lẽ đó, tôi cứ âm thầm sưu tập tranh của ông và duy nhất của ông thôi. Từ năm 1990, tôi đã bắt đầu sưu tập tranh của ông, cho đến khi ông mất tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm những bức tranh của ông”, ông Hưởng nói.

Một bức tranh bán nude do danh hoạ Lưu Công Nhân ký hoạ trên giấy. Ảnh: HTL.
Một bức tranh bán nude do danh hoạ Lưu Công Nhân ký hoạ trên giấy. Ảnh: HTL.

Hoạ sĩ Đào Hải Phong cho rằng, trong con người và tranh vẽ của cố danh hoạ họ Lưu luôn toát lên một niềm kiêu hãnh.

“Người có sự kiêu hãnh, có sự tự tin… mới dám vẽ những tư thế rất tầm thường, chứ không câu nệ xếp đặt người mẫu hoặc đồ vật chỉn chu, ngay ngắn. Dù thế nhưng khi thành tác phẩm thì người xem lại không còn thấy tầm thường nữa mà lại thấy một thân phận ở trong đó. Ông không mô tả cái sự tầm thường một cách tầm thường mà mô tả sự tầm thường để chúng ta thấy gần với đời sống của chúng ta. Đấy là tài năng nghệ thuật của danh hoạ Lưu Công Nhân”, nam hoạ sĩ này nói.

Theo hoạ sĩ Đào Hải Phong, danh hoạ Lưu Công Nhân là một người rất thích vẽ nude. So với thế hệ hoạ sĩ cùng thời, danh hoạ này vẽ tranh nude sớm hơn so với những hoạ sĩ khác.

“Xem tranh của danh hoạ Lưu Công Nhân, có thể thấy, ông đưa Tây học vào hội hoạ nhưng không đánh mất mình tinh thần của người Á Đông. Đó là giá trị tài năng hội hoạ mà danh hoạ họ Lưu để lại đến ngày hôm nay.

Tranh nude của ông mang hình ảnh những người phụ nữ ngồi rất thoải mái, dáng dấp rất tự nhiên… nhưng chúng ta vẫn cảm thấy rất gần với đời sống. Những tranh này, nếu cách đây khoảng 30 năm về trước chưa chắc đã được trưng bày như bây giờ. Đó là cái đi trước thời đại của danh hoạ tài năng này.

Những bức tranh nude của ông cho thấy, ông phải thích nude lắm mới vẽ được như thế này. Dù nude nhưng lại không hề trần tục, không bị thô thiển… đó chính là sự thanh tao trong tâm hồn của người hoạ sĩ. Ông thích tinh thần của người phụ nữ chứ không phải nhục dục như nghĩa mà mọi người thường lầm tưởng.

Sự lạ kỳ trong thế giới tranh nude của danh hoạ Lưu Công Nhân - 4
Tranh nude của danh hoạ Lưu Công Nhân trong triển lãm Nét. Ảnh: HTL.
Tranh nude của danh hoạ Lưu Công Nhân trong triển lãm "Nét". Ảnh: HTL.

Thực ra, đi vào tận cùng thì nude ở đây chỉ là cái cớ để người hoạ sĩ giãi bày tâm hồn nghệ thuật của họ. Vì thế, khi xem tranh nude của hoạ sĩ Lưu Công Nhân là chúng ta nên để ý đến đường nét, trạng thái, hình dáng… chứ không nên chỉ nhìn thấy một người đàn bà không mặc quần áo. Và tài năng của danh hoạ Lưu Công Nhân trong vẽ tranh nude đó là ông vẽ rất nhanh, vẽ bằng nhiều chất liệu (giấy, bút chì, bút nho, mực tàu, màu nước…) nhưng trong mỗi bức tranh lại có thân phận của một người phụ nữ.

Mỗi tư thế ông vẽ đều tương ứng với trạng thái nào đó của người phụ nữ. Có thể là trạng thái sinh hoạt, buồn ngủ, nghĩ ngợi, lo âu, chờ đợi, tiếc nuối hoặc mất mát một điều gì đó… chứ không đơn giản là một người phụ nữ đang khoả thân. Những trạng thái đó rất gần với đời sống và rất sống động dưới góc nhìn nghệ thuật”, hoạ sĩ Đào Hải Phong nói.

Hà Tùng Long