Số phận “bi đát” của những siêu xe tốc độ trên màn ảnh
(Dân trí) - Những người yêu thích dòng phim siêu xe - tốc độ hẳn rất tò mò không biết sau khi xuất hiện trên màn ảnh, những siêu xe này rồi sẽ “đi đâu, về đâu”… Câu trả lời sẽ khiến nhiều người sửng sốt.
Cách thức những siêu xe tốc độ được chế tạo ra để phục vụ riêng cho những bộ phim hành động từ lâu đã được biết tới, đó là một quy trình đòi hỏi sự đầu tư lớn, tính toán kỹ càng. Nhưng khi quá trình quay phim kết thúc, những “siêu phẩm trên đường đua” rồi sẽ đi đâu, về đâu? Những siêu xe nhảy dù từ máy bay, những “tia chớp” lao mình qua vách núi… sẽ như thế nào?
Có một thực tế hẳn khiến nhiều khán giả yêu thể loại phim siêu xe - tốc độ phải… buồn lòng, đó là tất cả những “siêu phẩm của đường đua”, sau khi hoàn tất sứ mệnh trên màn ảnh, sẽ chịu chung một kết cục - bị xe ủi nghiền nát thành sắt vụn.
Điều này đã được thực hiện với tất cả các tập phim của “Fast and Furious” (Quá nhanh, Quá nguy hiểm) - loạt phim đình đám nhất màn bạc ở thể loại siêu xe - tốc độ.
Tính đến giờ, số siêu xe đã “hy sinh” để phục vụ loạt phim này phải lên tới cả nghìn, bởi mỗi tập đều “trảm” vài trăm xe. Riêng trong tập mới ra mắt - “Furious 7”, đã có tới hơn 230 chiếc xe hơi “hóa thân” thành sắt vụn.
Đối với “Fast & Furious 6” (2013), trong cảnh xe tăng nghiền nát hàng loạt xe hơi đang lưu thông trên đường cao tốc, người ta đã phải làm việc với bãi thu mua xe cũ để mỗi ngày mang tới 25 chiếc xe cũ phục vụ cảnh quay, mỗi lần cảnh không đạt lại mang tới thêm 25 chiếc nữa…
Đối với “Fast Five” (2011), trong cảnh chiếc két sắt khổng lồ của ngân hàng bị kéo phăng trên đường phố, ê-kíp làm phim đã phải làm việc với chính quyền thành phố Puerto Rico - nơi quay cảnh phim này - để họ điều tới những chiếc xe hơi cũ sắp bị phá hủy ở bãi tập kết xe hơi thải loại, cảnh quay này rất “tốn xe”. Kết thúc cảnh quay, những chiếc xe đều ở tình trạng bẹp dúm và bãi xe thải loại không cần mất thêm công phá hủy nữa.
Thực tế, những chiếc xe bị “dùng như phá” trên trường quay của “Fast & Furious” không phải chỉ toàn xe cũ rẻ tiền, thậm chí còn có khá nhiều xế sang đời mới. Tuy vậy, một khi đã xuất hiện trên phim trường của “Quá nhanh, Quá nguy hiểm”, tất cả chúng rồi sẽ đều đón nhận kết cục như nhau, và sau cùng sẽ có những người chuyên thu mua xe “phế liệu” đến cẩu xác xe đi.
Tất cả các siêu xe tốc độ, xế sang đời mới sau khi đã trải qua những cảnh quay nguy hiểm, gây ảnh hưởng tới chất lượng xe, nhà sản xuất phim đều yêu cầu xe phải bị nghiền nát để không ai còn có thể “tiếc rẻ” đem đi sửa rồi tiếp tục sử dụng. Điều họ sợ nhất chính là một vụ tai nạn gián tiếp liên quan tới bộ phim, một vụ tai nạn mà họ không thể kiểm soát được.
Vậy là tất cả siêu xe của “Fast & Furious” giờ này đang lưu lạc đâu đó trên thế giới, trong… một bãi xe phế liệu nào đó.
