Siu Black “xuống núi” bước vào phòng thu với nhiều tâm tư
(Dân trí) - Đã rất lâu, Siu Black không thu thanh. Cô đang dần rút lui khỏi showbiz, sống tại mảnh đất quê hương. Từ cao nguyên về Hà Nội, bước vào phòng thu với rất nhiều tâm tư, Siu hát buồn và chất chứa, người nghe có thể hiểu cảm xúc ấy đến từ những biến cố cuộc đời.
Bức tranh toàn cảnh về Tây Nguyên bằng âm nhạc
Nhạc sĩ Nguyễn Cường - người gắn bó nhiều năm với Tây Nguyên, cha đẻ của hàng loạt ca khúc gắn với đồng bào Tây Nguyên đã cùng nữ nhạc sĩ trẻ Giáng Son biên tập đĩa nhạc “Gió bay về ngàn”. Dung hoà giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại, “Gió bay về ngàn” vẽ ra bức tranh toàn cảnh về Tây Nguyên bằng âm nhạc đủ đầy và sâu sắc.
12 ca khúc được hai thế hệ nhạc sĩ: Nguyễn Cường và Giáng Son lựa chọn trong số gần 100 ca khúc viết về đề tài Tây Nguyên. Đó là những bài hát về thiên nhiên bao la như “Nghiêng nghiêng rừng chiều”, “Mưa cao nguyên”, con người như “Đôi chân trần”; về tình người như “Thênh thênh oh ơi”… Album đi từ đời sống tinh thần như “Giấc mơ Chapi”, đến đời sống tâm linh như “Đi tìm lời ru mặt trời”, “Voi không đuôi”…
Riêng về đề tài tình yêu, những bài hát mới “Và ta lại thấy mặt trời”, “K’Bing ơi”, “Mưa nhớ” đi vào chiều sâu của tâm hồn người nghệ sĩ và người nghe, khi nó chạm đến những tâm tư thầm kín nhất của con người Tây Nguyên, vừa lãng mạn, vừa kiêu hùng, nhưng đôi khi lại thoáng buồn lẻ loi.
Nếu như nhạc sĩ Nguyễn Cường coi giọng ca Hoạ mi Tây Nguyên - Siu Black là “báu vật” thì sự tập hợp các giọng ca trong album “Gió bay về ngàn” là một kho báu. Siu Black và Y Zắc là hai giọng ca thành danh của núi rừng Tây Nguyên, đã được khán giả trong và ngoài nước hâm mộ.
Mai Trang và Y Garia là hai giọng ca thế hệ mới của Tây Nguyên, được đào tạo bài bản tại trường Đại học Nghệ thuật Quân đội, sớm được công nhận tại các cuôc thi Sao Mai và Sao Mai điểm hẹn…
Giọng ca duy nhất không thuộc về Tây Nguyên là Tùng Dương. Anh xuất hiện trong đĩa nhạc như một sự gửi gắm của nhạc sĩ Nguyễn Cường với nhạc phẩm lần đầu ra mắt công chúng: “Bến Giằng”. Tất nhiên, ngọn lửa trong giọng ca này không hề kém cạnh những giọng ca nội lực Tây Nguyên chút nào.
Khi Siu Black và Y Zắc âm ỉ tiết chế
Đã rất lâu, Siu Black và Y Zắc không thu thanh. Họ đang dần rút lui khỏi showbiz và trở về sinh sống với mảnh đất cao nguyên quê hương. Từ hai thành phố cao nguyên là Buôn Mê Thuột và Pleiku về Hà Nội, họ bước vào phòng thu với rất nhiều tâm tư.
Thời gian đã làm hai giọng ca thêm nhiều trải nghiệm. Lần này, cả Siu Black và Y Zắc đều được giao những bài hát ngược, không hừng hực cháy mà âm ỉ tiết chế. Chưa bao giờ thấy Siu Black và Y Zắc hát buồn đến thế như khi bước vào phòng thu 2 ca khúc “K’Bing ơi” và “Voi không đuôi”.
Siu hát buồn và chất chứa, người nghe có thể hiểu cảm xúc ấy đến từ những biến cố đời sống riêng. Còn Y Zắc, với một đề tài âm nhạc đầy bất ngờ - “hiện tượng voi Tây Nguyên bị chặt trộm đuôi” thì nỗi buồn trong bài hát là kết quả của sự kết hợp của hai tài năng sáng tác và biểu diễn. Với đĩa nhạc hi end này, người nghe sẽ có một góc nhìn khác về hai giọng ca Siu Black và Y Zắc, rất trữ tình và bay bổng.
Nói về phần hoà âm mới mẻ của “Gió bay về ngàn”, 3 nhạc sĩ hoà âm Thanh Phương, Minh Đạo, Lưu Hà An đã có một cuộc dạo chơi đầy bất ngờ.
Âm nhạc họ mang đến không phải những gì hoành tráng về số lượng, hay mới mẻ đương đại với nhạc cụ điện tử mà chỉ với biên chế dàn nhạc cơ bản, những phong cách âm nhạc phù hợp với đối tượng nghe nhạc hi end, các bản hoà âm càng đòi hỏi sự ngẫu hứng tài hoa cá nhân rất nghệ sĩ.
Có lẽ, ít người hình dung nhạc Nguyễn Cường lại chơi Bosanova uyển chuyển, đong đưa sẽ thế nào. Nhưng đó là điểm hấp dẫn của đĩa nhạc này. Trong một số bản hoà âm, có sự xuất hiện của dàn cồng chiêng tạo không gian ambient rộng lớn cho phần acoustic lãng mạn của nhạc sĩ Thanh Phương; nghệ sĩ Flute- Lê Thư Hương cũng góp tiếng sáo điêu luyện của mình trong hai bài…
Phần - Mix và Mastering do nhạc sĩ Thanh Phương và nhạc sĩ John Vestman (người từng được đề cử Grammy) cùng góp sức hoàn thiện.
Phương Nhung