Số phận kỹ nữ ở những nước châu Á xưa

(Dân trí)- Sẽ không ai chấp nhận, nghề kỹ nữ là một nét... văn hóa. Nhưng, ở nhiều nước châu Á cổ xưa, những cô gái làm nghề kỹ nữ lại được tuyển chọn gắt gao, và phải là những người chuyển tải được tất cả những nét văn hóa truyền thống đặc trưng nhất.

Tại Nhật Bản, kể từ thế kỷ 17, nghề kỹ nữ đã bắt đầu phổ biến trong xã hội, đặc biệt ở những thành phố lớn như Kyoto, Edo, và Osaka. Khi đó kỹ nữ được coi là một nghề “cao cấp”, những phụ nữ Nhật làm kỹ nữ khi đó được gọi là “oiran”. Oiran có nhiều thứ bậc với những đẳng cấp khác nhau. Thứ bậc cao nhất là tayu, những kỹ nữ chuyên tiếp những người đàn ông giàu có và địa vị cao nhất trong xã hội.

Số phận kỹ nữ ở những nước châu Á xưa



Để làm hài lòng khách hài, một oiran phải trải qua các khóa học múa, chơi đàn, biết bình thơ và làm thơ, viết thư pháp, trà đạo, cắm hoa và đương nhiên... cả những kỹ năng tình dục. Những người phụ nữ có thể trở thành tayu danh tiếng phải là những người có tri thức và trí tuệ, bởi họ cần sự hiểu biết và nhạy cảm để có thể trò chuyện với những vị khách học rộng hiểu nhiều. Những tayu trong lịch sử đều là những phụ nữ nổi tiếng, không chỉ là hình mẫu của những oiran khác mà còn là những người sáng tạo ra xu hướng nghệ thuật và thời trang mới cho các tiểu thư và quý bà trong giới thượng lưu. Vì vậy, nhiều giá trị văn hóa tinh túy do các oiran tạo ra vẫn còn được bảo tồn cho tới hôm nay.

Khi xã hội Nhật dần dần thay đổi, một luồng văn hóa mới ảnh hưởng từ phương Tây tràn qua với những lái buôn người nước ngoài thường xuyên cập cảng và lưu lại ít lâu. Người Nhật dần trở nên “dễ tính” hơn trong các chuẩn mực văn hóa. Họ đơn giản hóa nhiều quy chuẩn khắt khe trong đời sống và nền văn hóa bình dân (pop culture) bắt đầu được ưa chuộng. Lúc này, oiran với những quy tắc cứng nhắc, chuẩn mực quá cao khiến họ không còn là những kỹ nữ thu hút nhất nữa. Lúc này, geisha bắt đầu lên ngôi với phong cách giản dị, đời thường hơn oiran, và vì vậy geisha có thể tiếp cận với số đông các tầng lớp trong xã hội.

Số phận kỹ nữ ở những nước châu Á xưa



Ở Nhật, có sự phân biệt rõ ràng về phong cách giữa một kỹ nữ và một người phụ nữ đoan chính lý tưởng. Kỹ nữ khoe hết tài sắc của mình, trong khi người phụ nữ Nhật chuẩn mực phải thật khiêm tốn, thể hiện bản thân một cách nhún nhường và rụt rè. Kỹ nữ luôn sống phóng túng còn người vợ, người mẹ trong gia đình phải mang nét đượm buồn, luôn trầm tĩnh và sống có trách nhiệm. Vì sự phân biệt rạch ròi này mà một kỹ nữ bắt buộc phải bỏ nghề nếu cô ấy muốn kết hôn.

Cuộc sống của một kỹ nữ khá bấp bênh và luôn đòi hỏi ở họ tính linh hoạt và sức chịu đựng vì những tính cách đa dạng, các tầng lớp khác nhau và tình huống phức tạp mà họ phải xử lý. Mineko Iwasaki, người được coi là geisha thành công nhất mọi thời đại từng viết trong hồi ký: “Geisha là nghề đem lại sự tự do và tự chủ (về kinh tế) cho phụ nữ, đặc biệt trong thời kỳ phong kiến trọng nam khinh nữ. Nó từng là một nghề đáng trọng trong xã hội. Thật sự, người phụ nữ Nhật trong xã hội phong kiến có quá ít con đường để lập thân và đạt được thành tựu. Muốn khẳng định bản thân và tìm thấy tự do trong đời, họ chỉ còn một lựa chọn là trở thành geisha.”

Mineko Iwasaki


Mineko Iwasaki

Ở Trung Quốc, kỹ nữ không phân thứ bậc và không có nhiều quy chuẩn chặt chẽ như ở Nhật. Độ “hot” của một kỹ nữ phụ thuộc vào yếu tố nhan sắc là chủ yếu. Ngoài ra, họ cũng thường được dạy thêu thùa và chơi đàn. Những kỹ nữ tài danh nhất là những người biết đủ cầm, kì, thi, họa. Trong lịch sử Trung Quốc có thập đại kỹ nữ. Tìm hiểu về cuộc đời các nàng, ta nhận thấy một đặc điểm chung là “hồng nhan bạc mệnh”, “chữ tai đi với chữ tai một vần”...