Trong quá trình thực hiện mỗi tập phim, ê-kíp sản xuất “Fast & Furious” đều phải tuân thủ một điều khoản nghiêm ngặt, đó là ghi lại chi tiết quá trình xử lý đối với từng chiếc xe xuất hiện trên phim trường, phải đảm bảo để từng chiếc đều bị phá hủy “hoàn hảo”, bởi nếu những xe này tiếp tục được sử dụng sau đó, rất có thể đoàn phim sẽ phải gánh chịu những trách nhiệm pháp lý.
Trong “Furious 7” có cảnh xe hơi rượt đuổi trên đường cao tốc ở vùng núi bang Colorado, Mỹ. Để thực hiện cảnh này, ê-kíp làm phim đã “phá” tới hơn 40 chiếc xe.
Trong buổi đầu của dòng phim siêu xe - tốc độ hồi thập niên 1960, các nhà sản xuất phim thường thuê người tới cẩu xe ra bãi phế liệu và thế là… hết trách nhiệm. Vì vậy, những người muốn sưu tầm siêu xe màn bạc dễ dàng có cơ hội “vớ bẫm” nếu biết chính xác thời gian và địa điểm xe được chở ra bãi.
Người ta sẽ tái chế những chiếc xe thải loại này, đem bán với danh nghĩa “siêu xe màn ảnh”. Thuở đó, mỗi khi xe được chở ra bãi, ngay lập tức sẽ có nhiều người tới săn lùng, xin mua lại.
Khi dòng phim siêu xe - tốc độ ngày càng lớn mạnh và bắt đầu xuất hiện những loạt phim triệu đô, các đoàn phim ngay lập tức siết chặt điều khoản đối với những xe thải loại bước ra từ phim trường của họ. Chẳng nhà làm phim nào muốn bị kiện vì có một “fan cuồng” lấy xe cũ hỏng của đoàn phim đem đi tái chế rồi gây tai nạn.
Hiện giờ, tất cả những ê-kíp làm phim chuyên nghiệp đều tuân theo nguyên tắc này, ví dụ ê-kíp của “Captain America: Chiến binh mùa đông” (2014), khi hoàn tất phim, họ có tổng cộng 150 xe hơi bị hỏng ở những mức độ khác nhau. Họ mời công ty chuyên tái chế và phá hủy xe hơi tới làm việc, giúp phân loại những xe cần phá hủy triệt để và những xe có thể đem tái chế.
Vậy là số phận của những siêu xe màn ảnh đã rõ, chúng có cuộc đời nhiều khi ngắn ngủi nhưng cũng đã kịp tỏa sáng và có một cái kết “bi hùng” y như phim.
Tuy vậy, cũng có ngoại lệ, một khi người có tham vọng sở hữu siêu xe màn ảnh lại chính là diễn viên trong đoàn, thường anh ta sẽ có cách xoay xở để đạt được ý nguyện.
Đơn cử như trên phim trường “Death Proof” (Dòng máu sát thủ - 2007), sau khi các siêu xe phục vụ cho phim đã bị phá hủy cả, vẫn còn lại một chiếc được “miễn trảm”, đó là chiếc vốn để dành cho các diễn viên đóng thế tập rượt. Đạo diễn phim - Quentin Tarantino - đã đặc cách để một diễn viên đóng thế được giữ lại chiếc xe. Thi thoảng, anh này vẫn lái chiếc xe đó đến chơi nhà đạo diễn Tarantino.
Mỗi dịp như vậy, hai người lại cùng “sóng đôi”, một bên là siêu xe của “Death Proof”, một bên là xe tải vàng chóe của “Kill Bill: Volume 1” (2003), họ cùng nhau “diễu phố” và cười sảng khoái. Đó là một trải nghiệm thú vị mà chỉ những người làm nghề mới thấu hiểu hết “độ sung sướng”. Nói chung, quy định cũng vẫn có ngoại lệ…
Bích Ngọc
Theo WSJ