Sân khấu nỗ lực hồi sinh sau “cơn hoang tàn” của đại dịch

(Dân trí) - Nhiều năm qua, nghệ thuật sân khấu đã phải đối diện với không ít thách thức khi muốn “sáng đèn” mà không có khán giả. Đại dịch Covid-19 càn qua lại càng khiến cho các đơn vị nghệ thuật điêu đứng hơn.

Làm nghệ thuật cũng cần có cả tư duy làm kinh tế

Theo chia sẻ của một số đơn vị nghệ thuật thì dịch bệnh đã khiến cho mọi hoạt động biểu diễn bị đình trệ, không có nguồn thu, không có công ăn việc làm… Những đơn vị nghệ thuật của Nhà nước dù nghệ sĩ được trả lương cơ bản nhưng mức lương rất thấp nên nhiều người không đủ trang trải cuộc sống.

Những đơn vị nghệ thuật phải tự chủ về thu chi đã xoay sở đủ kiểu vẫn không tìm được nguồn tài chính để trả lương cho người lao động. Vì lẽ đó mà nhiều đơn vị đã phải cho cán bộ, công nhân viên nghỉ việc tạm thời với 50% lương chờ khi mọi thứ ổn định trở lại.

Sân khấu nỗ lực hồi sinh sau “cơn hoang tàn” của đại dịch - 1

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm việc với các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTT&DL.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, lãnh đạo Bộ đã nắm rất rõ những vấn đề khó khăn mà các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ phải đối mặt trong thời gian qua. Bộ VHTT&DL cũng đã có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, trước những thách thức mới, đã đến lúc các đơn vị nghệ thuật cần phải có sự thay đổi tư duy về làm nghệ thuật để đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của khán giả.

“Trên thực tế có nhiều chương trình nghệ thuật còn sơ sài, cẩu thả từ nội dung tới hình thức. Nếu cứ dựng rồi diễn theo lối mòn thì xin đừng kêu ca là vì sao khán giả không tới rạp. Mười hai nhà hát của Bộ phải là những đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc thay đổi tư duy để làm nên những tác phẩm hay, có chất lượng và chạm được tới trái tim khán giả. Để đạt được như vậy thì cần phải đầu tư, nâng cấp ngay từ khâu kịch bản, dàn dựng, thiết kế sân khấu sao cho đẹp hơn, hấp dẫn và hiện đại hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng, người làm nghệ thuật cũng cần có cả tư duy làm kinh tế. Hãy yêu chính mình, tâm huyết với tác phẩm của mình làm ra trước khi kêu gọi người khác đến với nghệ thuật. Các đơn vị nghệ thuật cũng nên bỏ tiền ra mua vé để đến xem các chương trình biểu diễn của đơn vị bạn. Có xem mới biết được mình đang ở đâu và tự hỏi rằng có đủ sức để tham gia cuộc chạy đua cạnh tranh lành mạnh trong nghệ thuật cũng như tự thay đổi tư duy của chính mình hay không.

“Con đường duy nhất để sinh tồn của nghệ thuật biểu diễn trong cơ chế thị trường chính là các đơn vị nghệ thuật phải xây dựng thương hiệu riêng bằng chất lượng nghệ thuật và được đánh giá bằng thước đo từ khán giả”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói thêm.

12 nhà hát đồng loạt “ra quân”

Trước thực tế đó, Bộ VHTT&DL đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho 12 nhà hát sáng đèn để các tiên phong trong việc kéo khán giả trở lại với sân khấu. Theo đó, các nhà hát thuộc Bộ VHTT&DL sẽ có cuộc “ra quân” đồng loạt tại các địa điểm biểu diễn lớn tại Hà Nội.

Sân khấu nỗ lực hồi sinh sau “cơn hoang tàn” của đại dịch - 2

Sân khấu xã hội hoá Lệ Ngọc sẽ biểu diễn liên tiếp 15 suất vở "Cây tre thần" tại Rạp Đại Nam để phục vụ khán giả.

Trong đó, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ “mở màn” với vở “Bệnh sĩ” của cố tác giả Lưu Quang Vũ vào tối ngày 23/5. Hiện nay rất nhiều các đơn vị  trực thuộc Bộ VHTT&DL đã mua vé ủng hộ cho đêm diễn. Tiếp sau vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam, mỗi đơn vị nghệ thuật sẽ diễn một vở diễn tiêu biểu, có chất lượng để phục vụ khán giả trong dịp này.

Ngoài ra, sân khấu xã hội hoá Lệ Ngọc cũng sẽ công diễn liên tiếp 15 suất vở “Cây tre thần” (tác giả Lê Thế Song, NSƯT Bùi Như Lai dàn dựng) từ 21/5 đến 2/6 tại Rạp Đại Nam để phục vụ khán giả. Đây là vở diễn mang chất ngụ ngôn chứa đựng triết lý sâu sắc về thiện - ác, nhân - quả và trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ màu xanh môi trường.

NSƯT Xuân Bắc - PGĐ Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ, sau một thời gian dài “bất động” vì đại dịch, tất cả các nghệ sĩ đều nhớ da diết ánh đèn sân khấu và mong muốn được biểu diễn trở lại. Càng nóng ruột hơn khi các lĩnh vực khác đã vào guồng mà các nhà hát vẫn im hơi lặng tiếng. Vì thế, giới nghệ thuật biểu diễn vô cùng hân hoan khi đích thân Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo và phê duyệt chủ trương tổ chức một chùm các chương trình nghệ thuật chất lượng cao tại các nhà hát. Càng phấn khởi hơn khi lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo cho các đơn vị, cơ quan trong Bộ mua vé đi xem nghệ thuật.

“Nghệ thuật biểu diễn là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng rõ ràng sau khoảng lặng vừa qua, những người làm nghề hẳn sẽ có nhiều hơn thời gian để suy ngẫm và có những bước đi chín chắn cho sự phát triển của cá nhân cũng như cả đơn vị.

Chúng tôi mong rằng không chỉ một buổi mà cần tổ chức mỗi nhà hát khoảng năm buổi diễn để có cơ hội được “khoe” những tác phẩm hay nhất, mang phong cách và thương hiệu riêng của từng đơn vị. Giải pháp kịp thời này đã tháo gỡ những khó khăn mà các nhà hát đang phải đối diện”, NSƯT Xuân Bắc nói.

Lịch diễn của các Nhà hát trong mùa hè:

Ngày 31/5:  Xiếc “Sự trở lại của Cướp biển 2020” (Rạp xiếc Trung ương)

Ngày 12/6: Chương trình “Mặt trời phương Đông” (Nhà hát Âu Cơ)

Ngày 13/6 : Vở chèo “Vân dại” (Nhà hát Chèo Kim Mã)

Ngày 19/6: Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam diễn chương trình hòa nhạc chọn lọc (Phòng hòa nhạc Nhạc viện Hà Nội)

Ngày 20/6: Vởi rối “Thân phận nàng Kiều” (Nhà hát Lớn)

Ngày 27/6: Vở “Tháng 6 trời mưa” (Nhà hát Lớn); Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc diễn “Nhịp điệu ATK” (Trung tâm VHNT tỉnh Thái Nguyên)

Ngày 11/7:  Vở cải lương “Chuyện tình Khau Vai” (Nhà hát Lớn)

Ngày  22/8: Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam diễn vở “Hồ Thiên Nga” (Nhà hát Lớn).

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm