Thực trạng của sân khấu kịch TPHCM (Phần 2)

Sân khấu kịch chưa bao giờ “nuôi sống” diễn viên

(Dân trí) - Nói về thu nhập của diễn viên sân khấu kịch, NSND Kim Xuân chia sẻ: “Bao giờ chúng tôi cũng đi làm thêm, có người đi lồng tiếng, đi đóng phim… Mấy chục năm trước cũng vậy, người ta yêu sân khấu, thích sân khấu và họ sống với sân khấu. Nhưng vì số lượng của khán giả đến sân khấu nhỏ, có hạn cho nên thu nhập của sân khấu khó có thể nuôi sống được một người diễn viên”.

Trong bài trước, chúng tôi đã chia sẻ thực trạng về tình hình hiện tại của sân khấu kịch đang hoạt động cầm chừng vì nhiều khó khăn ở thời điểm hiện tại vì nhiều vấn đề khác nhau.

Sân khấu kịch chưa bao giờ “nuôi sống” diễn viên

Nhiều ý kiến cho rằng, diễn viên không còn diễn ở sân khấu vì bận chạy show do thu nhập của diễn viên tại sân khấu không đủ cho cuộc sống, cơm áo là vấn đề mấu chốt.

Chia sẻ về vấn đề này, NSND Kim Xuân cho biết, đã từ lâu, thu nhập của sân khấu chưa bao giờ là thu nhập chính cho một người diễn viên, đặc biệt là diễn viên diễn những đơn vị xã hội hóa đang hoạt động hiện nay. Nữ diễn viên “Có căn nhà năm nghe nắng mưa” chia sẻ: “Bao giờ chúng tôi cũng đi làm thêm, có người đi lồng tiếng, đi đóng phim… Mấy chục năm trước cũng vậy, người ta yêu sân khấu, thích sân khấu và họ sống với sân khấu. Nhưng vì số lượng của khán giả đến sân khấu nhỏ, có hạn cho nên thu nhập của sân khấu khó có thể nuôi sống được một người diễn viên”.

Không khó để nhận thấy, nhiều gương mặt chính của các sân khấu kịch vẫn đang hàng ngày xuất hiện trong các gameshow, phim truyền hình – đây cũng là nơi tạo ra nguồn thu nhập nhập chính cho đa số diễn viên hiện nay.

Diễn viên Ngọc Lan từng phải rời bỏ sân khấu kịch cách đây 6 năm vì cô cảm thấy không đủ sức lực đầu tư cho kịch lẫn cho phim ảnh. Thời điểm đó, là một trong những diễn viên nữ chính của nhiều phim, Ngọc Lan đã chọn phim để đảm bảo cho kinh tế của mình cũng như việc đi phim trong nhiều tháng liền cô cũng không đảm bảo được lịch tập, lịch diễn cho sân khấu.

Với thu nhập cao nhất của diễn viên kịch sau mỗi vở diễn từ 300 ngàn cho đến trên 1 triệu, so với vài trăm triệu một bộ phim cho thấy sự chênh lệch khá lớn.

Sân khấu kịch chưa bao giờ “nuôi sống” diễn viên - 1

Diễn viên trẻ Thanh Nhựt, của nhóm kịch NNCK đang hoạt động tại sân khấu kịch Minh Nhí chia sẻ, nhóm không đủ điều kiện nhưng vẫn cố gắng duy trì mỗi đêm chỉ để sân khấu sáng đèn, anh chị em được thoả niềm đam mê cống hiến phục khán giả.  

“Đam mê và quyết tâm của nhóm mình chính là sân khấu. Không nói ra thôi, chứ suất nào diễn cũng bù lỗ hết. Trong nhóm, có rất nhiều thành viên chạy show nhưng ai cũng né lịch, sắp xếp để diễn với nhau một vở kịch dài hơn 1 tiếng mà cát-xê thì nói thật chứ “không đủ ăn chứ ở đó mà sống”, Thanh Nhựt tâm sự.

“Khó khăn lắm chứ, không dám than thở, chỉ biết cầu Tổ thương cho có nhiều show ngoài để “lấy ngắn nuôi dài”, để mỗi đêm anh chị em chúng tôi lại quây quần bên nhau và gặp gỡ khán giả. Nhóm chỉ mong muốn được khán giả yêu thương, ủng hộ trong mỗi suất diễn là vui lắm rồi”, anh chia sẻ thêm.

Nghệ sĩ Hạnh Thúy cũng chia sẻ, mỗi đêm chị diễn ở sân khấu 5B với số lương không bao nhiêu, có đêm chị còn bỏ thêm tiền túi để mua vé ủng hộ sân khấu. “Nhìn xuống khán giả không có mấy người, mình cầm tiền sao đặng…”, nghệ sĩ Hạnh Thúy bày tỏ.

Ở một khía cạnh khác, chị cho rằng sân khấu chưa làm được vở diễn lôi kéo khán giả đến với rạp, bởi mặc dù diễn sân khấu ít tiền thật nhưng bất cứ ai tìm được niềm vui từ diễn sân khấu đều thấy “sướng”. Từ ca sĩ cho đến người mẫu, diễn viên điện ảnh được về diễn sân khấu đều cảm thấy vui thích và hài lòng mà không cảm nhận được ở bất kỳ thể loại nghệ thuật nào khác.

Giải pháp nào cho sân khấu?

Trên thực tế, đa số các sân khấu xã hội hóa đang hoạt động tại TPHCM đều do các nghệ sĩ hoặc các bầu show đi thuê. Mặt bằng của nhà nước, giá thuê hỗ trợ nên được gọi là sân khấu xã hội hóa. Nhưng dù hỗ trợ giá thuê thấp hơn so với những trung tâm thương mại hay toà nhà cao ốc nào thì kịch nói vẫn không gánh nổi với nhiều lý do là ít khán giả.

