Sách tranh, truyện tranh - hướng đi mới cho ngành xuất bản Việt
(Dân trí) - Sự thành công của một số họa sĩ trẻ, liều lĩnh thử sức mình trong lĩnh vực sách tranh dành cho đối tượng độc giả trưởng thành cho thấy đây đang là phân khúc thị trường đầy tiềm năng.
Truyện tranh cho lứa tuổi thiếu nhi ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận và đang dần định hình phong cách. Tuy nhiên, thị trường truyện tranh cho người lớn vẫn còn bỏ ngỏ và được ví như mảnh đất màu mỡ đang bị bỏ phí, kéo theo đó là các họa sĩ không có đất diễn để phát huy tài năng của mình…
Trước nay ở Việt Nam, dòng truyện, sách tranh vốn được coi là thể loại chỉ dành cho đối tượng độc giả là thiếu nhi, học sinh, sinh viên nên lượng độc giả ở lứa tuổi trưởng thành trở lên thường ít tiếp cận với dòng sách này. Do vậy, trong khi thị trường truyện tranh cho lứa tuổi thiếu nhi ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận và đang dần định hình phong cách thì thị trường truyện tranh cho người lớn vẫn còn bỏ ngỏ. Thời gian gần đây, với sự thành công của một số các họa sĩ trẻ, liều lĩnh thử sức mình trong lĩnh vực sách tranh dành cho đối tượng độc giả trưởng thành, có thể thấy rằng đây là phân khúc thị trường đầy tiềm năng.
“Hiện tượng” đầu tiên phải kể tới chính là “Sát thủ đầu mưng mủ” của họa sĩ Phong Ronnin (Nguyễn Thành Phong) xuất bản năm 2012, từng gây xôn xao cộng đồng và trong cả giới chuyên môn ở thời điểm xuất bản.
“Sát thủ đầu mưng mủ” đã mở ra một hướng đi mới cho các họa sĩ trẻ Việt Nam có đất dụng tài, đem các tác phẩm của mình đến gần công chúng hơn.
Đầu năm nay, cuốn tranh “Nhật ký của mẹ” của họa sĩ Kawa Chan (Nguyễn Hải Hà) cũng đã gây ấn tượng mạnh với những chia sẻ dí dỏm về trải nghiệm lần đầu mang thai của mình.
Bằng nét vẽ sống động và những tình cảm chân thành của tình mẫu tử, họa sĩ Kawa Chan đã phác họa những mẩu chuyện thường ngày mà các “mẹ bầu” thường phải trải qua.
Bên cạnh sách tranh, mảng truyện tranh trong mùa hè vừa qua cũng đã có một điểm sáng nổi bật khi cuốn “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” của họa sĩ trẻ Phan Kim Thanh đạt thành tích đáng nể hết veo 3000 bản chỉ trong ngày đầu tiên xuất bản.
“Chuyện tào lao của Vàng Vàng” không chỉ hớp hồn các bé thiếu nhi vì độ dễ thương của các nhân vật trong truyện mà còn khiến người lớn thích thú với các mẩu chuyện mang tính thời sự, vừa hài hước vừa dí dỏm dưới nét vẽ của Phan Kim Thanh.
Tiếp sau Vàng Vàng, “Nhật ký của Pink” – cuốn sách tranh vừa ra mắt tháng 8 vừa qua của họa sĩ trẻ Wazza Pink cũng đang được độc giả đón nhận nhiệt tình.
“Nhật ký của Pink” là cuốn sách tranh viết về những mẩu chuyện hồn nhiên, với cách nhìn vừa đáng yêu, mới lạ về tuổi thơ, về xe cộ, về mùa thu Hà Nội, những thứ rất đời thường nhưng là điểm đồng điệu trong tuổi thơ của rất nhiều người.
Trên đây là những “điểm sáng” trên thị trường sách, truyện tranh Việt thời gian gần đây. Đó có thể coi là một dấu hiệu đáng mừng khi các họa sĩ trẻ có cơ hội để phát triển tài năng và cống hiến được nhiều hơn nữa cho cộng đồng. Tuy nhiên để khai thác được mảnh đất màu mỡ này cần có định hướng và chiến lược dài hơi hơn nữa.
Phương Nhung