Sách tư liệu về Sài Gòn của NXB Trẻ bị tố sử dụng ảnh chế trên mạng

Cuốn sách “150 năm hình bóng Sài Gòn” của NXB Trẻ vừa bị cộng đồng mạng “tố” sử dụng ảnh chế, cắt ghép trên mạng mà chưa có sự thẩm định và xin phép tác giả.


Ảnh trong cuốn 150 năm hình bóng Sài Gòn

Ảnh trong cuốn "150 năm hình bóng Sài Gòn"

"150 năm hình bóng Sài Gòn” là tập sách ảnh về thành phố Sài Gòn từ năm 1863 đến những hình ảnh mới chụp năm 2013. Tác giả của cuốn sách là nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái, một phần trong cuốn sách là những bức ảnh của ông. Cuốn sách được giới thiệu là “tập sách quý và hiếm, một tài liệu bổ ích để hiểu thêm về sự hình thành và phát triển của Sài Gòn - TPHCM qua 150 năm”, do NXB Trẻ phát hành.

Tuy nhiên, ngày 9/8, tài khoản facebook có tên Đoàn Khuyên đã chia sẻ một hình trong cuốn sách này và nghi ngờ có sự cắt ghép: “Mình dụi mắt lia lịa khi coi hai bức hình 1 và 2 (in trong cuốn 150 năm hình bóng Sài Gòn 1863-2013, NXB Trẻ, 2015, tr.268). Chắc chắn hình thứ 2 đã bị chỉnh sửa và lọt qua khâu biên tập”.

Ngoài ra, người này cũng chỉ ra những điểm vô lý của các bức hình: Khi xem hình thứ 2, ngoài sự phi lý về trọng lực, có thể thấy từ người đàn ông áo trắng đứng ngoài mép của ô-văng đến những người còn ở bên dưới giống hệt bức hình thứ nhất. Ngoài ra màu nền quanh những hình người bị văng ra khác biệt với màu nền trời. Sự cắt ghép thô và đầy lỗi. Hình số 3 là loạt ảnh gốc của phóng viên kỳ cựu Hubert Van Es về những giờ phút cuối của Sài Gòn.

Những chia sẻ này đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng và có hơn 600 lượt chia sẻ.

Sau đó, đến sáng 11/8, họa sĩ thiết kế Trương Huyền Đức (tài khoản mạng xã hội là Duc. Truong Huyen) cũng viết một status rất dài, bày tỏ sự bức xúc khi NXB Trẻ sử dụng bức ảnh chế của nhóm mình mà chưa xin phép, thậm chí còn không cẩn thận trong khâu kiểm duyệt và biên tập.

Theo nhà thiết kế Trương Huyền Đức thì bức ảnh đó được nhóm của anh cắt ghép để “cho vui”. Cụ thể, khoảng năm 2010, anh tham gia một nhóm trao đổi của các họa sĩ thiết kế giải trí (phần đông là người Mỹ). Một lần, nhóm nghĩ ra ý tưởng chế một bức ảnh cho vui, rồi đưa lên web. Trương Huyền Đức còn nhớ rõ bức ảnh chế đó lấy ý tưởng từ cú đá của một nhân vật trong bộ phim “300 chiến binh”.

  Ảnh chế lấy ý tưởng từ cú đá trong bộ phim “300 chiến binh” của nhóm Trương Huyền Đức.
Ảnh chế lấy ý tưởng từ cú đá trong bộ phim “300 chiến binh” của nhóm Trương Huyền Đức.

“Năm 2010, mình đang thuyết trình phần lịch sử chiến tranh Việt Nam cho đám bạn nước ngoài, đa số là người Mỹ còn trẻ, vì mỗi đứa phải chia sẻ về một thứ mà mình thấy thú vị, đáng để mọi người nghe. Thuyết trình đến cái ảnh này do nhiếp ảnh gia người Hà Lan Hubert van Es chụp, là ảnh máy bay của hãng Air America hỗ trợ đón nhân lực của CIA trên tầng chóp của toà nhà số 22 Gia Long tức 22 Lý Tự Trọng bây giờ, dù theo kế hoạch thì di tản nhân lực CIA nhưng rất nhiều nhân viên đều nhường cho người thân và những người có làm việc với Mỹ đi trước. Nói đến đây thì có một bạn tên là Paul bảo: "Ơ tưởng bỏ chạy mà vẫn nhường nhau nhỉ?" (trong ảnh gốc là hai người, có vẻ là phụ lái và một người chưa rõ, đang cố đưa một ông bố có con nhỏ leo lên thang), một bạn khác mình không nhớ tên mới bảo là phải chi mạnh được yếu thua như Spartan thì đã đạp bay rồi, nên cả đám mới chế ra cái hình đó… Ai dè châm biếm lại thành ra tưởng thật thế này…”.

Sau đó Trương Huyền Đức bày tỏ sự ngạc nhiên, vì bức ảnh thiết kế mà anh cho rằng “nhảm nhảm” lại đưa vào sách tư liệu lịch sử. “Tôi tìm hiểu thì được biết cuốn sách tập hợp nhiều ảnh tư liệu quý hiếm về Sài Gòn. Có lẽ người biên tập sách đã bị vội vàng mà không kiểm chứng được bức ảnh, bởi thế nó mới lọt qua khâu biên tập” - NTK Trương Huyền Đức chia sẻ.

Sau vài tiếng đăng tải, status này của Trương Huyền Đức đã có hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận. Đa phần đều bày tỏ ý kiến cho rằng nhà xuất bản đã không biên tập cẩn thận trước khi xuất bản cuốn sách.

Liên hệ với ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - đơn vị phát hành cuốn sách “150 năm hình bóng Sài Gòn 1863-2013”, ông cho biết vừa nắm được sự việc trên và đang thẩm định lại thông tin mà bạn đọc phản ảnh. Cũng theo ông Nhựt, NXB Trẻ vừa yêu cầu các đơn vị phát hành tạm dừng phát hành cuốn sách để chờ thẩm định nội dung. Khi có thông tin phản hồi chính thức từ tác giả và kết luận của hội đồng biên tập, NXB sẽ tiếp tục xử lý các bước tiếp theo.

Theo Linh Phương

Lao Động