Mineko Iwasaki



Vương Thôi Xảo (Wang Cuiqiao), kỹ nữ sống dưới thời nhà Minh, nổi tiếng vì cuộc đời lắm chuân chuyên. Nàng bị cha mẹ bán vào lầu xanh từ nhỏ, khi lớn lại bị tú bà bán cho một thương nhân già nua, nhưng may mắn nàng trốn thoát và trở thành thiếp của một người đàn ông trẻ tuổi, con trai một gia đình giàu có. Nhưng chồng nàng đào ngũ ngoài chiến trường khiến nàng ở nhà bị đem bắt giam vào ngục. Người ta dọa sẽ đem nàng làm cống phẩm tặng cho bọn giặc khiến Vương Thị phải tự vẫn.

Lập Thi Thi (Li Shishi) là một kỹ nữ nổi tiếng ở thời nhà Tống. Nàng là con gái của một gia đình làm nghề nhuộm vải. Lập Thị được gửi tới chùa từ khi ba tuổi. Bốn tuổi, cha nàng phạm tội bị bắt giam vào ngục và qua đời trong lao tù. Nàng được những người hàng xóm nuôi lớn. Một tú bà sau đó tìm tới nhận nuôi nàng và rèn rũa để Thi Thi trở thành một kỹ nữ nổi tiếng ở Kinh thành. Hoàng đế Tống Huy Tông (1082-1135) vì say mê tài sắc của nàng mà thường dời cung đi vi hành.

Khi nhà Tống thất thế, Hoàng đế Huy Tông bị quân Kim tống giam vào ngục, Lập Thị bị quân Kim săn lùng ráo riết nhưng chúng không bao giờ tìm được nàng. Nhân gian truyền rằng nàng đã xuống tóc đi tu.

Đỗ Thi Nương (Du Shiniang) là kỹ nữ dưới triều nhà Minh. Nàng vốn là con gái nhà giàu nhưng sau khi cha phạm tội, bị tống giam vào ngục, Thi Nương bị bán cho một mụ tú bà ở Kinh thành. Vốn là con nhà khá giả, nàng biết đủ cầm, kì, thi, họa và nhanh chóng trở thành kỹ nữ tài danh chốn Kinh thành.

Đỗ Thị sau đó đem lòng yêu một chàng trai họ Lý. Hai người hứa hẹn thề nguyền, chàng công tử lấy tiền chuộc nàng ra, nhưng gã Sở Khanh sau đó lại bán nàng cho một người đàn ông giàu có khác với giá hời hơn bởi anh ta thừa biết gia đình mình không bao giờ chấp nhận một cô gái từng là kỹ nữ về làm con dâu. Cuối cùng, khi biết mình đã bị lừa dối, Đỗ Thi Nương đã nhảy xuống sông tự vẫn.

Kỹ nữ tại Hàn Quốc cũng có nhiều nét tương đồng với geisha ở Nhật Bản bởi trong lịch sử, nhiều người Nhật khi di cư tới các tỉnh Busan, Wonsan và Incheon của Hàn Quốc đã mang theo cả văn hóa geisha sang đất nước Kim Chi. Những kỹ nữ tài danh nhất Hàn Quốc cũng phải trải qua một quá trình học tập và rèn rũa khắt khe của các “mama”. Muốn đạt tới một đẳng cấp mới cao hơn, kỹ nữ phải vượt qua những bài thi “sát hạch” về tài năng và học vấn mới được công nhận chính thức đã đạt tới một đẳng cấp cao hơn.

Mineko Iwasaki



Kỹ nữ nổi tiếng nhất trong lịch sử Hàn Quốc là Hwang Jin-i, sống dưới triều đại Joseon. Cô nổi bật bởi vẻ đẹp và trí thông minh hiếm có, Hwang Jin-i cũng được biết tới là người phụ nữ quyết đoán và độc lập. Cô đã đi vào những tiểu thuyết, bài hát dân ca, truyền cảm hứng cho những bộ phim truyền hình Hàn Quốc với hình ảnh đẹp đẽ, thông minh và kiêu sa - người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc dám phản kháng mạnh mẽ sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, tự tin khẳng định tài năng của mình và có chỗ đứng trong xã hội.

Tạo hình nhân vật Hwang Jin-i trong phim


Tạo hình nhân vật Hwang Jin-i trong phim

Tuy vậy, dựa trên những di cảo thơ phú mà Hwang Jin-i để lại, những bài thơ tự sự đầy tính nghệ thuật trong cách gieo vần và xướng âm (thơ nhạc) của cô, người ta nhận thấy Hwang Jin-i luôn trăn trở và đau lòng vì những mối tình không trọn vẹn. Trong cuộc đời, cô có không ít những người đàn ông học thức và địa vị cao ghé qua, nhưng sau đó họ đều ra đi và cuộc đời của Jin-i mãi là cuộc đời của một kỹ nữ cô độc, không có bến đỗ, không có điểm dừng.

Ấn Độ là một quốc gia khác ở Châu Á cũng khá nổi tiếng về tư tưởng “thoáng” trong tình dục từ thời xa xưa. Đất nước này nổi tiếng với những điệu nhảy quyến rũ và điêu luyện. Những vũ nữ tài năng nhất nhiều khi cũng là những kỹ nữ nổi tiếng nhất. Trong tiếng Ấn Độ, còn có hẳn một danh từ Nagarvadhus nghĩa là “cô dâu của thị trấn”.

Hồ Bích Ngọc



 
 
Hồ Bích Ngọc
Tổng hợp