Sẽ xoá bỏ nhiều cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia, chỉ giữ lại duy nhất Hoa hậu Việt Nam?
(Dân trí) - Dự thảo Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn sẽ đề xuất trong nước chỉ có một cuộc thi mang tên Hoa hậu Việt Nam hàng năm. Từ cuộc thi này sẽ chọn ra Top 5 hoặc Top 10 để tham gia các cuộc thi lớn trên thế giới theo danh sách của Cục NTBD.
Theo đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn, dự thảo Nghị định mới bao gồm 8 Chương quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành bản ghi âm, ghi hình các loại hình nghệ thuật biểu diễn và phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.
Trong đó, nổi cộm lên là vấn đề cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975, tác phẩm của người Việt định cư tại nước ngoài và vấn đề quản lý thi người đẹp, người mẫu.
Theo Biên đạo múa Tuyết Minh - Thành viên Tổ Biên tập dự thảo Nghị định cho biết thì dưới góc độ hòa hợp dân tộc và xu thế hội nhập, người làm quản lý mong muốn quy tụ nguồn lực về Việt Nam. Công sức lao động trong sáng tạo phải làm sao không chảy máu chất xám. Từ những thực tế đó, trong xây dựng chính sách cũng phải hướng đến việc xóa bỏ những ranh giới không đáng có.
“Theo tôi, bài hát, tác phẩm trước hay sau năm 1975, trong nước hay hải ngoại cũng đều phản ánh cảm xúc con người nên việc cấp phép phải dựa trên thẩm mỹ nghệ thuật. Tác phẩm không đi ngược với pháp luật, kể cả ngôn từ, giai điệu… thì được quyền đến với công chúng.
Về vấn đề này, Cục NTBD và các thành viên trong Tổ Biên tập dự thảo Nghị định nhận thấy vấn đề cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 và tác phẩm của người Việt định cư tại nước ngoài trong thời gian qua đã gây nên những luồng dư luận “không tốt”. Từ những thực tế đó, trong xây dựng chính sách phải xóa bỏ những ranh giới không đáng có”, Biên đạo múa Tuyết Minh nói.
Riêng về chuyện quản lý thi người đẹp, người mẫu, hoa hậu… biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, theo dự thảo này, Cục NTBD sẽ công bố danh sách khoảng 10 cuộc thi hoa hậu lớn nhất, uy tín và lâu năm thế giới/khu vực để các người đẹp Việt Nam tham gia.
Dự thảo cũng đề xuất trong nước chỉ có một cuộc thi mang tên Hoa hậu Việt Nam hàng năm. Từ cuộc thi này sẽ chọn ra Top 5 hoặc Top 10 để tham gia các cuộc thi lớn trên thế giới theo danh sách của Cục NTBD. Bên cạnh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, mỗi vùng, khu vực trên cả nước sẽ được tổ chức một cuộc thi người đẹp vùng hoặc khu vực.
“Về vấn đề “thắt chặt” hay “nới lỏng” thì phải thẳng thắn nhìn nhận việc quản lý người mẫu, người đẹp, thời trang hiện nay ở Việt Nam là khá phức tạp. Trong dự thảo mới, Cục NTBD sẽ phân chia chi tiết cuộc thi trong nước và quốc tế. Bộ VHTT&DL sẽ cấp phép cho cuộc thi cấp quốc gia và danh hiệu là Hoa hậu.
Các cuộc thi khác sẽ phân theo khu vực với số lượng cuộc thi giới hạn. Giấy phép các cuộc thi khu vực sẽ do UBND mỗi thành phố đăng cai năm đó của khu vực đó cấp. Các tỉnh trong khu vực sẽ luân phiên tổ chức cuộc thi Người đẹp chứ không phải năm nào cuộc thi khu vực A cũng diễn ra ở tỉnh, thành phố B. Cuộc thi sắc đẹp khu vực sẽ có danh xưng Người đẹp. Các người đẹp từ các cuộc thi này nếu đủ điều kiện vẫn có thể tham gia các cuộc thi quốc tế trong danh sách Cục NTBD đưa ra”, Biên đạo múa Tuyết Minh nói thêm.
Biên đạo múa Tuyết Minh khẳng định, Nghị định 79/2012 và Nghị định 15/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị định 79 đã hoàn thành sứ mệnh. Bởi nếu xét trong tình hình thực tế hiện nay 2 Nghị định này mới chỉ quy định về thủ tục cấp phép, kinh doanh biểu diễn chứ chưa đưa ra những chính sách phát triển ngành nghệ thuật nói chung.
Thủ tục cấp phép, kinh doanh biểu diễn chỉ là một mảng nhỏ chứ chưa hướng đến mặt bằng lớn của phát triển nghệ thuật biểu diễn. Trong dự thảo mới sẽ “cởi trói”, tạo hành lang thông thoáng hơn cho những quy định cũ đã nảy sinh những bất cập trong thời gian qua.
Đơn cử, với thủ tục cấp phép, hiệu lực của giấy phép đối với cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ thông thoáng hơn.
Cụ thể, đối với hoạt động của cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dự thảo Nghị định quy định thủ tục cấp phép trực tiếp cho đối tượng này không phải thông qua các pháp nhân Việt Nam, giấy phép có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc và có thời hạn sử dụng.
Các nghệ sỹ chịu trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật theo giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định một số trường hợp cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép biểu diễn nhằm khuyến khích các cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Hà Tùng Long