Stress ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể bạn thế nào?
(Dân trí) - Stress có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng hậu quả của việc căng thẳng lâu ngày có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Stress gây những tác hại nghiêm trọng cho các bộ phận trong cơ thể. Thời gian này khi phải ở nhà vì dịch bệnh bạn cũng đừng chủ quan để bảo vệ sức khỏe bản thân nhé.
Ảnh hưởng đến da, tóc
Da của bạn đã có khi nào đột ngột nổi mụn? Điều này có thể do sự thay đổi hormone gây ra bởi stress. Sự căng thẳng tạo ra bởi những rối loạn cảm xúc đó có thể làm tăng phản ứng viêm của cơ thể, gây tắc nghẽn các lỗ chân lông. Khi các chất béo và chất bẩn tích tụ nhiều ở lỗ chân lông và tạo nên mụn đầu đen và mụn nhọt, khiến da trở nên kém mịn màng, nhanh lão hóa.
Lo lắng, căng thẳng, mất ngủ và thói quen sinh hoạt không lành mạnh... đều làm rối loạn chức năng thần kinh, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu của da đầu. Mao mạch sẽ không được cung cấp đầy đủ máu, từ đó không thể cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho tóc dẫn đến rụng tóc.
Ảnh hưởng đến hệ cơ, xương
Stress khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng cao đồng thời cơ thể giải phóng lượng hormone nhiều hơn bình thường. Tất cả những điều này tác động lên hệ cơ xương khớp gây cảm giác căng cứng, đau nhức, đi lại khó khăn.
Khi bạn đang bị căng thẳng, cơ bắp của bạn cũng trở nên căng thẳng hơn. Đây là một hành động phản xạ của cơ bắp phản ứng với stress. Căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến chứng đau nửa đầu và đau đầu, nhức mỏi cơ bắp. Thậm chí nếu stress lâu ngày còn khiến bạn mắc bệnh đau mãn tính, nó còn làm rối loạn cơ xương, teo cơ và căng cơ khi bạn bị căng thẳng quá mức.
Ảnh hưởng đến tim mạch
Stress cũng làm tăng nhịp tim. Dần dần, trạng thái stress kéo dài có thể tác động xấu đến tim mạch. Ví dụ, lo âu có liên quan đến nguy cơ cao mắc nhiều loại bệnh tim: bệnh mạch vành, suy tim và các rối loạn nhịp tim như nhịp tim nhanh.
Ngoài ra, stress có thể tạo ra những thói quen không lành mạnh khi mọi người cố gắng đối phó. Những thói quen này thường bao gồm hút thuốc lá, uống nhiều rượu và ăn quá nhiều - tất cả đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tim và làm tăng nguy cơ đau tim.
Ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch
Những người bị stress thường xuyên và kéo dài thì khả năng đáp ứng miễn dịch giảm và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa
Khi bạn bị stress thường xuyên và kéo dài có thể có những triệu chứng tiêu hóa sau: tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, đau bụng, hội chứng ruột kích thích, loét dạ dày, viêm ruột…
Trong suốt thời gian bị stress, dạ dày có thể hoạt động một cách kỳ lạ và thậm chí cảm giác rất nhỏ thôi trong dạ dày cũng được bộ não "quét qua" và nhấn mạnh nó. Do đó bạn sẽ cảm thấy buồn nôn hoặc đau dạ dày. Khó tiêu là hậu quả trong việc căng thẳng kéo dài, sự hấp thu các chất dinh dưỡng của đường ruột bị ảnh hưởng và việc đại tiện trở nên bất thường, bạn có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy.
Ảnh hưởng đến não bộ
Não là một trong những bộ phận của cơ thể bị ảnh hưởng nhiều nhất. Stress gây tăng tiết cortisol, có những tác động xấu đến vùng não có trách nhiệm trong việc ra những quyết định và khả năng ghi nhớ. Điều này giải thích tại sao đôi lúc chúng ta không đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp trong những tình huống căng thẳng và cũng không tập trung tư tưởng vào các công việc.
Dễ mắc bệnh hô hấp
Căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp của bạn, trong suốt thời gian căng thẳng, phản ứng tự nhiên của cơ thể là hít thở cảm thấy khó khăn hơn. Đối với những người mắc bệnh khí thũng hoặc bệnh phổi, stress sẽ dẫn đến các vấn đề về đường hô hấp như hen suyễn, lên cơn hen và khiến bệnh hen trở nên nặng hơn. Khi không khí đi qua mũi và phổi bị co thắt làm bạn khó hít thở dễ dẫn đến cơn hoảng loạn.