Sẽ thế nào nếu Bob Dylan cứ tiếp tục “ngó lơ” Nobel Văn học?

(Dân trí) - Viện hàn lâm Thụy Điển sau khi chính thức tuyên bố Bob Dylan là chủ nhân của giải Nobel Văn học 2016 đã trở nên… “bất lực” trong việc liên lạc trực tiếp với nam ca sĩ - nhạc sĩ huyền thoại người Mỹ.

Bob Dylan thời trẻ
Bob Dylan thời trẻ

Hiện tại, không có bất cứ thông tin nào từ phía Bob Dylan về việc liệu ông có tới thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào tháng 12 này để nhận giải hay không.

Bob Dylan trong các buổi trình diễn của mình vẫn tiếp tục giữ im lặng trước việc ông vừa là chủ nhân của giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh. Ông cũng không hề thể hiện sự trân trọng đối với quyết định trao giải của Viện hàn lâm Thụy Điển như các nhà văn vẫn thường làm theo thông lệ.

Tính cách quái chiêu của Bob Dylan đã được thể hiện rất rõ ràng và… triệt để. Tất cả những đồng nghiệp thân thiết, những fan hâm mộ trung thành đều hiểu đây chính là phong cách lạnh lùng, trầm lặng, điềm nhiên “rất Bob Dylan” và rằng không có gì lạ khi Bob Dylan luôn có một cách ứng xử lạ lùng hiếm thấy so với các nghệ sĩ ngôi sao khác.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Bob Dylan vẫn tiếp tục không nhận những cuộc gọi từ Viện hàn lâm Thụy Điển? Trong lịch sử trao giải Nobel Văn học, nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre là nhân vật duy nhất từng chủ động từ chối nhận giải; ông đã viết một lá thư gửi tới ủy ban trao giải hồi năm 1964 yêu cầu ủy ban trao giải không cân nhắc xét giải cho mình.

Nhưng thực tế, ủy ban trao giải đã đưa ra quyết định cuối cùng về việc sẽ trao giải cho Jean-Paul Sartre từ trước khi lá thư của ông được gửi tới Viện.

Bob Dylan thời trẻ
Bob Dylan thời trẻ

Trong lá thư gửi tới Viện, Jean-Paul Sartre từng viết: “Việc tôi ký tên mình là Jean-Paul Sartre và việc tôi chuyển sang ký thành Jean-Paul Sartre - người giành giải Nobel Văn học, không hề giống nhau. Một nhà văn cần phải từ chối để bản thân mình chuyển dịch sang thành một nhân vật nổi tiếng, cho dù đó có là giải thưởng danh giá cao quý nhất”.

Mặc dù nhà văn Jean-Paul Sartre đã từ chối nhận giải, nhưng ủy ban trao giải Nobel vẫn không thay đổi quyết định của mình và giải năm đó vẫn đề tên Jean-Paul Sartre là chủ nhân của giải. Tại thời điểm đó, đại diện của Viện hàn lâm Thụy Điển đã đưa ra phát ngôn: “Việc nhà văn Jean-Paul Sartre từ chối danh hiệu này không hề làm giảm đi giá trị của giải thưởng”.

Nói theo cách khác, quan điểm của Viện hàn lâm Thụy Điển là một nhân vật có thể từ chối xuất hiện tại lễ trao giải, có thể không nhận khoản tiền thưởng (hiện tại tiền thưởng là một tờ séc trị giá 900.000 USD), nhưng nhân vật đó sẽ không thể nào từ chối danh hiệu bởi việc xướng tên ai là do ủy ban trao giải quyết định và một khi quyết định đã đưa ra, họ sẽ không thay đổi.

Theo quy định của Quỹ Nobel, giải Nobel không thể được trả lại sau khi đã được trao đi, và cũng không thể bị bãi bỏ một khi quyết định đã được đưa ra.

Sẽ thế nào nếu Bob Dylan cứ tiếp tục “ngó lơ” Nobel Văn học? - 3

Hiện tại, thư ký thường trực của Viện hàn lâm Thụy Điển - bà Sara Danius - nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất chính là Bob Dylan đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Văn học, còn việc ông có công nhận điều đó hay không không phải là vấn đề lớn:

“Nếu ông ấy không muốn xuất hiện tại lễ trao giải, ông ấy sẽ không tới, vậy thôi. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ tổ chức một sự kiện lớn trong bất cứ trường hợp nào, và niềm vinh dự vẫn sẽ được dành cho ông ấy”.

Vậy là, nếu Bob Dylan vẫn tiếp tục “ngó lơ” giải Nobel Văn học, giải thưởng vẫn sẽ nêu danh Bob Dylan là chủ nhân của giải thưởng năm 2016, bất kể việc ông có đưa ra phát ngôn nào hay không, thậm chí kể cả khi ông không xuất hiện tại lễ trao giải.

Kể từ đây, giải Nobel Văn học vẫn sẽ lưu danh Bob Dylan, ông vẫn sẽ được xem là chủ nhân của giải năm 2016 bất kể phản ứng ra sao.

Like a Rolling Stone - Bob Dylan

Bích Ngọc
Theo Telegraph