Về cơ sở vật chất, các sân khấu thuê lại rạp cũ, không như phim rạp văn minh hiện đại, người xem cũng cảm giác không đổi mới. Không ít người ngại đi xem bởi đời sống bây giờ đòi hỏi cao hơn mà sân khấu kịch chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả.

Sân khấu kịch chưa bao giờ “nuôi sống” diễn viên - 2

Nghệ sĩ Mỹ Uyên và dàn diễn viên của 5B sau vở diễn Chuyện tình nữ phạm nhân

Hiểu rõ vấn đề này, thế nhưng gần như là “lực bất tòng tâm”, nghệ sĩ Mỹ Uyên cho biết: “Chúng tôi không có kinh phí để làm mặt bằng hiện đại, cạnh tranh với rạp văn minh. Mà tình hình sân khấu kịch hiện tại, một phần bù lỗ để giữ số ít khán giả còn lại, tìm kịch bản mới để duy trì… Nghĩa là vừa bù lỗ, vừa đầu tư thêm để giữ sân khấu sáng đèn là việc mà đa số sân khấu thành phố hiện đang gồng gánh”.

NSND Kim Xuân đồng tình với chia sẻ của Mỹ Uyên, chị chia sẻ thẳng thắng: “Đại đa số những sân khấu ở TPHCM đều là sân khấu của các đơn vị đi thuê, mướn không ai có được sân khấu của riêng mình giống như nhà hát kịch Thành phố. Nhưng mâu thuẫn ở chỗ, nơi có mặt bằng thì không có hoạt động diễn thường xuyên, còn nơi sáng đèn rất nhiều là ở những đơn vị xã hội hóa. Người ta thuê mặt bằng và cứ đến hạn hết hợp đồng phải trả lại mặt bằng đó. Thế thì làm sao người ta dám đầu tư hết mức để cho sân khấu có đầy đủ công năng của một nhà hát đúng nghĩa”.

Nghệ sĩ Hạnh Thúy cũng cho rằng sân khấu đòi hỏi quá nhiều, điều kiện vật chất không đáp ứng được nên mới có sự thiệt thòi đó. “Nhưng rõ ràng sân khấu có hấp lực lớn. Và hiện giờ vẫn có nhiều người cố gắng, nhưng sự cố gắng đó chưa đồng bộ lắm, và sức của một vài cá nhân không lôi nổi được nền sân khấu lên được”.

Mặc dù tình hình hoạt động ngày càng không khả quan, nhưng những người đã trót yêu sân khấu như máu thịt và cuộc sống vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc. Vẫn loay hoay tìm đường cho sân khấu có thể sống, tồn tại.

Theo như nghệ sĩ Hạnh Thúy chia sẻ, nhiều sân khấu vẫn đang loay hoay nhưng vẫn chưa tìm được hướng ra thành công. Các sân khấu vẫn duy trì kiểu hoạt động truyền thống từ xưa đến nay, nhưng có thể chưa tìm được sự đồng cảm với khán giả để kéo khán giả về với mình như mong ước.

Sân khấu Hồng Hạc không diễn hàng tuần mà diễn theo hợp đồng, mỗi tháng diễn vài suất tại các nhà hát cho các đơn vị du lịch hoặc nghệ sĩ Việt Linh (bà bầu sân khấu Hồng Hạc - PV) sẽ bán cho một số đối tượng đặc biệt.

Sân khấu Minh Nhí chủ yếu để đào tạo, cũng là điểm hoạt động của học trò của anh. Mặc dù không gian nhỏ hẹp nhưng nghệ sĩ Minh Nhí và các học trò của mình cố gắng đẩy thành chuyên nghiệp cho các sinh viên học diễn xuất có đầu ra về nghề. 

“Mỗi sân khấu đều tự tìm cách tồn tại, để sống, để đến với khán giả nhưng thực ra chưa có sân khấu nào có hướng đi mạnh mẽ hay tạo ra lối dẫn dắt”, nghệ sĩ Hạnh Thúy khẳng định.

Nghệ sĩ Mỹ Uyên cho rằng, hiện sân khấu không thiếu kịch bản, nhưng với thời buổi du nhập phát triển công nghệ thì nội dung kịch bản cũng phải chạy theo xu thế. Không còn nhiều kịch bản dựng tác phẩm văn học hay thể nghiệm nhiều. Dựa theo tầng lớp khán giả, chiều theo khán giả. Từ đó nhiều sân khấu đi vào sự dể dãi, kịch bản đơn thuần giải trí không sâu sắc.

“Riêng sân khấu 5B vẫn giữ phong cách sân khấu nhỏ thể nghiệm, nội dung có phần cập nhật thời sự, cũng theo phong trào giải trí nhưng trong tầm kiểm duyệt và mức độ không chìu khán giả. Tất nhiên khan giả trẻ sẽ ít hơn, còn khán giả ruột bớt dần vì thế hệ ngày trước đã già”. Chị nói.

Thế nhưng, liệu sẽ duy trì được bao lâu? Nghệ sĩ Mỹ Uyên bất ngờ cho biết, chị sắp phải bán nhà vì mượn tiền làm sân khấu, đến nay chị đã vay nợ hơn 1,5 tỷ đồng.

Chị bộc bạch: “Không phải nợ nần gì hay trách nhiệm gì với nơi đây, mà tôi bỏ không đành. Sân khấu chính thống hơn 2000 năm nay không may một được. Nó mất dần khán giả nhưng phải gìn giữ hết mức có thể”.

Băng Châu