1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Thực trạng của sân khấu kịch TPHCM

Nghệ sĩ trải lòng về Sân khấu kịch Thành phố (Phần 1)

(Dân trí) - Sau thông tin sân khấu kịch của NSND Hồng Vân đã phải đóng cửa sau 14 năm, ngoài việc sân khấu bị lấy lại mặt bằng phải đóng cửa, nhìn lại tình hình sân khấu kịch thời gian qua, không khó để nhận ra rằng, sân khấu hoạt động đã không còn khả quan.

Thực trạng chung của sân khấu kịch ở TPHCM

Trong những ngày qua, câu chuyện về tình hình sân khấu kịch tại TPHCM vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Có thể nói, TPHCM là nơi tập trung nhiều sân khấu kịch nói nhất trong cả nước, có thể kể đến: Idecaf, Hoàng Thái Thanh, 5B, Thế Giới trẻ, kịch Phú Nhuận, kịch Sài Gòn… Đa số các sân khấu hiện nay đều hoạt động cầm chừng, nhưng cũng có sân khấu hoạt động khá hiệu quả, như Idecaf, Thế giới trẻ…

Nghệ sĩ trải lòng về Sân khấu kịch Thành phố (Phần 1) - 1

Hiện tại, mỗi tuần Idecaf sáng đèn từ thứ 4 đến chủ nhật, và đa số các vở diễn đều không còn vé để bán.

Cùng với đó, lực lượng diễn viên tên tuổi nhất của sân khấu kịch tại TPHCM đều quy tụ ở sân khấu này, có thể kể đến: Thành Lộc, Hữu Châu, Kim Xuân, Lê Khánh, Hoàng Trinh, Bạch Long...

Nói về sự tồn tại và vị trí vững chắc trong nhiều năm qua của Idecaf, nghệ sĩ Kim Xuân - người đã gắn bó với sân khấu từ năm 1997 đến nay cho biết: “Theo tôi đây là sân khấu hoạt động theo cung cách hiệu quả nhờ có kịch bản tốt và dàn dựng thuyết phục. Khán giả ở Idecaf cũng quen “nếp” ở đây, sân khấu mở màn rất đúng giờ, khán giả không có chuyện đem thức ăn, thức uống vào khán phòng. Đây là nơi thưởng ngoạn nghệ thuật hoàn toàn. Khán giả đến đây chỉ mục đích duy nhất là đến xem kịch mà mình bỏ tiền ra để xem mà không phải bị phân tán gì khác”.

Còn ở sân khấu Thế giới trẻ, đa số là những gương mặt đều là những gương mặt nghệ sĩ trẻ tên tuổi đang lên của sân khấu kịch thành phố, như: Diệu Nhi, Puka, BB Trần, Hải Triều, Hoàng Phi, Anh Tú, Nam Thư...

Nghệ sĩ trải lòng về Sân khấu kịch Thành phố (Phần 1) - 2

Sân khấu Thế Giới Trẻ mang đến các vở diễn có nội dung kịch bản mang tính giải trí cao, các diễn viên đều thoải mái thể hiện bản thân, làm sao để cho khán giả cảm thấy vui vẻ và thoải mái nhất. Có lẽ điều này cũng mang đến cho Thế giới trẻ sức hút riêng so với các sân khấu khác.

Thời hoàng kim và thực trạng hiện tại

Thời hoàng kim - thời kỳ sân khấu kịch và hoạt động mạnh mẽ nhất là từ năm 1997 đến sau năm 2000. Thời điểm đó, có thể kể tên các sân khấu như 5B, Nam Quang, sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu Idecaf, nhà hát Hòa Bình… Không nhiều sân khấu, nhưng sân khấu nào cũng hoạt động hiệu quả, đông nghẹt khán giả.

Nghệ sĩ trải lòng về Sân khấu kịch Thành phố (Phần 1) - 3

Hạnh Thúy chia sẻ, thời kỳ đỉnh cao của sân khấu mỗi ngày chị chạy ít nhất 10 show...

Ở giai đoạn sân khấu kịch ở Sài Gòn sôi nổi nhất, Hạnh Thúy còn là cô diễn viên mới tinh, chỉ chạy show tấu hài là chính. Với sân khấu thì chỉ "ngấp nghé" những vai nhỏ nhưng chị vẫn nhớ.

