Sau "trái tim quái dị", tất cả tiểu cảnh thiếu thẩm mỹ bị yêu cầu di dời
(Dân trí) - Chiều ngày 11/12, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động đã đi kiểm tra trước giờ khai mạc Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại 2020.
Tại buổi kiểm tra, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ông Tô Văn Động cho biết, các làng nghề đã bảo đảm đúng tiến độ thi công, trưng bày cũng như các thiết kế trang trí đã được phê duyệt.
Trước đó, có một số mẫu trang trí do các nghệ nhân tự trưng bày không nằm trong kế hoạch và không bảo đảm thẩm mỹ nên Sở đã yêu cầu các nghệ nhân di dời.
Sở dĩ Sở yêu cầu di dời tất cả tiểu cảnh không đảm bảo thẩm mỹ ở Hồ Gươm vì sự cố tiểu cảnh trái tim dựng cạnh Hồ Gươm bị dư luận phản ứng.
Cụ thể, tối 10/12, mô hình trái tim được kết bằng mây tre đan, có phần đâm ra tua tủa bị giới họa sĩ và các nhà văn hóa cho rằng không đẹp mắt, thậm chí phản cảm. Theo họa sĩ Lê Đình Nguyên, điều này là không thể chấp nhận được và cần phải dẹp bỏ ngay mô hình này.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng chia sẻ: "Tôi mang cảm giác: bao nhiêu vẻ đẹp Thăng Long, bao nhiêu tác phẩm điêu khắc đẹp của các nghệ sỹ Việt Nam hình như chưa bao giờ có trong đầu những người quy hoạch thủ đô thời đổi mới. Vì thế, thi thoảng họ lại cho hiện ra giữa thủ đô một hình thù quái dị".
Trả lời phóng viên Dân trí, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, tiểu cảnh trái tim này là của người dân làng nghề mang tới, đang thi công để tối 11/12 bắt đầu đầu trưng bày tại lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại nhưng không được duyệt.
Ngay khi có phản ánh từ dư luận, Ban tổ chức lễ hội đã yêu cầu các nghệ nhân di dời mô hình này đi.
"Tất cả các gian trưng bày được yêu cầu bảo đảm làm nổi bật giá trị văn hóa, tay nghề của các nghệ nhân làng nghề truyền thống nhưng vẫn đậm tính sáng tạo và tính thẩm mỹ. Bên cạnh đó, các gian trưng bày được yêu cầu thực hiện các công tác phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, cung cấp nước sát khuẩn cho người dân và du khách", ông Tô Văn Động khẳng định tại buổi kiểm tra.
Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại Hà Nội 2020 nhằm giới thiệu những nét tinh hoa làng nghề thủ công truyền thống Hà Nội được trưng bày tại khu vực nhà Bát Giác, Tượng đài Lý Thái Tổ và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Đây cũng là hoạt động thiết thực góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian truyền thống trong xã hội đương đại, nhằm thực hiện cam kết của TP Hà Nội tham gia mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Theo ông Tô Văn Động, với tinh thần trên, Hà Nội sẽ vừa làm, vừa lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân và các chuyên gia, nhà văn hóa, để làm sao có được những sự kiện văn hóa tinh thần đặc sắc nhất cho người dân và du khách.