Sẽ “trảm” sách thiếu nhi nhảm

Cục Xuất bản sẽ xử lý nghiêm các NXB in truyện dành cho thiếu nhi phản cảm, sẽ đưa các nhóm liên kết sai phạm ra “ánh sáng” và xử phạt.

Thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi có những chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ miêu tả phản cảm. Chẳng hạn, truyện Thạch Sanh (NXB Kim Đồng) có chi tiết mẹ Thạch Sanh cởi quần nhường cho con; tập truyện thần thoại Số phận và bi kịch (NXB Kim Đồng) vẽ những bức tranh pho tượng biến thành cô gái lõa thể; truyện nàng tiên út bày cho con giết ông ngoại một cách tỉ mỉ, dã man (NXB Văn học)...

Chọn lọc phải được cộng đồng công nhận

Phóng viên: Quan điểm của Cục Xuất bản đối với hiện tượng nhiều cuốn sách cổ tích dành cho trẻ em bị phụ huynh phản ứng như thế nào, thưa ông?

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản-In và Phát hành: Quan điểm của tôi là bất cứ cộng đồng nào trên thế giới cũng đều có thể có những câu chuyện cổ tích của cộng đồng họ nhưng đến một giai đoạn nào đó, do sự phát triển của nhân loại, của cộng đồng thì chúng ta phải có sự chọn lọc, tiếp thu. Làm sao để những điều đó phù hợp với sự phát triển và đặc biệt phải được cộng đồng công nhận.

Liên quan đến vấn đề này, phó giám đốc NXB Văn học cho rằng những truyện được in ra chỉ là tái bản, phải tôn trọng bản sách cũ?

Bàn luận chuyện này, tôi nghĩ chúng ta nên có một cuộc hội thảo, càng nhiều hội thảo càng tốt để làm rõ tính chính xác của những câu chuyện cổ tích đó như thế nào, tính tiếp biến văn hóa qua từng giai đoạn phát triển của loài người ra sao. Còn ở đây, dù là nguyên bản chúng ta cũng phải cân nhắc khi lựa chọn tác phẩm đó, nhất là khi chúng ta lại in sách và dành cho độc giả là trẻ em.

Vậy nếu câu chuyện đó tôn trọng nguyên bản nhưng ngôn ngữ không phù hợp, phản cảm thì NXB có vi phạm và bị xử lý không, thưa ông?

Cần phải hiểu truyện cổ tích là sáng tác dân gian qua nhiều đời, có nguyên bản và dị bản. Nguyên bản là những tác phẩm được nhiều người kể nhất, còn dị bản là có một số địa phương kể khác nhau, hoặc có một giai đoạn lịch sử nào đó người ta kể khác nhau. Bao giờ trong truyện cổ tích cũng có nguyên bản và dị bản. Vậy thì trước hết phải xét NXB xuất bản câu chuyện đó là nguyên bản hay dị bản chứ chưa bắt lỗi NXB được.

Biến “sọ dừa” thành “sọ người” trong truyện cổ tích Sọ Dừa,
NXB Hồng Đức khiến công chúng bức xúc

Biến “sọ dừa” thành “sọ người” trong truyện cổ tích Sọ Dừa, NXB Hồng Đức khiến công chúng bức xúc

Có những di sản của cha ông không thể đem theo đến tương lai

Từ trước tới nay Cục Xuất bản đã có văn bản nào nhắc nhở các NXB về việc này chưa?

Chúng tôi không gọi đó là nhắc nhở mà là đề nghị. Cục đã từng có văn bản đề nghị các NXB cân nhắc sách tham khảo cho các cháu ở trong nhà trường, đối với những yếu tố chưa có sự đồng tình cao của xã hội thì chúng ta phải xem xét để không đưa vào hoặc phải dùng ngôn từ cho cẩn thận. Ví dụ như câu chuyện cổ tích có đoạn miêu tả Thạch Sanh chém chằn tinh cho phọt óc, có thể thời cha ông ta kể đúng là chém phọt óc nhưng chúng ta viết ra thì dùng từ chém đầu là được rồi.

Cũng có ý kiến cho rằng giữ nguyên bản truyện cổ tích là tôn trọng tác giả dân gian, NXB không nên can thiệp vào việc đó?

Cái gì cha ông ta để lại cũng đúng cả, chúng ta không phản bác nhưng có những cái chúng ta tiếp thu, cũng có những cái chúng ta không thể đem theo đến tương lai được. Ví dụ truyện Tấm Cám, chi tiết Tấm làm mắm cô Cám để gửi cho mẹ có thể nhằm nói đến sự hận thù của những người nông dân hiền lành nhưng bị áp bức quá dẫn đến hành động như thế. Có thể câu chuyện lúc đó là phù hợp nhưng bây giờ kể lại cho các cháu có thể lại không được. Chúng ta đang phấn đấu để hướng đến xã hội văn minh, phát triển, phải suy xét xem chúng ta có nên để lại cho đời con cháu tiếp thu những chi tiết như thế không.

Rà soát các NXB trên cả nước

Trước thực tế xuất bản bất ổn hiện nay, Cục Xuất bản sẽ có động thái gì để hạn chế những cuốn sách, câu chuyện cổ tích phản cảm ra thị trường?

Như đã nói ở trên, NXB phải có một thái độ cầu thị, phải coi sự phản ánh của công chúng là nhiệt kế của công việc xuất bản. Phải lựa chọn truyện, dùng câu chữ, biên tập cho cẩn thận để phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với giáo dục và phải chính xác nữa. Không được bịa, không được thêm, không được dùng ngôn từ bạo lực, phản cảm.

Để xảy ra vi phạm là do một số NXB đã buông lỏng quản lý trong quy trình biên tập và liên kết, biên tập không kỹ, thiếu nhạy bén chính trị. Năm nay Cục Xuất bản sẽ ra quân kiểm tra, rà soát tất cả NXB trên cả nước, trong đó có những NXB cho ra đời những cuốn sách nhảm.

Xin cám ơn ông!

 

 Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam:

Sai do trình độ tác giả chưa tới, do năng lực của biên tập viên

Những cuốn sách có những chi tiết, nội dung sai có thể là do trình độ viết sách của tác giả chưa tới hoặc do năng lực còn yếu của biên tập viên. Trong quy trình công tác biên tập tại NXB, trong các cuốn sách đều có bảng đính chính. Nếu cuốn sách đã được xuất bản lần đầu có sai sót thì sẽ được tác giả hoặc NXB chỉnh sửa, thêm bớt ở lần tái bản bổ sung tiếp theo. Việc độc giả, truyền thông góp ý để hoàn thiện một tác phẩm là điều cần thiết. NXB nên cầu thị và tiếp nhận những đóng góp để lần tái bản bổ sung cuốn sách sẽ hay và hữu ích hơn. Điều này cũng góp phần ngăn chặn những cuốn sách nhảm, sách rác ra ngoài thị trường.

Nam Trân

Theo Hồ Viết Thịnh

Pháp luật TPHCM