Chị kể: "Khi đó khán giả và nghệ sĩ đến với sân khấu kịch như đến với thánh đường. Những năm đầu của sân khấu kịch dài duy nhất là 5B, nghe anh chị lớn kể, diễn viên chỉ biết diễn hết mình, dù cát-sê lúc đó chỉ có thể mua vài tô phở nhưng được hoá thân vào những nhân vật ở sân khấu là điều thiêng liêng mà diễn viên trẻ như tôi có mơ cũng không được. Thời đó vừa ra trường, tôi tham gia tấu hài với các anh lớn, chạy show tấu hài mỗi ngày cả chục điểm là chuyện bình thường… Nhà hát Hòa Bình dựng một vở kịch mỗi đêm bán hàng ngàn vé cũng có khán giả. Rất lâu rồi sân khấu Sài Gòn không còn không khí như vậy…”

Chị cho rằng, có lẽ bây giờ khán giả có nhiều sự lựa chọn nên không còn mặn mà, nhiều loại hình nên khán giả cũng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Nghệ sĩ Kim Xuân chia sẻ về tình hình sân khấu kịch hiện tại: “Tình hình sân khấu hiện nay không trong thời kì hoàng kim, chúng ta không có một sân khấu kịch mà khán giả đến xem ở mức độ từ 1000-2000 người như ở nhà hát Hòa Bình ngày xưa. Trong khi chúng ta có lực lượng diễn viên, có những tài năng khác nhau và có thể thu hút được khán giả. Theo tôi ở các sân khấu kịch nói cũng đang sống không được thoải mái”.

Nghệ sĩ trải lòng về Sân khấu kịch Thành phố (Phần 1) - 4

NSND Kim Xuân luôn cảm thấy trăn trở về thực trạng khiến sân khấu kịch khó phát triển.

Nhìn nhận thực tế tình hình sân khấu miền Nam, nghệ sĩ Hạnh Thúy thẳng thắn: “Sân khấu miền Nam đang buồn, nhưng buồn do nghệ sĩ, diễn viên chứ không phải do khán giả. Một số sân khấu quá kén khán giả. Một số sân khấu chưa đủ để khán giả lựa chọn đầu tiên. Mỗi sân khấu đều gánh gồng để làm, nhưng có chỗ làm tốt, chỗ làm không tốt”.

Chị cho rằng, nếu gọi là sân khấu tàn cũng không hẳn, đây có lẽ là khoảng lắng, là giai đoạn khán giả sẽ làm việc sàng lọc, sẽ có câu trả lời đúng nhất về nhu cầu của mình. “Sân khấu muốn tồn tại phải thay đổi hoặc là tìm cách để tiếp cận khán giả hiệu quả hơn. Ở đây không nói về chất lượng, có những sân khấu làm rất chỉn chu, nghiêm túc, thậm chí chất lượng nghệ thuật rất tốt nhưng không đến được với khán giả. Có thể họ chưa tìm được sự đồng cảm của khán giả”.

Nghệ sĩ Mỹ Uyên, người đang tổ chức và điều hành sân khấu kịch 5B cho biết, không chỉ 3 năm gần đây, mà suốt hơn 6 năm qua sân khấu kịch nói vơi dần khán giả. “Bởi rất nhiều lý do, phần lớn là bị lấn áp của giải trí số trong thời buổi 4.0”

Nghệ sĩ trải lòng về Sân khấu kịch Thành phố (Phần 1) - 5

Vì yêu sân khấu, nghệ sĩ Mỹ Uyên đã tự bỏ tiền túi để đầu tư và gầy dựng 5B trở lại sau 3 năm đóng cửa.

5B từng “gồng không nổi” với dàn ban giam đốc là những nghệ sĩ từng làm nên tên tuổi của sân khấu. Nghệ sĩ làm quản lý nhưng làm theo kiểu “nghệ sĩ tính” nên tiền thu không đủ chi. Sân khấu 5B đã phải đóng cửa từ năm 2015 đến 2018. Vào tháng 4/2018, nghệ sĩ Mỹ Uyên đã bỏ 100% tiền ra để gầy dựng và sáng đèn trở lại cho đến nay.

“Nhưng cũng bù lỗ suốt, diễn viên nồng cốt của sân khấu đã không còn ai, người già, người mất, người không còn làm nghề. Tôi mong muốn sân khấu 5B tồn tại không phải ở thế hệ nối tiếp giữ lửa sân khấu hiện tại như Mỹ Uyên, Hanh Thúy Tuyết Thu, Trung Dũng, Quý Bình… thì phải dành sân cho các bạn trẻ”, Mỹ Uyên chia sẻ thêm.

Nghệ sĩ Kim Xuân cho rằng, tình hình sân khấu kịch ở hiện tại cũng giống như một chu kỳ vận hành của cuộc sống. “Này xưa tôi đã từng chứng kiến mấy chục đoàn cải lương nhưng tất cả những rạp trong thành phố họ đều tua nhau hàng tuần và luân phiên diễn nhưng diễn rất là tốt. Lúc đó không có video xem ở nhà, không có sân khấu hài các tụ điểm và các gameshow như bây giờ, sau đó đến thời kì cực thịnh của kịch nói, phim chiếu rạp, gameshow và bây giờ đã trở lại phim truyền hình, gameshow bây giờ cũng gần như bão hòa rồi..’.

(Còn tiếp)

Băng Châu

Ảnh: FBNV